Tín dụng tăng, loạt ngân hàng 'nóng lòng' chờ nới room
Chưa kết thúc quý 2/2021 nhưng loạt ngân hàng đã cạn room tín dụng ban đầu do NHNN giao đầu năm 2021.
Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm của NHNN (Ngân hàng nhà nước) ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết hiện có hơn 10 tổ chức tín dụng đã nộp đơn xin nới room tín dụng và NHNN sẽ xem xét trong thời gian tới.
Đầu năm nay, NHNN đã giao hạn mức tín dụng đến các ngân hàng. Theo đó, Techcombank là ngân hàng được cấp "room" tín dụng cao nhất với mức 12%. TPBank xếp sau đó với mức 11,5%. Ngoài ra, Vietcombank, MB, MSB có chung hạn mức tín dụng là 10,5%.
Trong khi đó, ba ngân hàng quốc doanh còn lại là Agribank, BIDV, VietinBank và một số ngân hàng cổ phần khác chỉ được cấp "room" tín dụng từ 6,5% - 7,5%.
Tuy nhiên, chỉ đến tháng 4,5/2021, nhiều ngân hàng đã có dấu hiệu cạn room tín dụng. Dấu hiệu cạn room đã được thể hiện rõ khi tốc độ tăng trưởng cho vay trong quý 1/2021 đã gần bằng hạn mức cho cả năm.
Một trong số lãnh đạo ngân hàng thương mại cho biết, việc cho vay trở lại bình thường phụ thuộc chủ yếu vào hạn mức tín dụng cấp thêm từ NHNN. Do định mức cho vay còn phụ thuộc vào việc các khách hàng cũ trả nợ nên ngân hàng vẫn còn dư địa để hoạt động, dù không nhiều.
Cụ thể, đến ngày 15/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%).
Đến cuối năm 2020, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đã đạt hơn 9.192 triệu tỷ đồng. Như vậy, ước tính từ đầu năm đến nay, hệ thống TCTD đã bơm thêm hơn 460.000 tỷ đồng tín dụng ra nền kinh tế.
Riêng quý 1/2021, tín dụng tăng 2,04% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng 1,31% của cùng kỳ 2020. Trong 3 tháng đầu năm, CTCP Chứng khoán SSI ghi nhận một số điều chỉnh tăng/giảm từ 0,1-0,4% tại một số NHTM (tập trung vào các kỳ hạn ngắn và khách hàng cá nhân) nhưng hầu hết giữ nguyên mức lãi suất tiền gửi.
Báo cáo của SSI cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng của MSB đã chạm trần được cấp đầu năm là 10,5% và ngân hàng đang xin nới room. Mức trần tăng trưởng tín dụng 2021 kỳ vọng được duyệt vào tháng 6 khoảng 20-25% so với cùng kỳ.
Tương tự, tính đến 31/3/2021, tăng trưởng dư nợ cho vay tại Techcombank đã ở mức 6,76% khá cao trong quý đầu năm trong khi "room" tín dụng cho cả năm là 12%.
Trong khi đó, tại MB dư nợ cho vay khách hàng đã tăng 8,6% trong 3 tháng đầu năm 2021, sát với hạn mức 10,5% được cấp đầu năm.
Theo dự phóng của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tăng trưởng tín dụng của MB trong năm nay có thể đạt 20% với động lực chính là các khoản vay mua nhà ký kết với Novaland và các dự án sản xuất năng lượng.
Ngoài ra, TPBank cũng được VCSC nhắc đến sẽ duy trì tăng trưởng tín dụng dự phóng năm 2021 ở mức 26%. Theo các chuyên gia phân tích, kế hoạch tăng vốn nhờ phát hành 100 triệu cổ phiếu mới sẽ hỗ trợ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ hơn cho TPBank trong trung hạn. Tăng trưởng tín dụng dự phóng trong các năm 2022, 2023 lần lượt là 25% và 22%.
"Mặc dù hạn mức tín dụng tăng trưởng ban đầu năm 2021 đối với TPB là 11,5%, nhưng chúng tôi tin rằng ngân hàng có thể sẽ nhận được khoản tăng trưởng tín dụng bổ sung vào cuối năm 2021 để đạt mức tăng trưởng tín dụng 26% cho cả năm 2021", báo cáo viết.
Các chuyên gia dự báo, năm nay những ngân hàng có “sức khỏe” tài chính tốt, rót vốn vào các lĩnh vực ưu tiên vẫn sẽ được Ngân hàng Nhà nước ưu ái cấp room tín dụng cao. Ngược lại, các ngân hàng trích lập dự phòng nợ xấu chưa đầy đủ, cho vay quá nhiều đối với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và các lĩnh vực rủi ro khác sẽ khó được nới room.
Ngoài những gương mặt kể trên, nhiều ngân hàng khác cũng đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên 20% như VIB (31%); Kienlongbank (28%); OCB (25%); Vietbank (22%).
Thực tế, việc nới room tín dụng có ảnh hưởng quan trọng đến kế hoạch kinh doanh của từng ngân hàng. Vì vậy, rất nhiều nhà băng đang rất mong đợi vào đợt nới room lần này.
Việc tín dụng tăng cũng đi kèm với rủi ro nợ xấu, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp.
Trong báo cáo của Fiin Group, bên cạnh tín dụng tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm thì tỷ lệ nợ xấu của 25 ngân hàng niêm yết đến cuối quý 1/2021 cũng tăng từ 1,38% lên 1,41%. Nợ nhóm 3 và nhóm 4 tăng lần lượt 21,3% và 12,5%. Ngoài ra, tỷ lệ nợ nhóm 2 (cần chú ý) tăng từ 1,02% lên 11,12% sau ba quý giảm liên tiếp.
Đáng lưu ý, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) ở một số ngân hàng tăng đột biến trong 3 tháng đầu năm 2021.
Tuy nợ nhóm 2 chưa được xếp vào nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn bất ngờ nhảy vọt cho thấy tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng.