Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Loạt dự án tại Hoà Bình chậm tiến độ; Điều tra dự án Lideco Bãi Muối Quảng Ninh 'bán chui'
Bộ Xây dựng lưu ý nhiều vấn đề liên quan đến 'siêu' đự án 262 ha của Crystal Bay, Công an vào cuộc điều tra việc “bán chui” dự án Lideco Bãi Muối (Quảng Ninh), Hoà Bình công khai loạt dự án khu đô thị, nhà ở chậm tiến độ… là những thông tin BĐS đáng chú ý trong tuần qua.
Khu đô thị Lam Hồng Garden Park City
Bộ Xây dựng lưu ý nhiều vấn đề tại dự án 262 ha của Crystal Bay
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến thẩm định dự án công viên trung tâm và Khu đô thị Lam Hồng Garden Park City, Hà Tĩnh do CTCP Crystal Bay đề xuất.
Trong đó, Bộ Xây chỉ ra nhiều vấn đề, yêu cầu chủ đầu tư bổ sung như: Hình thức kinh doanh sản phẩm của dự án đối với đất ở chia lô (là nhà liền kề và nhà biệt thự); phương án kinh doanh đối với nhà chung cư, nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư; số liệu về quy mô dân số, đảm bảo sự phù hợp quy mô dân số của dự án với khu vực; đánh giá nhu cầu nhà ở và quỹ đất phát triển đô thị, phương án bố trí dân cư, lao động...
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng lưu ý chủ đầu tư tuân thủ quy định của pháp luật trong sử dụng đất lúa. Cụ thể: Diện tích khu vực đề xuất dự án đầu tư là đất nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa và nuôi trồng thủy sản. Diện tích đất trồng lúa là 139,63ha, chiếm 53,29% diện tích toàn khu vực; diện tích đất nuôi trồng thủy sản là 29,28 ha, chiếm 11,18% diện tích toàn khu vực.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng lưu ý: Một số chức năng sử dụng đất ở, xây dựng chung cư, thương mại và định hướng phát triển không gian, hệ thống hạ tầng xã hội, cây xanh… trong khu vực đề xuất dự án đầu tư chưa phù hợp với Quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh (theo Quyết định số 3926). Đề xuất dự án công viên trung tâm và khu đô thị chưa phù hợp với Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Tĩnh.
Được biết, dự án trên do Công ty cổ phần Crystal Bay đề xuất. Quy mô khoảng 262 ha thuộc thành phố Hà Tĩnh.
Công vào cuộc điều tra việc “bán chui” dự án Lideco Bãi Muối (Quảng Ninh)
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa giao Công an tỉnh Quảng Ninh vào cuộc điều tra và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) liên quan đến thông tin Công ty CP Xây dựng và BĐS Sealand Việt Nam (trụ sở Quảng Ninh) bán hàng loạt ô đất chưa đủ điều kiện tại dự án Khu đô thị Lideco Bãi Muối (TP.Hạ Long).
Trước đó, ngày 28/1, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu Sở Xây dựng Quảng Ninh xác minh thông tin dự án Lideco Bãi Muối đang được công khai chuyển nhượng khi chưa đủ điều kiện. Theo Sở Xây dựng Quảng Ninh, đến thời điểm này, chủ đầu tư của dự án là Công ty cổ phần phát triển đô thị Từ Liêm chưa phát hành bất cứ một văn bản, hợp đồng nào liên quan đến việc bán các lô đất của dự án. Sở Xây dựng chưa nhận được hồ sơ dự án của nhà đầu tư trình để ban hành thông báo đủ điều kiện đưa dự án vào kinh doanh bất động sản theo quy định.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân, mặc dù dự án chưa hoàn thành nhưng đã có hoạt động giao dịch “chui” nhằm giữ chỗ các ô đất. Cụ thể, Công ty CP Xây dựng và BĐS Sealand Việt Nam bị tố đã thực hiện "bán ngầm" hàng loạt ô đất tại dự án Khu đô thị Lideco Bãi Muối…
Dự án Khu đô thị Lideco Bãi Muối có diện tích 23 ha, tên gọi chính thức là Dự án Khu đô thị tại phường Cao Thắng và Hà Khánh, thành phố Hạ Long do Công ty cổ phần phát triển đô thị Từ Liêm (Nhà Từ Liêm, Lideco – Mã CK: NTL) là chủ đầu tư.
