Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Quảng Ngãi thu hồi toàn bộ 9 dự án với tổng vốn đầu tư 18.000 tỷ đồng của Tập đoàn FLC
Quảng Ngãi thu hồi toàn bộ 9 dự án với tổng vốn đầu tư 18.000 tỷ đồng của Tập đoàn FLC; Hà Nội xem xét thông qua lựa chọn nhà đầu tư ở Khu đô thị mới Liên Ninh; TP.HCM thu hồi hơn 6.000m2 'đất vàng' bị Vinafood 2 thâu tóm; Công ty thành viên của Kinh Bắc đầu tư hơn 1.000 căn nhà ở xã hội tại Đà Nẵng; Thành viên NovaGroup muốn nghiên cứu, đề xuất dự án 580 ha tại Đồng Tháp; Hà Nội đấu giá nhiều lô đất từ 1 triệu đồng/m2;…là những thông tin bất động sản đáng chú ý tuần qua.
Quảng Ngãi thu hồi toàn bộ 9 dự án với tổng vốn đầu tư 18.000 tỷ đồng của Tập đoàn FLC
Ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau khi làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, phía nhà đầu tư đã đồng ý triển khai thực hiện các bước để làm thủ tục bàn giao cho địa phương tiến hành thu hồi toàn bộ 9 dự án đã được cấp.
Theo ông Phương, trong tuần này, Ban sẽ hoàn thành các hồ sơ liên quan đến 9 dự án của FLC để thu hồi và tiến hành đấu thầu lựa chọn lại nhà đầu tư theo quy định.
Tập đoàn FLC đã có văn bản tự nguyện hoàn trả lại 2 trong số 9 dự án gồm dự án đô thị Vạn Tường 7 và đô thị Vạn Tường 8 với tổng vốn đăng ký đầu tư của 2 dự án là hơn 5.000 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2018, 2019, Quảng Ngãi đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 9 dự án thuộc quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi cho Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và các đối tác của FLC khác đầu tư trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất.
Tổng vốn đăng ký đầu tư của 9 dự án lên tới 18.000 tỷ đồng, nhưng sau nhiều năm, các dự án này đều trở thành dự án treo.
Lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, xác nhận hiện các dự án này đều chưa được triển khai xây dựng, nguyên nhân là vướng quy hoạch đất quốc phòng, khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hà Nội xem xét thông qua lựa chọn nhà đầu tư ở Khu đô thị mới Liên Ninh
Thường trực Thành ủy Hà Nội đã xem xét nội dung Tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND TP về việc đề nghị xem xét thông qua chủ trương đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Liên Ninh, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì.
Được biết, đây là khu đô thị đầu tiên sẽ được triển khai sau khi có Quyết định 32/2022/QĐ-UBND ngày 16/9/2022 của UBND TP Hà Nội quy định một số nội dung về quản lý dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất của TP Hà Nội.
Theo đó, Ban Cán sự đảng UBND TP báo cáo, trình Thường trực Thành ủy xem xét, cho ý kiến về chủ trương đầu tư Khu đô thị mới Liên Ninh tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, thực hiện theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Dự án do UBND huyện Thanh Trì đề xuất có vốn đầu tư dự kiến 1.423,4 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất khoảng 27,7ha, với dân số khoảng 4.500 người. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng khu đô thị mới phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết được phê duyệt, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhằm nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, góp phần tạo diện mạo đô thị mới cho huyện Thanh Trì.
Nhà đầu tư thực hiện đầu tư, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt; công trình cây xanh khu ở; công trình giao thông; bãi đỗ xe; trường mầm non; 197 căn nhà ở biệt thự; 76 căn nhà ở liền kề; nhà ở xã hội có tầng cao tối đa là 30 tầng…
Nhà đầu tư tham gia đấu thầu phải là tổ chức thuộc nhóm đối tượng được Nhà nước giao đất theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 55 Luật Đất đai 2013; có đủ các điều kiện để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022-2026, đề xuất hoàn thành trong Quý I/2026. Nội dung đề xuất đầu tư Dự án của UBND huyện Thanh Trì có chức năng sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch cơ bản phù hợp với Quy hoạch chi tiết Khu đô thị tại xã Liên Ninh, tỷ lệ 1/500 đã được UBND phê duyệt tại Quyết định số 2820/QĐ-UBND ngày 8/6/2018.
