Tín hiệu đáng ngại từ kết quả kinh doanh quý III

Điều đáng quan ngại là mức tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong quý III/2022 có được phần lớn là nhờ nhóm ngân hàng “gồng gánh”. Nhìn về phía trước, vòng xoáy lãi suất - tỷ giá có thể đẩy doanh nghiệp vào một thời kỳ kinh doanh rất khó khăn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đáng ngại lợi nhuận của doanh nghiệp phi tài chính

Thống kê của hãng dữ liệu FiinGroup đối với các doanh nghiệp niêm yết chiếm 96,3% tổng giá trị vốn hóa trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM cho thấy, tổng lợi nhuận sau thuế quý III/2022 của các doanh nghiệp này tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây vốn dĩ đã không phải là con số cao bởi mức nền so sánh cùng kỳ năm ngoái là khá thấp, do các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Thế nhưng điều đáng quan ngại là mức tăng trưởng lợi nhuận trên phần lớn được “gồng gánh” bởi các ngân hàng. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý III/2022 của 27 ngân hàng đã tăng tới 53,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp chính vào tăng trưởng chung của toàn thị trường trong quý vừa qua.

Trái lại, các công ty chứng khoán ghi nhận một quý đáng quên khi lợi nhuận sau thuế của 61 công ty chứng khoán (bao gồm 25 công ty chứng khoán đang niêm yết) giảm tới 52,2% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 16,2% so với quý trước đó. Đây là quý thứ hai liên tiếp lợi nhuận sau thuế của các công ty chứng khoán suy giảm so với cùng kỳ. FiinGroup cho hay việc thị trường chứng khoán trải qua đợt điều chỉnh mạnh với thanh khoản sụt sâu đã khiến lợi nhuận từ các mảng kinh doanh chính của các công ty chứng khoán là Tự doanh, Cho vay margin và Môi giới giảm mạnh.

Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế của các công ty bảo hiểm cũng giảm trên 20% trong quý III/2022 so với cùng kỳ. Đặc biệt, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết phi tài chính (loại trừ ngân hàng và công ty chứng khoán, bảo hiểm) trong diện thống kê cũng giảm 5,4% bất chấp tổng doanh thu tăng tới 32,5%.

FiinGroup lý giải rằng sự sụt giảm này một phần là do tác động tiêu cực từ các nhóm ngành mang tính chu kỳ và phụ thuộc lớn vào diễn biến giá hàng hóa như Thép, Dầu khí và Cao su. Việc giá hàng hóa đảo chiều giảm mạnh sau khi đạt đỉnh trong giai đoạn nửa đầu năm cũng khiến lợi nhuận các ngành này giảm mạnh hay thậm chí lỗ lớn. Các ngành Thép, Dầu khí và Cao su đóng góp tới 1/4 tổng lợi nhuận sau thuế của khối Phi tài chính trong quý III/2021, nhưng ghi nhận mức lỗ hơn 4,6 nghìn tỷ đồng trong quý III/2022, chủ yếu là do sự bết bát của ngành Thép, có thể kể đến Tập đoàn Hòa Phát lỗ sau thuế 1.785 tỷ đồng, Công ty Thép Nam Kim lỗ sau thuế 418 tỷ đồng.

Ngoài ra, tình hình xuất khẩu đang chậm lại cũng khiến cho các doanh nghiệp ngành hàng xuất khẩu như Thủy sản, May mặc, Phân bón, Hóa chất hụt đà tăng. Ngược lại với bức tranh lợi nhuận của các nhóm trên, lợi nhuận tăng trưởng tích cực ở nhóm Đồ uống (Sabeco), Cảng hàng không (ACV), Máy công nghiệp (VEAM), Hàng cá nhân (PNJ), Điện (Thủy điện và Điện than) nhưng phần lớn nhờ nền so sánh thấp cùng kỳ năm ngoái.

“Ám ảnh” với tỷ giá

Tín hiệu đáng ngại từ kết quả kinh doanh quý III - Ảnh 1

Bên cạnh câu chuyện kinh doanh khó khăn ở nhiều ngành thì trong quý III/2022, các doanh nghiệp cũng chịu áp lực không nhỏ khi tỷ giá USD/VND gia tăng. Thống kê cho thấy tỷ giá USD/VND mua vào - bán ra tại các ngân hàng thương mại đã tăng từ khoảng 23.000 - 23.300 lên khoảng 23.600 - 24.000. Hiện tỷ giá USD/VND đã tăng lên mức 24.500 - 24.900 còn trên thị trường chợ đen đều đã vượt 25.000 từ lâu.

Mặc dù tỷ giá USD/VND chưa tăng quá mạnh trong quý III nhờ lực đỡ từ dự trữ ngoại hối nhưng cũng đã tác động khá mạnh lên lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Như trường hợp của Tập đoàn Vingroup, mức lỗ chênh lệch tỷ giá ghi nhận tới 1.911 tỷ đồng trong quý vừa qua, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận lỗ tỷ giá. Nhiều nhà đầu tư lo lắng về tác động của tỷ giá đến lượng dư nợ khổng lồ bằng USD của Vingroup, tuy nhiên được biết, phần lớn các khoản nợ bằng USD của tập đoàn này đã được phòng ngừa biến động tỷ giá.

