Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Thị trường bất động sản sẽ ra sao khi ngân hàng được “nới room” tín dụng?
Diễn biến của thị trường bất động sản (BĐS) khi ngân hàng được “nới room” tín dụng; Vẫn chưa chốt vị trí cuối cùng để xây sân bay thứ hai vùng Thủ đô Hà Nội; Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo nóng trước thực trạng loạn phân lô bán nền; Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Dừng thực hiện cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo phương thức PPP; Đặt lộ trình xây 1,8 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp là những thông tin nổi bật tuần qua.
Thị trường bất động sản sẽ ra sao khi ngân hàng được “nới room” tín dụng?
Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan điều hành đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) có đề nghị và có thông báo gửi các TCTD này. Theo đó, 15 ngân hàng được nới room tín dụng với mức từ 3 - 5%.
Hiện tại, hạn mức tín dụng được cấp của một số ngân hàng nằm trong danh sách được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lần này như sau: Sacombank (STB) 4%; HDBank (HDB) 3,4%; Tiếp theo là OCB (3,1%) và VIB (3%).
Bên cạnh đó, một số nhà băng được cấp thêm 2,7% gồm: Techcombank, MBBank. TPBank cũng được bổ sung thêm 1,2% hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm nay. Tại khối ngân hàng quốc doanh, Vietcombank được cấp thêm 2,7%, trong khi đó BIDV và VietinBank chỉ được cấp thêm 0,7%.
Bình luận về động thái nới tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, ông Châu cho biết đây chưa hẳn là tin vui vì hạn mức tín dụng này chỉ là con số còn lại trong mức trần 14% của năm 2022.
“Ngân hàng Nhà nước đã tính toán ngay từ đầu năm nên việc này không phải diễn biến mới với thị trường bất động sản”, ông Châu cho biết.
Theo ông Châu, chính sách tín dụng là một công cụ rất hiệu quả để điều tiết nền kinh tế và thị trường bất động sản, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay Nhà nước đang thực hiện nhiều chính sách để phục hồi và tái phát triển nền kinh tế sau dịch Covid-19.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản cũng nhắc lại đề xuất đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng trần dư nợ tín dụng năm 2022 thêm 1-2% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã xác định trước đây, trong đó xem xét tăng trần dư nợ tín dụng cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất (Big 4) và các ngân hàng thương mại đạt chuẩn Basel 2.
Cơ cở cho đề xuất này, theo ông Châu, là Việt Nam có hoạt động tín dụng đang tốt. Mới đây, hãng đánh giá tín dụng Moody’s vừa nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2. Triển vọng xếp hạng được thay đổi từ tích cực sang ổn định.
Nói thêm về việc cho vay, ông Châu cho rằng ngoài nhóm doanh nghiệp được ưu tiên cho vay theo chính sách chiếm số ít trong nền kinh tế, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng ưu tiên nhưng họ là doanh nghiệp làm ăn bình thường. Vì vậy, cần được tạo điều kiện để tiếp cận tín dụng bình thường, trong đó còn các doanh nghiệp bất động sản.
“Tuy nhiên việc cho vay cũng có thứ tự “chọn mặt gửi vàng” của các ngân hàng thương mại. Đó là những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, có dự án khả thi cao”, ông Châu nói thêm.
Vẫn chưa chốt vị trí cuối cùng để xây sân bay thứ hai vùng Thủ đô Hà Nội
Cục Hàng không Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ GTVT báo cáo công tác rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại công văn này, Cục Hàng không Việt Nam cho biết là đã phối hợp với cơ quan tư vấn lập quy hoạch - Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) nghiên cứu tiếp thu, giải trình và rà soát, hoàn thiện lại hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT tại Thông báo kết luận số 321/TB-BGTVT ngày 5/8/2022 của Bộ GTVT.
Sau khi rà soát, Cục Hàng không Việt Nam đã xác định lại phương án quy hoạch cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2030 là 25 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2030 là 30 triệu hàng khách/năm; cảng hàng không Chu Lai giai đoạn đến năm 2030 là 10 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2030 là 30 triệu hành khách/năm.
“Tùy theo nhu cầu vận tải và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Bộ GTVT sẽ xem xét, điều tiết, phân bổ các chuyến bay (slot) giữa 2 cảng hàng không, bảo đảm khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng theo quy hoạch; đồng thời tạo động lực hấp dẫn đầu tư phát triển cảng hàng không Chu Lai”, công văn của Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam thống nhất kiến nghị cập nhật nội dung Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 “nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch, xây dựng cảng hàng không tại một số sân bay quân sự (Thành Sơn, Biên Hòa...) trong trường hợp đủ điều kiện” trong dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch.
Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030 là ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng Thủ đô Hà Nội (Cảng hàng không quốc tế Nội Bài) và vùng TP HCM (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành);
Từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 cảng hàng không hiện hữu, đầu tư 6 cảng hàng không mới để nâng tổng số cảng hàng không của cả nước đưa vào khai thác lên 28 cảng hàng không, tổng công suất thiết kế hệ thống cảng hàng không đáp ứng khoảng 283 triệu hành khách, đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km.
Đặt lộ trình xây 1,8 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp
Theo Bộ Xây dựng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030."
Hiện đã có 40 địa phương đăng ký nhu cầu và kế hoạch thực hiện. Nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2,6 triệu căn và mục tiêu đề ra của các địa phương cho giai đoạn này là hoàn thành khoảng 1,8 triệu căn hộ.
Lộ trình thực hiện cũng được chia ra theo 2 giai đoạn. Năm 2021-2025, thống kê nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp khoảng 1,3 triệu căn và mục tiêu được các địa phương đặt ra là hoàn thành 700.000 căn, đáp ứng khoảng 54% nhu cầu.
