Vì sao tín dụng bất động sản giảm tốc?
Tín dụng bất động sản các năm đang có tốc độ tăng chậm dần. Kết thúc quý I/2021, con số này chỉ ghi nhận mức tăng trưởng là 3%.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tốc độ tăng tín dụng của quý I/2021 đang cao hơn so với mức tăng 1,3% của cùng kỳ năm trước và với mức tăng này, dư nợ tín dụng nền kinh tế đã đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng.
Đến cuối tháng 2/2021, tín dụng ngành nông, lâm, thủy sản đạt 776.918 tỷ đồng, tăng 0,16%; ngành công nghiệp và xây dựng đạt 2.615.593 tỷ đồng, tăng 1,13%; ngành thương mại, dịch vụ đạt 5.860.560 tỷ đồng, tăng 0,52% so với cuối năm 2020.
Tín dụng lĩnh vực bất động sản là 1.835.504 tỷ đồng, tăng 2,13% so với cuối năm 2020 (kinh doanh bất động sản tăng 2,82%). Tín dụng bất động sản các năm gần đây vẫn tăng nhưng tốc độ tăng chậm dần (năm 2019 tăng khoảng gần 30%; năm 2020 tăng trên 11%; quý I/2021 tăng khoảng 3%).
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước lý giải sự giảm tốc của tín dụng bất động sản là do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân giảm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát rủi ro chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro, trong đó có bất động sản.
Theo ông Tuấn Anh, tăng trưởng tín dụng đang có xu hướng giảm là phù hợp với nền kinh tế và phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp cũng như nhu cầu vay vốn của người dân liên quan đến bất động sản nhà ở.
Thực tế, nhận định này đã được chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu từng lên tiếng nhiều lần về con số tăng trưởng tín dụng bất động sản. Ông Hiếu từng cho rằng: “Thị trường bất động sản chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân hàng. Có đến 80% vốn của thị trường bất động sản là nguồn vốn ngân hàng. Chỉ có 20% là vốn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, vốn của người mua nhà và các thành phần khác”.
Bởi nhận định này mà ông Hiếu e ngại nếu không có những chính sách kiểm soát tốt nguồn tiền từ ngân hàng vào thị trường bất động sản sẽ có thể nảy sinh rủi ro không những về thanh khoản mà nguồn vốn ngân hàng nếu tiếp tục đổ vào. Đến giai đoạn thị trường bất động sản đi vào khủng hoảng thì ngân hàng sẽ bị thiệt hại nhiều nhất, vì cho vay nhiều quá. Khi giá bất động sản xuống thì sẽ trở thành có nhiều nợ xấu và nợ mất vốn.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng cho hay: “Các nhà băng khó có thể “đóng cửa” cho vay đối với bất động sản, nhất là với cá nhân vay mua nhà, bởi đây là phân khúc tín dụng nhiều tiềm năng, rủi ro được phân tán, thay vì tập trung cho vay dự án như trước đây”. Nhận định của vị chuyên gia này đặt ra lo ngại về sự “lách luật” của các ngân hàng thương mại khi chuyển dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản.
Ở góc độ khác, theo nhận định của một chuyên gia kinh tế, có thể doanh nghiệp địa ốc khó tiếp cận được với nguồn vốn của ngân hàng nhưng nếu cho vay cá nhân để mua đất hoặc mua nhà thì độ mở của nhà băng là rất lớn. Đó là lý do vì sao các nhà đầu tư sẵn sàng sử dụng đòn bẩy tài chính cho việc bỏ vốn vào bất động sản dẫn tới tình trạng sốt ảo.
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề dòng tiền ngân hàng đổ vào lĩnh vực bất động sản một phần tạo ra sốt đất, báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản quý I cho rằng: Tín dụng bất động sản vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ và có thể nhận định rằng nguyên nhân thị trường bất động sản tăng trong thời gian gần đây không chỉ xuất phát từ tín dụng.
“Theo phân tích của nhiều tổ chức, cá nhân chuyên ngành thì có hiện tượng nguồn tài chính, thay vì chuyển vào sản xuất - kinh doanh, đã chuyển hướng sang bất động sản. Bên cạnh đó, lãi suất gửi tiết kiệm thời gian qua giảm mạnh, khiến dòng tiền nhàn rỗi chuyển vào đầu tư bất động sản”, ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản nhận định.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, Ngân hàng Nhà nước luôn quan tâm và quán xuyến kiểm soát chặt dòng tiền vào lĩnh vực rủi ro nói chung, đặc biệt đối với tín dụng bất động sản nói riêng nên nguyên nhân thị trường bất động sản tăng không phải xuất phát từ tín dụng.