Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Biến động cổ đông lớn tại MB, lãi suất tiền gửi tăng
Tuần qua, hàng loạt tin ngân hàng như: Dragon Capital không còn là cổ đông lớn của MB; lãi suất tiền gửi đã tăng 0,3-0,5 điểm % so với cuối năm 2021...
Dragon Capital không còn là cổ đông lớn của MB
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB - Mã: MBB) vừa thông báo về việc nhóm quỹ Dragon Capital không còn là cổ đông lớn của ngân hàng.
Cụ thể, thông qua các quỹ thành viên, Dragon Capital đã bán ra hơn 2,8 triệu cổ phiếu MBB, khiến tỷ lệ sở hữu của nhóm quỹ tại ngân hàng giảm từ 5% xuống còn 4,94%, theo đó, quỹ đã không còn là cổ đông lớn của ngân hàng kể từ ngày 12/5.
Trong đó, quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited bán nhiều nhất với hơn 1,5 triệu cổ phiếu; quỹ Norges Bank bán 1 triệu cổ phiếu; Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (Equity) bán 250.000 cổ phiếu và KB vietnam focus balanced fund bán 68.300 cổ phiếu.
Trước đó, nhóm quỹ Dragon Capital thông báo trở thành cổ đông lớn của ngân hàng vào ngày 1/3 khi mua vào tổng cộng 916.800 cổ phiếu MBB thông qua các quỹ thành viên.
Gần đây, quỹ đầu tư Japan Asia MB Capital (JAMBF) cũng đăng ký bán 393.000 cổ phần sở hữu tại MB để giải thể quỹ.
Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 29/4 - 27/5 theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh. JAMBF đang là quỹ thuộc quản lý của MB Capital. Thành viên HĐQT MB, bà Nguyễn Thị Ngọc hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Quản lý Quỹ đầu tư MB - đơn vị quản lý JAMBF.
Ngân hàng ACB có thể được room mới từ cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7
Tin ngân hàng tiếp theo gây chú ý tới thị trường tài chính là Ngân hàng ACB đã nộp đơn xin NHNN (Ngân hàng nhà nước) cấp thêm hạn mức tín dụng và kỳ vọng có thể có được room mới từ cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7.
Ban lãnh đạo Ngân hàng ACB cho biết, đà tăng trưởng tín dụng vẫn duy trì tốt trong 4 tháng đạt mức 8% so với đầu năm. ACB cũng đã nộp đơn xin NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng và kỳ vọng có thể có được room mới từ cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, theo báo cáo mới cập nhật củaCTCP Chứng khoán SSI.
Tính đến cuối quý I/2022, tổng dư nợ cho vay của ACB đạt 380.000 tỷ đồng (tăng 5% so với đầu năm), với động lực chính đến từ cho vay ngắn hạn đối với những phân khúc khách hàng chiến lược (cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ).
Chuyên gia cho rằng đây là những khoản cho vay tài trợ vốn lưu động cho các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh. Tỷ trọng cho vay của ngân hàng đối với mảng xây dựng & kinh doanh bất động sản là khoảng 6% tại thời điểm cuối quý I.
Dự báo năm 2022, công ty chứng khoán cho rằng đây sẽ là một năm khá thuận lợi đối với ACB với lợi nhuận trước thuế dự báo đạt 16.900 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng tốt (tăng 16% so với cùng kỳ), NIM tăng 0,25 điểm % và chi phí dự phòng giảm.
Bên cạnh đó, dù duy trì việc quản lý rủi ro chặt chẽ và giải ngân ở mức thận trọng, ACB vẫn có thể đạt mức ROE hấp dẫn là 26,3% - đây là mức cao thứ 2 trong số các ngân hàng mà SSI nghiên cứu. Áp lực tăng vốn cũng sẽ không quá lớn trong năm nay do hệ số CAR của ACB vẫn trên 11%.
"Đáng chú ý, do ngân hàng không tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp nên có thể sẽ ít bị ảnh hưởng hơn trong giai đoạn thị trường bất ổn như hiện tại," báo cáo viết.
