Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Chuyển động mới tại dự án hơn 53.600 tỷ đồng của Tập đoàn T&T và nhóm doanh nghiệp Hàn Quốc

Chuyển động mới tại dự án hơn 53.600 tỷ đồng của Tập đoàn T&T và nhóm doanh nghiệp Hàn Quốc; Bình Thuận rà soát nhiều quy hoạch “treo” kéo dài nhiều năm; Đề nghị cưỡng chế thu hồi khu đất 'vàng' 419 Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh); Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư trên 19.500 tỉ đồng cho dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; Quảng Trị hủy bỏ quy hoạch tại một số dự án 'treo' nhiều năm; Bình Định kiến nghị Bộ Quốc phòng giao đất để mở rộng Cảng hàng không Phù Cát là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Chuyển động mới tại dự án hơn 53.600 tỷ đồng của Tập đoàn T&T và nhóm doanh nghiệp Hàn Quốc

Mới đây, Tập đoàn T&T cùng tổ hợp các nhà đầu tư Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị để báo cáo tình hình triển khai dự án.

Tại buổi làm việc, đại diện nhà đầu tư cho biết, hiện đang tiến hành lập hồ sơ và thực hiện thỏa thuận chuyên ngành với các bộ, ngành. Lập và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập và thẩm định thiết kế cơ sở, tiến hành phê duyệt nghiên cứu khả thi…

Bên cạnh đó, đã hoàn thành công tác khảo sát, thu thập thông tin/số liệu tại địa điểm. Các nội dung báo cáo đang bám sát tiến độ đề ra, một số nội dung cần đẩy nhanh để đồng bộ với tiến độ chung như khảo sát xây dựng, cập nhật về bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, thiết kế cảng...

Nhà đầu tư đề xuất tỉnh Quảng Trị điều chỉnh chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư, hỗ trợ duy trì tiến độ dự án trong Quy hoạch điện VIII, hỗ trợ nhà đầu tư khi đàm phán với Chính phủ sau khi hoàn thành nghiên cứu khả thi…

Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 10/2021. Dự án được đầu tư bởi Tổ hợp nhà đầu tư gồm: Công ty Năng lượng Hanwha Hàn Quốc (Hanwha), Tổng công ty Khí Hàn Quốc (Kogas), Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (Kospo) và Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T (Tập đoàn T&T) .

Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 53.600 tỷ đồng (tương đương 2,32 tỷ USD), với quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 148 ha.

Dự án sẽ xây dựng Trung tâm Kho cảng LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 tiếp nhận tàu chở khí hóa lỏng từ 170.000 đến 226.000 m3 , công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn khí hóa lỏng/năm; Trung tâm Điện lực Hải Lăng, giai đoạn 1 có công suất phát điện 1.500 MW.

Bình Thuận rà soát nhiều quy hoạch “treo” kéo dài nhiều năm

Báo cáo chuyên đề rà soát các quy hoạch “treo” kéo dài nhiều năm, gây bức xúc và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ ra những quy hoạch “treo” nhiều năm qua như:

Về quy hoạch phân khu được phê duyệt nhiều năm nhưng chưa được triển khai có thành phố Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Hàm Thuận Nam, điển hình như quy hoạch phân khu khu vực hai bên đường Lê Duẩn (đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Lê Hồng Phong); quy hoạch phân khu Khu vực Bắc kênh thoát lũ, huyện Hàm Thuận Bắc, quy mô diện tích quy hoạch khoảng 850 ha…

Bình Thuận rà soát nhiều quy hoạch “treo” kéo dài nhiều năm (Ảnh minh họa).  
Bình Thuận rà soát nhiều quy hoạch “treo” kéo dài nhiều năm (Ảnh minh họa).  

Về các quy hoạch chi tiết của dự án khu dân cư, qua rà soát, có 16 dự án đã được triển khai lập quy hoạch chi tiết nhiều năm qua nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện hoặc quá trình triển khai kéo dài nhiều năm.

Về các hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, khu sản xuất dịch vụ và các khu đất chức năng quan trọng theo định hướng quy hoạch, các dự án chủ yếu nằm trên địa bàn thành phố Phan Thiết và có một phần diện tích nằm trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc…

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát cụ thể từng quy hoạch, từng dự án một có đảm bảo đúng quy định pháp luật, hiệu quả kinh tế - xã hội, tính khả thi để triển khai các bước tiếp theo và việc thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Trường hợp nếu không đảm bảo các điều kiện trên thì điều chỉnh quy mô hoặc chấm dứt các quy hoạch, dự án nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống.