Dự án được chia làm 4 phân khu với tổng mức đầu tư (chưa bao gồm tiền sử dụng đất) hơn 1.200 tỷ đồng, nằm trên trục đường Cao Thắng, cách cầu Bãi Cháy và quần thể Sunworld Hạ Long chưa tới 3km. Đây cũng là dự án NTL ghi nhận giá trị tồn kho lớn nhất với gần 631 tỷ đồng, NTL kỳ vọng dự án này sẽ đóng góp nguồn thu đáng kể cho doanh nghiệp trong giai đoạn 2021- 2025…
Loạt dự án khu đô thị, nhà ở tại Hoà Bình chậm tiến độ
Thanh tra tỉnh Hoà Bình vừa ban hành Kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với 9 dự án nhà ở thương mại trên địa bàn. Trong đó, có 6 dự án chậm tiến độ với lý do giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, dự án Khu dân cư số 3, số 4 phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình do Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Sao Vàng và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Thái Hưng làm chủ đầu tư, chưa khởi công xây dựng công trình do chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng.
Dự án Khu đô thị mới Trung Minh B do Liên danh Công ty Cổ phần Lã Vọng Group và Công ty Cổ phần Thương mại Ngôi Nhà mới làm chủ đầu tư, hiện tại dự án vướng mắc do Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.
Tại dự án khu nhà ở Thăng Long Xanh tại xã Quang Tiến (TP Hòa Bình) do liên danh Công ty CP Thăng Long Land, Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng và Công ty CP Phát triển đô thị An Thịnh là chủ đầu tư, công tác GPMB còn vướng mắc do trong đồ án quy hoạch chưa bố trí khu tái định cư.
Tại huyện Lương Sơn, Dự án Khu dân cư tại Tiểu khu 1, thị trấn Lương Sơn, do Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn IUC và Công ty Cổ phần Xây dựng số 7 (Công ty Cổ phần xây dựng số 7 nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn BGD) làm chủ đầu tư cũng vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng, do một số hộ dân chưa đồng ý với đơn giá đền bù.
Hà Nội: 23 dự án thuộc diện thanh tra quỹ đất xây nhà ở xã hội
Sở Xây dựng Hà Nội vừa gửi Thanh tra Bộ Xây dựng danh sách 23 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị... thuộc diện thanh tra việc dành 20% quỹ đất dự án để xây nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2021.
Trong đó, có 7 dự án nhà ở thương mại, nhà ở: Khu tái định cư Đông Hội, Đông Anh (17,42ha), nhóm nhà ở Tây Nam Mễ Trì (18,67ha), khu nhà ở văn phòng, nhà trẻ 622 Minh Khai, khu nhà ở Tây Mỗ (22,66ha), nhóm nhà ở Đông Nam đường Lê Văn Lương kéo dài (9,17ha), khu nhà ở Minh Đức (173,56ha), khu nhà ở xã Uy Nỗ, Đông Anh (85,84ha).
Ngoài ra còn có 16 dự án khu đô thị: Khu đô thị Nam đường vành đai 3, khu đô thị Thịnh Liệt, khu đô thị HUD Sơn Tây, khu đô thị mới CEO Mê Linh, khu đô thị mới Đại Kim, khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh, khu đô thị Gia Lâm; khu nhà ở Minh Giang - Đầm Và; khu chức năng đô thị Tây Nam đường 70…
Trước đó, Bộ Xây dựng đã quyết định thanh tra việc thực hiện quy định dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại 11 địa phương: Hà Nội, TPHCM, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.
Quảng Trị kiểm soát nguy cơ xảy ra “bong bóng” bất động sản
UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành văn bản yêu cầu về việc kiểm soát nguy cơ xảy ra “bong bóng” bất động sản trên địa bàn.
UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian qua, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh có tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, một số tổ chức cá nhân chưa tuân thủ các quy định về kinh doanh bất động sản.
Bên cạnh đó có dấu hiệu nhà đầu tư tổ chức huy động vốn chuyển nhượng chưa đúng quy định của pháp luật, thổi phồng để quảng cáo, rao bán khi chưa đầy đủ quy trình, thủ tục và chưa đầu tư cơ sở hạ tầng cho dự án gây ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, trật tự xã hội trên địa bàn…
Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản,... vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan.
Đối với Sở Xây dựng, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai.
UBND tỉnh Quảng Trị cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh… nhằm kiểm soát tốt thị trường bất động sản, tránh nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản, đảm bảo ổn định nan ninh trật tự và thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư.