Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Quảng Nam yêu cầu 104 dự án cung cấp số liệu phục vụ thanh tra

Quảng Nam yêu cầu 104 dự án bất động sản cung cấp số liệu chuyển nhượng phục vụ thanh tra; Quảng Trị 'thúc' Capella triển khai dự án hơn 2.300 tỷ đồng; Đồng Nai điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024; Bộ Xây dựng chỉ đạo tăng cường xử lý sai phạm bất động sản; Phê duyệt quy hoạch 1/500 bến cảng 14.000 tỉ đồng ở Quảng Trị; Thanh Hóa thành lập cụm công nghiệp Tam Linh hơn 37ha là những thông tin nổi bật tuần qua.

Quảng Nam yêu cầu 104 dự án bất động sản cung cấp số liệu chuyển nhượng phục vụ thanh tra

Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam xác nhận vừa có văn bản gửi chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh này yêu cầu cung cấp thông tin.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng; việc cấp phép, khai thác các mỏ đất đá làm vật liệu xây dựng của UBND tỉnh Quảng Nam.

Văn bản của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam gửi đến các dự án trên địa bàn tỉnh.  
Văn bản của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam gửi đến các dự án trên địa bàn tỉnh.  

“Để có cơ sở tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam và Đoàn Thanh tra của Chính phủ, Sở Xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo bằng văn bản tình hình, số liệu liên quan đến việc chuyển nhượng dưới hình thức góp vốn đầu tư thứ cấp của các chủ dự án kinh doanh nhà ở, khu đô thị trên địa bàn (số khách hàng, diện tích, tiền thu được…)” - Sở Xây dựng yêu cầu.

Sở Xây dựng Quảng Nam cho hay toàn tỉnh có tổng cộng 104 dự án thực hiện báo cáo để sở này tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Đoàn Thanh tra. Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư báo cáo và thống kê chi tiết, cụ thể thông tin liên quan đến dự án gửi về sở trước ngày 5/1/2023.

Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Quảng Nam yêu cầu 104 dự án cung cấp số liệu phục vụ thanh tra - Ảnh 1

Theo tìm hiểu, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều dự án huy động vốn khi chưa đủ điều kiện, dẫn tới xảy ra kiện tụng, tranh chấp kéo dài. Điển hình trong số này là vụ việc giữa Công ty Bách Đạt An và Hoàng Nhất Nam, có đến hàng ngàn khách hàng liên quan.

Quảng Trị 'thúc' Capella triển khai dự án hơn 2.300 tỷ đồng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng vừa chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp (KCN) sinh thái - Capella Quảng Trị.

Báo cáo của Công ty Cổ phần bất động sản Capella tại cuộc họp cho biết, nhà đầu tư đã thành lập Công ty Cổ phần Capella Land Quảng Trị tại địa phương để thực hiện dự án Khu công nghiệp sinh thái – Capella Quảng Trị tại các xã Triệu Trạch, Triệu Vân, huyện Triệu Phong thuộc Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 2.300 tỷ đồng, thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Tiến độ thực hiện dự án được phân kỳ đầu tư thành 4 giai đoạn, thực hiện từ quý II/2023 đến quý IV/2026…

Cũng theo báo cáo của Công ty Cổ phần bất động sản Capella, đến nay qua rà soát hiện trạng khu vực đề xuất dự án có tổng diện tích 446 ha, gồm 14 loại đất; có hiện trạng rừng trồng, rừng phòng hộ và đất lâm nghiệp. Bên cạnh đó, Dự án Capella Quảng Trị và Dự án FMCR có diện tích đất chồng lấn 12,6 ha.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho rằng, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực định vị lại và có hướng đi đúng trong phát triển kinh tế xã hội. Tỉnh Quảng Trị luôn chú trọng công tác kêu gọi đầu tư và có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt cho các nhà đầu tư khi đến nghiên cứu và đầu tư tại tỉnh Quảng Trị. Nhờ đó, nhiều dự án chiến lược như sân bay, cảng biển, hệ thống giao thông được triển khai thực hiện đồng bộ. Đây cũng là thời điểm có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư…

Riêng đối với dự án Khu công nghiệp sinh thái – Capella Quảng Trị, kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị nhà đầu tư Dự án và các ngành, địa phương liên quan cần tăng cường phối hợp để xây dựng lộ trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật, nhất là đất rừng. Chú trọng yếu tố bảo vệ môi trường, đảm bảo dòng chảy các khe nước trong phạm vi dự án. Lấy ý kiến tham vấn cộng đồng của các hộ dân trồng rừng và có đất, nhà ở, tài sản thuộc diện giải phóng mặt bằng để có sự đồng thuận, tạo điều kiện thuận lợi triển khai dự án.