Tương tự, giai đoạn 2025-2030, nhu cầu là 1,3 triệu căn nhưng mục tiêu hoàn thành tăng lên thành 1,1 triệu căn hộ, đáp ứng khoảng 85% nhu cầu.
Dẫn đầu về nhu cầu của phân khúc nhà ở này theo đăng ký là Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 345.000 căn, tiếp đến là Long An 310.000 căn, Bắc Giang trên 285.000 căn, Đồng Nai khoảng 152.000 căn, Hà Nội 136.000 căn...
Tuy nhiên, con số chỉ tiêu giao hoàn thành so với nhu cầu cũng tương đối chênh lệch nhau. Một số địa phương như Hà Nội, Bắc Giang, Long An chỉ tiêu hoàn thành là 100% so với nhu cầu đặt ra. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là 130.000/345.000 căn theo nhu cầu, Bắc Ninh hơn 96.000/128.000 căn theo nhu cầu.
Thậm chí, có tỉnh đang thu hút phát triển khu công nghiệp mạnh mẽ như Đồng Nai chỉ ở mức hơn 6.000 so với 152.000 căn theo nhu cầu. Không riêng Đồng Nai, nhiều địa phương khác trong cả nước cũng có tỷ lệ số lượng hoàn thành thấp hơn nhiều so với nhu cầu đặt ra. Trong khi đó, có những địa phương con số đăng ký thực hiện sát với nhu cầu đã thống kê.
Tại Đề án được Bộ Xây dựng trình nêu rõ phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Phát triển nhà ở; trong đó có nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của người làm quản lý nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân.
Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, có trách nhiệm, quyết liệt thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sau khi chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp tổ chức đầu tháng Tám vừa qua.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo nóng trước thực trạng loạn phân lô bán nền
Cụ thể về tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai, đề nghị các địa phương chỉ đạo công tác chuẩn bị xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” để ban hành và tổ chức thực hiện ngay sau khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành.
Công văn nêu rõ đối với công tác quản lý, sử dụng đất, tích cực chỉ đạo, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi, san lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối,... để phân lô, bán nền ; xây dựng trên đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật.
Tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, các dự án chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở; các vi phạm đối với việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, các công trình dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chuyển mục đích; các vi phạm trong việc tách thửa, phân lô, bán nền làm phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, công tác xác định giá đất, công tác thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương.
Trước đó, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển trong đó nêu rõ ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Bộ TN&MT đề nghị các địa phương chỉ đạo tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của Bộ TN&MT về việc lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) cấp tỉnh, lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Về xây dựng và vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và thực hiện cung cấp dịch vụ công về đất đai, Bộ TN&MT đề nghị các địa phương đẩy mạnh và khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.
Đồng thời, sẵn sàng kết nối cơ sở dữ liệu đất đai địa phương với hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia để đảm bảo vận hành hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
Về cải cách thủ tục hành chính và công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Bộ TN&MT yêu cầu chấn chỉnh, tổ chức sắp xếp, bố trí hợp lý công tác tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, không để tình trạng quá tải, kéo dài thời gian tiếp nhận giải quyết hồ sơ.
Rà soát, sửa đổi, bãi bỏ các quy định về thủ tục hành chính được ban hành tại địa phương không hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch về đất đai.
Khẩn trương điều tra, đánh giá đất đai lần đầu, công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai của địa phương; gửi kết quả về Bộ TN&MT để tổng hợp theo quy định.
Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú
Ngày 6/9, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1045/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo đó, đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú sẽ được đầu tư xây dựng với tổng chiều dài hơn 60km theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h. Dự kiến thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2021-2025. Dự án được dự kiến thực hiện theo hình thức đầu tư PPP, hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án hơn 8,3 ngàn tỷ đồng. Trong đó, phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng hơn 7 ngàn tỷ đồng; phần vốn Nhà nước tham gia trong dự án khoảng 1,3 ngàn tỷ đồng.
Cũng theo quyết định chủ trương đầu tư dự án, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế, đất đai, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan cũng như các bảo đảm đầu tư theo quy định của Luật PPP và pháp luật về đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GT-VT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, triển khai thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định pháp luật; tổ chức triển khai thực hiện dự án theo đúng quy hoạch được duyệt và các quy định pháp luật có liên quan.
Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, cân đối bố trí nguồn vốn nhà nước trong dự án để triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với Bộ GT-VT chuẩn bị mặt bằng xây dựng để thực hiện dự án theo quy định tại Điều 56 của Luật PPP, quy định pháp luật về đất đai.
Dừng thực hiện cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo phương thức PPP
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 7/9/2022 về việc dừng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1602/QĐ-TTg ngày 23/9/2021.
Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì xử lý các vấn đề có liên quan đến việc dừng thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật, tránh để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.
Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và môi trường, UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các cơ quan liên quan thực hiện Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 25/7/2022 của Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng công trình.
Đồng thời, Bộ GTVT, UBND tỉnh Đồng Nai và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu tận dụng các hồ sơ, tài liệu trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án trước đây nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật.
Trước đó, Bộ GTVT đã có Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ dự án đầu tư theo xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo hình thức đầu tư công.
Cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu (giai đoạn 1) dài 53,7 km, quy mô 4-6 làn xe, tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng. Công trình được chia làm ba dự án thành phần.
Trong đó, dự án thành phần 1 và 2 dài 34,2 km, thực hiện tại Đồng Nai, với tổng kinh phí 12.647 tỷ đồng. Đoạn còn lại thực hiện tại Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 5.190 tỷ đồng.
Dự án dự kiến khởi công năm 2023, thời gian thi công và hoàn thành trong khoảng 2 năm.