Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Sắp thanh tra nhiều điểm nóng trong kinh doanh bất động sản
Sắp thanh tra nhiều điểm nóng trong kinh doanh bất động sản; Bình Thuận gỡ bỏ lệnh chặn giao dịch cho 90 thửa đất tang vật của vụ án đất đai; Tập đoàn Sao Đỏ muốn 'rót' trăm tỷ làm đường song hành đường Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng); Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ; Từ 3/1-15/3/2023 lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi; Hà Nội công khai 4 dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm tiến độ là những thông tin nổi bật tuần qua.
Sắp thanh tra nhiều điểm nóng trong kinh doanh bất động sản
Vừa qua, trao đổi tại cuộc họp báo cuối năm của Bộ Xây dựng, ông Chu Hồng Uy, Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2023, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, các tổ chức, đơn vị có liên quan về chấp hành quy định trong hoạt động kinh doanh bất động sản, việc xây dựng hạ tầng tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị tại 7 địa phương: Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hoá, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang.
Cũng theo ông Uy, ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều chủ đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị thiếu hạ tầng đồng bộ như trường học, bãi đỗ xe…
“Năm 2023, Thanh tra Bộ Xây dựng vẫn tập trung vào vấn đề hạ tầng đô thị tại nhiều địa phương”, và sẽ tập trung thanh tra lĩnh vực quy hoạch xây dựng tại Lạng Sơn, Bắc Giang, Bình Phước.
Bên cạnh đó, thanh tra một số dự án do bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra công tác quản lý hoạt động xây dựng tại dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỉ đồng tại 3 đơn vị, gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh; Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - Bộ Giao thông Vận tải; Ban Quản lý dự án 4 - Cục Đường bộ Việt Nam.
Trong năm 2022, Thanh tra Bộ Xây dựng đã thực hiện 20 đoàn theo kế hoạch và đột xuất. Ban hành 44 kết luận thanh tra tại UBND tỉnh Bắc Ninh, Ban QLDA Thăng Long Bộ GTVT và Bệnh viện Xây dựng; Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, các chủ đầu tư dự án, công trình và tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính; các chủ đầu tư trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư và UBND tỉnh trong việc dành quỹ đất để 20% để phát triển nhà ở xã hội tại Bắc Giang, Quảng Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng.
Kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 228,5 tỷ đồng. Ban hành 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 3,2 tỷ đồng.
Bình Thuận gỡ bỏ lệnh chặn giao dịch cho 90 thửa đất tang vật của vụ án đất đai
Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gửi các tổ chức hành nghề công chứng liên quan đến 132 thửa đất bị ngăn chặn chuyển quyền sử dụng từ tháng 10/2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận do liên quan vụ án Vi phạm các quy định về quản lý đất đai tại TP. Phan Thiết.
Theo đó, các đơn vị liên quan tiếp tục ngăn chặn tạm dừng giao dịch, chuyển quyền sử dụng đất đối với 42 trong số 132 thửa đất đến khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền; giải tỏa ngăn chặn, cho phép giao dịch chuyển quyền sử dụng đất đối với 90 trong số 132 thửa đất.
Sở Tư pháp đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan có liên quan tra cứu, rà soát kỹ thông tin trên Phần mềm Cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực và danh sách phụ lục kèm theo, được cập nhật tại mục 'Tài liệu kèm theo' trước khi thực hiện ký công chứng giao dịch, chuyển nhượng, cập nhật biến động thông tin đối với quyền sử dụng đất đúng theo quy định pháp luật.
Trước đó, 132 thửa đất nói trên nằm ở 3 xã Phong Nẫm, Thiện Nghiệp, Tiến Lợi (TP. Phan Thiết) với tổng diện tích hơn 170.000m². Tháng 7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận ra quyết định khởi tố vụ án hình sự 'Vi phạm các quy định về quản lý đất đai' tại TP. Phan Thiết.
Hải Phòng: Tập đoàn Sao Đỏ muốn 'rót' trăm tỷ làm đường song hành đường Tân Vũ - Lạch Huyện
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản gửi Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng về việc đầu tư xây dựng đường song hành đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện.