TP.HCM thu hồi hơn 6.000m2 'đất vàng' bị Vinafood 2 thâu tóm
Theo thông tin từ VTC News, UBND phường Bến Nghé (quận 1, TP.HCM) thông báo niêm yết công khai quyết định thu hồi đất tại số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé). Động thái này được thực hiện theo Quyết định số 2834/QĐ-UBND ngày 23/8/2022 của UBND TP.HCM.
"UBND phường Bến Nghé thực hiện giao quyết định của UBND TP về việc thu hồi đất tại số 33 đường Nguyễn Du, số 34 - 36 và 42 đường Chu Mạnh Trinh đối với Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Xây dựng Việt Hân Sài Gòn. Tại thời điểm giao Quyết định Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Xây dựng Việt Hân Sài Gòn vắng mặt. Nay, UBND phường Bến Nghé niêm yết công khai nội dung quyết định theo quy định", thông báo của UBND phường Bến Nghé ghi.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ có kết luận gửi Thủ tướng để báo cáo kết quả kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về sai phạm tại khu "đất vàng" số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh cùng việc khiếu nại của các hộ dân liên quan đến dự án.
Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt mánh khóe của Vinafood 2 và Công ty Việt Hân trong thương vụ thâu tóm đất công tại dự án nói trên.
Theo Quyết định số 2834, UBND TP.HCM quyết định thu hồi 6.274,5m2 đất tại địa chỉ số 33, đường Nguyễn Du, số 34 - 36 và 42, đường Chu Mạnh Trinh do Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) nhận chuyển nhượng từ Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).
Lý do thu hồi đất là thực hiện theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai.
Công ty thành viên của Kinh Bắc đầu tư hơn 1.000 căn nhà ở xã hội tại Đà Nẵng
Theo công văn gửi Sở Xây dựng TP Đà Nẵng ngày 8/9, CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng đã công bố kế hoạch đầu tư dự án nhà ở xã hội tại lô đất B4-2 thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.
Quy mô dự án gồm 6 block chung cư CT5, CT6, CT7, CT8, CT9, CT10, trong đó block CT5 và CT10 cao 21 tầng, 4 block còn lại cao 20 tầng. Tổng số căn hộ chung cư là 1.809 căn hộ, bao gồm 348 căn hộ thương mại với diện tích sàn sử dụng là khoảng 21.137 m2; 1.165 căn hộ nhà ở xã hội để bán với diện tích sàn sử dụng là khoảng 67.409 m2; 296 căn hộ nhà ở xã hội để cho thuê với diện tích sàn sử dụng là khoảng 16.889 m2.
Dự án dự kiến được thực hiện từ quý II đến quý II/2024. Về giá bán, giá cho thuê, chủ đầu tư đang trình cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Theo giới thiệu của CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng, doanh nghiệp được thành lập vào ngày 3/8/2005, là thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI). Ngành nghề chính của công ty là xây dựng khu công nghiệp, bất động sản nghỉ dưỡng,… điển hình là Khu công nghiệp Liên Chiểu và Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng tại TP Đà Nẵng; Dự án biệt thự nghỉ dưỡng The Song – Danang Beach Villas 5 sao tọa lạc tại trung tâm thành phố.
Ngày 29/6, Hội đồng quản trị Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC) đã thông qua việc nhận chuyển nhượng 5,7 triệu cổ phiếu của Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng để nâng sở hữu từ 19,5% lên 48% vốn điều lệ. Sau khi chuyển nhượng thành công, Kinh Bắc sẽ chuyển cách ghi nhận tại công ty Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng thành công ty liên kết.