Sở TN & MT TP Hồ Chí Minh đề nghị cưỡng chế thu hồi khu đất 'vàng' 419 Lê Hồng Phong

Tại cuộc họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chiều 22/12, Phó Chánh thanh tra Sở TM&MT TP Nguyễn Tiến Dũng cho biết, đơn vị đã báo cáo và trình Chủ tịch UBND TP để có văn bản chỉ đạo cưỡng chế thu hồi khu đất ở số 419 Lê Hồng Phong (phường 2, quận 10).

Trước đó, ngày 28/5/2021, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định thu hồi. Khu đất này do Công ty Cổ phần Giày Sài Gòn (nay là Công ty cổ phần giáo dục Sài Gòn) sử dụng, với lý do hết thời hạn thuê đất, không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép gia hạn.

Theo quyết định, việc thu hồi đất giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở TN&MT là đơn vị tổ chức thực hiện. Trung tâm đã nhiều lần mời đơn vị làm việc, yêu cầu thực hiện quyết định thu hồi nhưng Công ty không chấp hành.

Khu đất số 419 Lê Hồng Phong có diện tích hơn 10.000m2, tọa lạc trên 3 mặt tiền đường Vĩnh Viễn - Lê Hồng Phong - Trần Nhân Tôn.

Trước đó, Thường trực UBND TP đã có kết luận về việc điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 khu tại khu đất. Thường trực UBND TP nhận thấy hiện nay quỹ đất dành cho giáo dục trên địa bàn quận 10 còn thiếu so với quy định và quy hoạch được duyệt, đặc biệt là quỹ đất dành cho trường trung học cơ sở còn thấp, không đáp ứng được nhu cầu phục vụ học sinh trong thời gian tới.

Trong khi đó, khu đất số 419 đường Lê Hồng Phong đến hết năm 2020 là hết thời hạn cho thuê đất. UBND TP đồng ý chủ trương sau khi khu đất trên hết hợp đồng thuê đất sẽ thu hồi và bàn giao toàn bộ diện tích khu đất cho UBND quận 10 để đầu tư xây dựng trường trung học cơ sở đạt chuẩn theo quy định bằng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Việc này nhằm bổ sung vào quỹ đất giáo dục phục vụ nhân dân quận 10. UBND TP chỉ đạo UBND quận 10 làm việc với đơn vị thuê đất để thông báo rõ chủ trương của TP.

Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư trên 19.500 tỉ đồng cho dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương

Theo chủ trương được phê duyệt, cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có tổng chiều dài gần 74 km. Điểm đầu tại Km126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP.Bảo Lộc (điểm cuối dự án Tân Phú - Bảo Lộc).

Điểm cuối tại Km200+000 giao với cao tốc Liên Khương - Prenn tại Km208+650, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng. Tuyến cao tốc được đầu tư với quy mô giai đoạn hoan chỉnh gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m, tốc độ 100 km/h.

Trên cơ sở phương án thiết kế, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 19.521 tỉ đồng với cơ cấu gồm: nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 7.761 tỉ đồng (chiếm khoảng 39,76% tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1).

Trong đó, ngân sách tỉnh bố trí 4.000 tỉ đồng để thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, sau khi được TƯ bố trí 2.500 tỉ đồng sẽ thực hiện điều chỉnh giảm ngân sách địa phương. Số vốn tương đương 3.761 tỉ đồng dự kiến bồi thường bằng việc giao đất cùng mục đích sử dụng đất.

Dự kiến, tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng gần 619 ha. Trong đó, TP.Bảo Lộc khoảng 66,73 ha; huyện Bảo Lâm khoảng hơn 44 ha; huyện Di Linh khoảng 292,5 ha và huyện Đức Trọng hơn 215 ha.

Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Chuyển động mới tại dự án hơn 53.600 tỷ đồng của Tập đoàn T&T và nhóm doanh nghiệp Hàn Quốc - Ảnh 1

Vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 11.760 tỉ đồng (chiếm khoảng 60,24% tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1). Trong đó, phần vốn chủ sở hữu tối thiểu của các nhà đầu tư khoảng 1.764 tỉ đồng (chiếm 15%), vốn huy động khác khoảng 9.996 tỉ đồng (chiếm 85%, không bao gồm vốn ngân sách nhà nước).