Theo đó, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện (Quốc lộ 5C) đã được Bộ GTVT đầu tư quy mô 4-6 làn xe, cơ bản đáp ứng quy mô quy hoạch theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, TP. Hải Phòng đến năm 2025. Việc đầu tư mở rộng hoàn thiện quy mô 6 làn xe (bề rộng 29,5m) sẽ được xem xét khi có điều kiện về nguồn lực. Do hạng mục đường song hành trong khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải nằm ngoài phạm vi quy hoạch của tuyến Quốc lộ 5C nên thuộc trách nhiệm đầu tư của địa phương.
Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng căn cứ hiện trạng, định hướng phát triển Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải để đánh giá sự cần thiết, sự phù hợp về đề xuất đầu tư của Tập đoàn Sao Đỏ, báo cáo UBND TP. Hải Phòng xem xét, quyết định.
Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện nằm trên trục giao thông quan trọng từ đảo Cát Hải đi qua bán đảo Đình Vũ vào thành phố Hải Phòng theo quy hoạch chung của thành phố Hải Phòng đồng thời nối liền cảng cửa ngõ Lạch Huyện với hệ thống đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 5. Dự kiến điểm đầu của dự án nằm tại nút giao Tân Vũ, thuộc dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, điểm cuối là điểm tiếp giáp với hàng rào cảng cửa ngõ Lạch Huyện.
Tổng mức vốn đầu tư dự kiến của dự án khoảng 9.237 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Với tổng mức đầu tư lớn và thời gian thi công ngắn, tiến độ thực hiện dự án khoảng 30 tháng bắt đầu từ tháng 12/2011 đến tháng 6/2015 đưa vào khai thác.
Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5259 phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ, tại ô đất ký hiệu CC4 thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.
Cụ thể, ô đất ký hiệu CC4 có diện tích đất nghiên cứu khoảng 608m2, ranh giới phía Bắc giáp ngõ 350 đường Kim Giang, phía Tây giáp đường hiện có, phía Đông và Nam giáp khu dân cư phường Đại Kim.
Theo thông tin được đăng tải trên tạp chí điện tử của Bộ Xây dựng ngày 3/1, theo điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ tỷ lệ 1/500 được UBND thành phố phê duyệt năm 2014, ô đất ký hiệu CC4 nêu trên được xác định chức năng là đất công cộng đơn vị ở với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, trong đó, diện tích đất 608m2, mật độ xây dựng 23,68%, tầng cao tối đa 2 tầng.
Nay điều chỉnh tăng mật độ xây dựng và số tầng cao công trình tại ô đất, điều chỉnh vị trí xây dựng công trình trên cơ sở đáp ứng dụng các quy định về phòng cháy chữa cháy, các nội dung yêu cầu tại Văn bản số 108 ngày 31/3/2022 của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội).
Bên cạnh đó, đưa ra giải pháp thiết kế kiến trúc công trình hài hòa với hình dáng khu đất, các công trình lân cận, đóng góp hiệu quả cho kiến trúc, cảnh quan tại khu vực.
Các nội dung khác không thuộc nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch được giữ nguyên theo Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai đã được phê duyệt năm 2014.
Theo UBND TP Hà Nội, mục tiêu của việc điều chỉnh quy hoạch nhằm cụ thể hóa Quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phục vụ lợi ích cộng đồng. Đồng thời, làm cơ sở pháp lý để chủ đầu tư triển khai nghiên cứu lập dự án đầu tư và làm cơ sở để các cấp chính quyền thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo quy định pháp luật.
Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 đảm bảo phù hợp với Quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2000 đã được UBND thành phố phê duyệt; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng; đảm bảo khớp nối đồng bộ về không gian, kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật tại khu vực điều chỉnh quy hoạch.
Từ 3/1-15/3/2023 lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
Đối tượng lấy ý kiến
Tại Nghị quyết Nghị quyết 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, đối tượng lấy ý kiến gồm các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.
Chính phủ xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân; tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Các hình thức lấy ý kiến
Ba hình thức lấy ý kiến nhân dân gồm: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, các hình thức phù hợp khác.
Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các nội dung trọng tâm do Chính phủ xác định phù hợp với từng nhóm đối tượng lấy ý kiến.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm.
Tổ chức lấy ý kiến với các hình thức thích hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý.
Nội dung lấy ý kiến phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được dư luận quan tâm.
Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Mục đích của việc tổ chức lấy kiến Nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Đồng thời, tạo sự thống nhất và đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.