Thành viên NovaGroup muốn nghiên cứu, đề xuất dự án 580 ha tại Đồng Tháp
Công ty Cổ phần Mekong Smart City (Thành viên NovaGroup) vừa đề xuất quy hoạch cồn Đông Giang thành khu đô thị du lịch kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái; đô thị thể thao giải trí kết hợp chăm sóc sức khỏe – trị liệu; đô thị giáo dục – đào tạo với UBND tỉnh Đồng Tháp.
Trong đó, bao gồm nhiều hạng mục như: Khách sạn, nhà hàng và khu thương mại dịch vụ được thiết kế kiến trúc mang nét hiện đại pha lẫn với nét đặc trưng của địa phương cùng với hệ thống công viên, vườn nhiệt đới; phát triển hình thức resort kết hợp với nông nghiệp, khai thác cảnh quan nông nghiệp đặc trưng của địa phương và vườn trái cây nhiệt đới, các homestay, vườn hoa và ao thủy sinh; các khu vực trò chơi thể thao mạo hiểm, bến thuyền du lịch, khu vực spa, sân golf đạt chuẩn quốc tế...
Tại buổi họp, các sở, ngành tỉnh đã có nhiều ý kiến đóng góp, trong đó cần bám sát theo đồ án quy hoạch chung của thành phố Sa Đéc; có phương án cụ thể đối với vấn đề tái định cư; đồng thời, đề xuất Công ty Mekong Smart City nghiên cứu bổ sung thêm khu vui chơi giải trí thể thao dưới nước, phục hồi phố cổ Sa Đéc.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao ý tưởng quy hoạch doanh nghiệp, đặc biệt lưu ý đơn vị trong quy hoạch cần có sự kết hợp với những nét đặc trưng riêng của Đồng Tháp, phát huy lợi thế của Sa Đéc là thành phố hoa, thành phố học tập.
Trước đó, ngày 06/6/2022, Công ty Cổ phần Mekong Smart City cũng đã gửi Công văn số 03/2022/CV-MSC về việc xin chủ trương nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư xây dựng tại cồn Đông Giang (580ha) trên địa bàn thành phố Sa Đéc.
Công ty Cổ phần Mekong Smart City được thành lập vào tháng 10/2020 có trụ sở tại số nhà 384, Tổ 11, ấp Long Hậu, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp. Ban đầu doanh nghiệp này có tên là Công ty CP Nova Hồng Ngự. Đến tháng 4 vừa qua, được đổi tên thành Công ty Cổ phần Mekong Smart City.
Thời điểm mới thành lập, vốn điều lệ của đơn vị này là 100 tỷ đồng, trong đó, Novaland nắm 15%, tương đương 15 tỷ đồng, tương ứng giá trị đầu tư vào Nova Hồng Ngự mà Novaland ghi nhận trong báo cáo tài chính năm 2021.
Bên cạnh Novaland, cơ cấu cổ đông của Nova Hồng Ngự còn có Công ty CP NovaGroup (nắm 84%) và ông Dương Hồng Cẩm (nắm 1%).
Tại Đồng Tháp, Công ty Mekong Smart City còn có nhiều dự án lớn nằm trong chuổi 11 dự án thành phần thuộc Đại dự án Mekong Smart City (thuộc huyện Hồng Ngự, TP. Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp và thị xã Tân Châu của tỉnh An Giang. Tại Đồng Tháp, Mekong Smart City sẽ ưu tiên triển khai thực hiện thủ tục đầu tư 4 dự án trong giai đoạn 2022-2025, gồm: Khu đô thị thông minh, Khu du lịch làng nghề, Khu đô thị 250 ha tại Cồn Chính Sách và Cảng biển Mekong (Thường Phước).
Hà Nội đấu giá nhiều lô đất từ 1 triệu đồng/m2
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP. Hà Nội vừa ra thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mỹ Đức.
Theo đó, tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất ở đối với 8 thửa đất có tổng diện tích 766,8 m2 tại 3 xã Vạn Kim (đội 11 thôn Vạn Phúc), Đại Hưng (đội 6 thôn Trinh Tiết), Lê Thanh (thôn Lê Xá), huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Diện tích các thửa đất từ 80 m2 đến 101,8 m2. 8 thửa đất có mức giá khởi điểm từ 1,04 đến 1,79 triệu đồng/m2.