Một doanh nghiệp lớn khác ghi nhận mức lỗ tỷ giá “khủng” trong quý III là Tập đoàn Hòa Phát. Dữ liệu cho thấy doanh nghiệp này lỗ tỷ giá tới 1.413 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ lỗ tỷ giá 149 tỷ đồng, tức là bằng khoảng 1/10. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán SSI, việc USD tăng giá 1% so với VND sẽ khiến cho Tập đoàn Hòa Phát lỗ chênh lệch tỷ giá khoảng 500 tỷ đồng.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng lỗ tới 1.093 tỷ đồng trong quý III/2022 vì chênh lệch tỷ giá, còn cùng kỳ chỉ lỗ vỏn vẹn 29 tỷ đồng. SSI tính toán nếu USD tăng giá 1% thì Vietnam Airlines sẽ lỗ tỷ giá khoảng 220 tỷ đồng. Dẫu vậy, nếu các chuyến bay quốc tế được khôi phục lại với tần suất cao, hãng hàng không quốc gia có thể hưởng lợi một phần từ việc USD tăng giá trong dài hạn.

Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) cũng là “nạn nhân” của đà tăng tỷ giá. Doanh nghiệp này lỗ 447 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá trong quý vừa qua, trong khi cùng kỳ không ghi nhận lỗ. SSI cho hay dư nợ bằng USD của Novaland chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nhưng rất khó định lượng chính xác mức độ tham gia vào các giao dịch phái sinh tiền tệ để phòng ngừa rủi ro của doanh nghiệp này. SSI ước tính việc VND giảm khoảng 6-6,5% so với USD sẽ bào mòn 8-9% lợi nhuận trước thuế của Novaland trong năm nay.

“Ông lớn” ngành hàng tiêu dùng như Tập đoàn Masan cũng không thể tránh được vòng xoáy tỷ giá. Trong quý III/2022, Masan lỗ chênh lệch tỷ giá khoảng 350 tỷ đồng, cao hơn hẳn mức lỗ 66 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp ngành xăng dầu như Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) hay Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đều ghi nhận lỗ tỷ giá tăng đáng kể trong quý III/2022 so với cùng kỳ năm ngoái; cụ thể, BSR tăng từ 31 tỷ đồng lên 182 tỷ đồng còn Petrolimex tăng từ 47 tỷ đồng lên 163 tỷ đồng.

Ngay cả công ty chứng khoán cũng không thoát được ảnh hưởng, do tăng cường vay tín chấp nước ngoài trong vài năm qua. Chẳng hạn như Công ty Chứng khoán VNDirect lỗ tỷ giá tới 119 tỷ đồng trong quý vừa qua, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 1 tỷ đồng.

Áp lực phía trước

Đà tăng tỷ giá chưa cho thấy tín hiệu dừng lại. Thực tế cho thấy trong nửa đầu quý IV/2022, tỷ giá vẫn tiếp tục tăng khá nhanh và do đó, sẽ tiếp tục gây áp lực lên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong quý cuối năm. Tuy nhiên, đây chưa phải áp lực lớn nhất.

Trên thực tế, việc tỷ giá tăng có thể tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp nhưng không phải không có doanh nghiệp được hưởng lợi từ diễn biến này. Còn với việc lãi suất tăng, đa số doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi hiếm có doanh nghiệp nào không đi vay ngân hàng. Bên cạnh đó, lãi suất tăng còn làm giảm sức mua của người dân, tâm lý doanh nghiệp cũng chuyển sang phòng thủ, nhất là trong bối cảnh lo ngại thông tin tiêu cực mang tính bất định và dòng tiền từ kênh tín dụng ngân hàng có thể sẽ tạm thời phải “chia lửa” cho mặt trận trái phiếu, do đó ít chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tóm lại, vòng xoáy lãi suất - tỷ giá có thể đẩy nền kinh tế vào giai đoạn tăng trưởng thấp hơn.

Trong báo cáo chiến lược công bố gần đây, liên quan đến kinh tế vĩ mô, Công ty Chứng khoán Mirae Asset lưu ý 3 yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới.

Thứ nhất là tiêu dùng nhìn chung vẫn là động lực chính cho tăng trưởng GDP quý IV/2022, một phần nhờ so sánh với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có thể sẽ chậm lại so với quý III.

Thứ hai, tốc độ giải ngân FDI có thể chậm lại trong thời gian tới do kỳ vọng tỷ giá USD/VND tăng lên. Quan sát cho thấy, giải ngân FDI tháng 10 tăng chậm lại, đạt 2 tỷ USD, tương đương mức tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thứ ba, xuất khẩu gần đây đã thể hiện vài dấu hiệu tiêu cực. Xuất khẩu đang chậm lại do tình hình tiêu thụ khó khăn trên toàn cầu. Theo quan điểm của Mirae Asset, rủi ro lớn nhất hiện nay là nguy cơ tăng trưởng đình trệ trong bối cảnh lạm phát cao ở các nước châu Âu.

Thanh Long

Theo VietnamFinance