Đồng Nai điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 56/2022/QĐ-UBND (Quyết định 56) về việc điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2024.

Theo đó, quyết định mới ban hành quy định bảng giá đất đối với từng loại đất; nguyên tắc xác định giá đất tại từng khu vực, vị trí theo Luật Đất đai năm 2013.

Giá đất tại Quyết định 56 là căn cứ để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, hộ gia đình với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức; tính tiền sử dụng đất; xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai; tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước; tính tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa…

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

Theo đó, đất nông nghiệp và phi nông nghiệp được chia làm 2 loại là tại đô thị và tại nông thôn, phân làm 4 vị trí. Đối với đất nông nghiệp, tùy vào loại đất và vị trí có mức giá tương ứng.

Cụ thể, đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác có mức giá cao nhất là 450.000 đồng/m2; đất trồng cây lâu năm 450.000 đồng/m2; đất rừng sản xuất 290.000 đồng/m2; đất nuôi trồng thuỷ sản 290.000 đồng/m2.

Đối với đất phi nông nghiệp, mức giá cao nhất cho từng loại đất như sau: Đất ở tại đô thị cao nhất là 40.000.000 đồng/m2; đất ở tại nông thôn cao nhất 9.000.000 đồng/m2; đất thương mại - dịch vụ tại đô thị cao nhất 28.000.000 đồng/m2, tại nông thôn cao nhất 6.300.000 đồng/m2.

Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại - dịch vụ tại đô thị và nông thôn lần lượt cao nhất là 24.000.000 đồng/m2 và 5.400.000 đồng/m2; đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp 3.900.000 đồng/m2.

Như vậy, so với bảng giá đất ban hành năm 2019, giá đất cao nhất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo quy định mới không có sự thay đổi. Tuy nhiên, vẫn có sự điều chỉnh tăng giá đất tại một số khu công nghiệp. Giá đất tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 và Amata trước đây cao nhất là 3.600.000 đồng/m2 thì nay điều chỉnh lên mức 3.900.000 đồng/m2.

Giá đất Khu công nghiệp Hố Nai từ 1.200.000 đồng/m2 tăng lên 1.700.000 đồng/m2; Khu công nghiệp Tam Phước tăng từ 1.380.000 đồng/m2 lên 2.000.000 đồng/m2; Khu công nghiệp Giang Điền tăng từ 960.000 đồng/m2 lên 2.000.000 đồng/m2. Đáng chú ý, giá đất Khu công nghiệp Ông Kèo (Nhơn Trạch) trước đây là 780.000 đồng/m2 thì nay tăng lên mức 1.575.000 đồng/m2, tăng cao nhất.

Quyết định 56 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023 và thay thế cho quy định về bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 ban hành vào năm 2019.

Bộ Xây dựng chỉ đạo tăng cường xử lý sai phạm bất động sản

Đó là chỉ đạo của Bộ Xây dựng tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Xây dựng diễn ra mới đây.

Theo đó, để đảm bảo hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý nhà nước đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương.

Đồng thời quan tâm đặc biệt công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch; việc xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cần chú trọng giải quyết được các vướng mắc, tồn tại, bất cập trong công tác quản lý quy hoạch hiện nay; chú trọng nghiên cứu các mô hình đô thị mới, sớm ban hành tiêu chí đô thị thông minh; đẩy nhanh xây dựng kho dữ liệu dùng chung ngành Xây dựng; chú trọng công tác cấp thoát nước, thực hiện các giải pháp chống ngập lụt tại các đô thị lớn.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục chú trọng thực hiện các giải pháp đảm bảo phát triển ổn định, lành mạnh thị trường bất động sản, tăng cường xử lý các sai phạm theo thẩm quyền, nhất là các sai phạm trong lĩnh vực bất động sản tại các địa phương.