Thời gian, địa điểm bán và tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá từ ngày 15/9 đến 17h ngày 7/10 tại Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mỹ Đức. Buổi đấu giá được tổ chức ngày 10/10 tại hội trường UBND xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội.
Còn tại huyện Đông Anh, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện cũng ra thông báo đấu giá tài sản là quyền sử dụng 27 thửa đất để xây dựng nhà ở tại thôn Dục Tú 1, xã Dục Tú (đợt 2). Diện tích các thửa đất từ 90m2 đến 164,17m2.
27 thửa đất có mức giá khởi điểm từ 28,8 đến 33,7 triệu đồng/m2. Mỗi bộ hồ sơ đấu giá là 500.000 đồng/hồ sơ/thửa đất.
Đầu tháng 10 tới đây, huyện Sóc Sơn cũng dự kiến tổ chức đấu giá 12 thửa đất tại 2 thôn Hương Đình Đoài và Hương Đình Đông (xã Mai Đình), nằm gần Sân bay Quốc tế Nội Bài và tiếp giáp với Cụm Công nghiệp CN2 đang trong quá trình triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật.
Trong số 12 thửa đất được huyện Sóc Sơn đưa ra đấu giá đợt này, có 11 thửa là người tham gia đấu giá phải đặt trước 779 triệu đồng, 1 thửa phải đặt trước hơn 1 tỷ đồng. Mật độ xây dựng tối đa của các thửa đất là 80%. Tầng cao tối đa xây dựng đối với 12 thửa đất đấu giá theo quy định là 6 tầng.
Đồng Nai quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 dự án KCN Amata mở rộng
HĐND tỉnh Đồng Nai vừa biểu quyết thông qua 16 Nghị quyết về kinh tế - xã hội với sự đồng thuận cao của các Đại biểu tham dự kỳ họp. Trong 16 Nghị quyết, có phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Amata mở rộng, TP. Biên Hòa.
Tại kỳ họp, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ngành đã trình bày các báo cáo thẩm tra và tờ trình về các nội dung quan trọng như: Chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án trên địa bàn tỉnh; bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất và danh mục các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng năm 2022 trên địa bàn tỉnh; bổ sung danh mục các dự án thu đồi đất năm 2022; các đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông trên địa bàn một số huyện, thành phố để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Amata mở rộng, TP.Biên Hòa;…
Khu công nghiệp Amata hiện hữu có diện tích khoảng 513ha, khu vực đề xuất mở rộng dự kiến có diện tích 27,2ha nằm ở phía Đông Bắc của khu công nghiệp. Hiện nay, Khu công nghiệp Amata có tỷ lệ lấp đầy là 100%, giải quyết việc làm cho khoảng 60.000 lao động trong và ngoài tỉnh. Hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp được đầu tư hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư thứ cấp.
Căn cứ vào quy hoạch phân khu B4 của TP. Biên Hòa, Công ty CP Amata Việt Nam đề xuất quy hoạch mở rộng khu công nghiệp với cơ cấu sử dụng đất gồm 18,5ha đất công nghiệp; 5,4ha đất cây xanh; 3,3ha đất giao thông, bến bãi. Sau khi mở rộng, Khu công nghiệp Amata có diện tích hơn 540ha. Trong đó, đất công nghiệp cho thuê khoảng hơn 362ha còn lại là đất làm hạ tầng kỹ thuật, trồng cây xanh...
Theo Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 đã được UBND tỉnh phê duyệt thì TP. Biên Hòa sẽ tiếp tục tiến hành mở rộng 4 khu công nghiệp là Tam Phước, Amata, Giang Điền, Hố Nai giai đoạn 2. Trong đó, có 2 khu công nghiệp Giang Điền và Hố Nai thuộc địa bàn H. Trảng Bom