Ngày 17/12, Sở KH-ĐT Lâm Đồng cho biết UBND tỉnh đã đồng ý để liên danh nhà đầu tư T&T Group JSC - FUTA Group (Công ty CP tập đoàn T&T - Công ty CP đầu tư tập đoàn Phương Trang) tìm hiểu, nghiên cứu, khảo sát, đề xuất ý tưởng quy hoạch và đăng ký một số dự án đầu tư dọc cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương. Ý tưởng quy hoạch sau khi được chấp thuận sẽ làm cơ sở cho việc triển khai, tổ chức lập quy hoạch phục vụ cho việc quản lý, kêu gọi thu hút đầu tư.

Quảng Trị hủy bỏ quy hoạch tại một số dự án 'treo' nhiều năm

Thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, UBND tỉnh này vừa quyết định hủy bỏ 2 quy hoạch xây dựng dọc ven biển.

Lý do là dự án không triển khai thực hiện và không có tính khả thi. Các quy hoạch xây dựng này đều thuộc Khu dịch vụ - du lịch dọc tuyến đường ven biển Cửa Tùng – Cửa Việt (thuộc Khu kinh tế Đông Nam).

Đó là Quy hoạch chi tiết Khu Dịch vụ - Du lịch Resort Cửa Tùng, diện tích 14 ha với khu dịch vụ - du lịch tổng hợp Gio Hải 1 và Quy hoạch chi tiết Khu khách sạn nghỉ dưỡng Ngân hàng Công thương Việt Nam tại Khu Dịch vụ - Du lịch Thủy Bạn, diện tích 23,1 ha.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Trị cũng hủy bỏ Quy hoạch chi tiết Khu Dịch vụ - Du lịch tổng hợp Gio Hải 1 thuộc Khu Dịch vụ - Du lịch dọc tuyến ven biển Cửa Tùng - Cửa Việt, diện tích 20 ha, được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt năm 2010.

Cũng theo Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Trị, bờ biển huyện Gio Linh có 10 dự án du lịch, dịch vụ nằm trong khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, có chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn hơn 6.000 tỷ đồng. Gần một nửa số dự án chậm tiến độ, có dự án bỏ hoang phải thu hồi.

Được biết, hiện UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hoàn thiện hồ sơ để chấm dứt với 16 dự án không thực hiện, ngừng hoạt động. Với nhóm 19 dự án chậm trễ, tỉnh sẽ hỗ trợ nếu vướng mắc giải phóng mặt bằng, nhưng với dự án chây ì thì sẽ chấm dứt.

Bình Định kiến nghị Bộ Quốc phòng giao đất để mở rộng Cảng hàng không Phù Cát

Ngày 17/12, UBND tỉnh Bình Định cho biết vừa có văn bản gửi Bộ Quốc phòng về việc thỏa thuận phương án quy hoạch sử dụng đất phục vụ quy hoạch mở rộng Cảng hàng không Phù Cát.

Phương án quy hoạch mở rộng Cảng hàng không Phù Cát đã được Cục Hàng không Việt Nam thống nhất.

Theo đó, phương án quy hoạch Cảng Hàng không Phù Cát giai đoạn 2021-2030, là cấp sân bay 4C theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp I; công suất 5 đến 7 triệu hành khách/năm và 12.000 tấn hàng hóa/năm. Tổng số vị trí đỗ tàu bay 26 vị trí; loại tàu bay khai thác như: A320/A321 và tương đương, có thể nâng cấp mở rộng để nhận tàu bay như: A350, B777, B787 và tương đương khi có yêu cầu.

Tầm nhìn đến năm 2050, cấp sân bay 4E (theo mã tiêu chuẩn của ICAO) và sân bay quân sự cấp I; công suất 12 đến 15 triệu hành khách/năm và 27.000 tấn hàng hóa/năm. Tổng số vị trí đỗ tàu bay 35 vị trí; loại tàu bay khai thác là tàu bay Code E, A320/A321 và tương đương.

Nhu cầu sử dụng đất quy hoạch Cảng Hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với hơn 948 ha. Trong đó, diện tích đất do quân sự quản lý gần 549 ha; diện tích đất do hàng không dân dụng quản lý gần 114 ha và diện tích đất dùng chung gần 286 ha.

Bảo Châu (t/h)

Theo Kinh doanh và Phát triển