Chủ động xây dựng, đổi mới công tác quản lý chi phí, hợp đồng xây dựng để vừa đảm bảo sự linh hoạt, rõ trách nhiệm vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước; quan tâm nghiên cứu phát triển các loại vật liệu mới, thân thiện với môi trường.

Phê duyệt quy hoạch 1/500 bến cảng 14.000 tỉ đồng ở Quảng Trị

Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Trị mới đây đã có quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Khu bến cảng Mỹ Thuỷ.

Theo đó, dự án có quy mô diện tích lập quy hoạch là 685 ha, bố trí 10 bến cảng với tổng chiều dài bến 3.000m, rộng 50m.

Bến có khả năng tiếp nhận tàu container 100.000 DWT, tàu hàng rời 100.000 DWT, tàu tổng hợp 50.000 DWT. Công suất trung bình mỗi bến khoảng 3 triệu tấn/năm. Đồng thời, quy hoạch các bến cho tàu công vụ gần khu vực gốc đê chắn sóng với tổng chiều dài 700m. Luồng tàu được thiết kế với chiều rộng 170m, cao độ -18.1m (hệ Nhà nước).

Phối cảnh bến cảng Mỹ Thủy.  
Phối cảnh bến cảng Mỹ Thủy.  

Khu bến cảng Mỹ Thuỷ phục vụ trực tiếp cho khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, kết hợp tiếp chuyển hàng cho CHDCND Lào, Đông Bắc Vương quốc Thái Lan trên tuyến hàng lang kinh tế Đông - Tây.

Khu kho, xưởng, bãi hàng có diện tích 109,37 ha, vị trí sau bến cảng để thực hiện các chức năng về dịch vụ lưu kho lưu bãi, logistics, dịch vụ sửa chữa, vệ sinh container và thiết bị....

Hệ thống giao thông kết nối với cảng thông qua đường quốc lộ 15D (cảng Mỹ Thủy - cửa khẩu La Lay); đường ven biển (kết nối quốc lộ 9), quốc lộ 49C, quốc lộ 49B (cảng Cửa Việt - Cảng Mỹ Thủy - Cảng Chân Mây (Huế)).

Dự án Đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tháng 1/2019.

Tổng vốn đầu tư là 14.234 tỉ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư để thực hiện dự án là 2.143 tỉ đồng. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ được thực hiện từ năm 2018 - 2025 với 4 bến, tổng vốn đầu tư 4.946 tỉ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu 750 tỉ đồng. Công ty cổ phần liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) làm chủ đầu tư dự án.

Thanh Hóa thành lập cụm công nghiệp Tam Linh hơn 37ha

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định số 4517/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp Tam Linh, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). Theo đó, Cụm công nghiệp Tam Linh, huyện Nga Sơn, có diện tích 37,07ha, tại thị trấn Nga Sơn và xã Nga Văn, huyện Nga Sơn.

Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty TNHH FDI Nga Sơn; tổng mức đầu tư tạm tính 250 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu 70 tỷ đồng, chiếm 28%; vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác 180 tỷ đồng, chiếm 72%. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật: Từ quý IV/2022 - quý IV/2023: Hoàn thành các thủ tục đầu tư; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và thuê đất với nhà nước, hoàn thành thuê đất với Nhà nước trước ngày 01/01/2024. Trước ngày 01/9/2024: Hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; lập và phê duyệt quy chế cung cấp, quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích trong cụm công nghiệp (đảm bảo đủ điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất để sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp).

Ranh giới cụ thể gồm: khu A có diện tích 30,21 ha. Phía bắc giáp hành lang đường tỉnh lộ 508. Phía nam giáp đất nông nghiệp. Phía đông giáp đường giao thông liên xã. Phía tây giáp đường bê tông nội đồng. Khu B có diện tích 6,86 ha với phía bắc giáp đất sản xuất nông nghiệp. Phía nam giáp hành lang đường tỉnh lộ 508. Phía đông giáp Công ty TNHH Winners Vina. Phía tây giáp đường nhựa khu dân cư Tây Vina (cách khu dân cư quy hoạch khoảng 15 m).

Bảo Châu (t/h)

Theo Kinh doanh và Phát triển