NHNN muốn siết nguồn vay ngắn hạn nước ngoài đầu tư vào chứng khoán, bất động sản
Ngoài hai tin ngân hàng nổi bật trên, NHNN cũng vừa có văn bản lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.
Một trong những nội dung đáng chú ý là quy định liên quan đến hoạt động vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, đối với các khoản vay ngắn hạn, dự thảo thông tư quy định doanh nghiệp được vay nước ngoài ngắn hạn để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phát sinh trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm ký thỏa thuận vay nước ngoài song không bao gồm các khoản nợ phát sinh từ hợp đồng vay với người cư trú; các khoản phải trả phát sinh từ mua bán chứng khoán kinh doanh; mua phần vốn góp, cổ phần của đơn vị khác; mua bất động sản đầu tư và nhận chuyển nhượng dự án.
NHNN cho biết thực tế việc tăng trưởng "nóng", "ồ ạt" của thị trường chứng khoán và kinh doanh bất động sản tiềm ẩn rủi ro lớn vì có thể tạo ta tình trạng vốn "ảo", "bong bóng" tài sản, là mầm mống cho những bất ổn tài chính vĩ mô.
Do đó, trong bối cảnh dòng vốn vay nước ngoài ngắn hạn cần được quản lý chặt chẽ hơn nữa để hạn chế các nguy cơ đảo chiều, cần hạn chế việc doanh nghiệp vay nước ngoài ngắn hạn cho các mục đích tiềm ẩn rủi ro bong bóng giá như chứng khoán, bất động sản.
Ngoài ra, dự thảo thông tư không cho phép sử dụng vốn vay ngắn hạn để nhận chuyển nhượng dự án đầu tư và mua cổ phần, mua phần vốn góp do việc thực hiện dự án hoặc mua cổ phần, mua vốn góp tại doanh nghiệp nhằm thâu tóm doanh nghiệp, mua bán sáp nhập để quản lý, phát triển doanh nghiệp về lâu dài là hoạt động mang tính dài hạn.
Do đó, nếu vay vốn nước ngoài ngắn hạn để thanh toán cho khoản nợ phát sinh từ các mục đích sử dụng vốn trung dài hạn nêu trên sẽ tạo ra rủi ro thanh khoản và đi ngược lại bản chất của dòng vốn ngắn hạn chỉ nhằm hỗ trợ thiếu hụt thanh khoản tạm thời.
Bên cạnh đó, trường hợp bên đi vay nhận chuyển nhượng dự án hoặc mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp khác nhưng không nhằm mục tiêu phát triển dự án hoặc quản lý doanh nghiệp. Thay vào đó tiếp tục chuyển nhượng dự án, bán cổ phần cho bên thứ ba thì hoạt động mua đi bán lại này cũng có thể tạo bong bóng giá, không tạo ra giá trị thực cho nền kinh tế và cần bị hạn chế.
Như vậy, đối với cả hai trường hợp chuyển nhượng dự án và mua cổ phần, mua phần vốn góp nêu trên đều tiềm ẩn rủi ro cao và không nên cho phép sử dụng vốn vay ngắn hạn nước ngoài, NHNN khẳng định.
Với định hướng kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, NHNN cho rằng việc quy định doanh nghiệp không được vay nước ngoài ngắn hạn cho các mục đích tiềm ẩn rủi ro cao nêu trên là cần thiết.
Một mặt yêu cầu chính các doanh nghiệp này quản trị rủi ro tốt hơn trong hoạt động, mặt khác hỗ trợ việc ưu tiên tập trung nguồn vốn vay nước ngoài cho các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Lãi suất tiền gửi đã tăng 0,3-0,5 điểm % so với cuối năm 2021
Báo cáo thị trường tiền tệ mới đây của CTCP Chứng khoán SSI cho biết biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân tiếp tục được điều chỉnh tăng nhẹ trong những ngày đầu tháng 5 ở một số ngân hàng vừa và nhỏ.
Trong khi đó lãi suất huy động dành cho khách hàng tổ chức cũng được điều chỉnh tăng khoảng 0,2 điểm % ở nhóm NHTM cổ phần lớn.
Trên thực tế, ngoại trừ nhóm NHTM cổ phần Nhà nước chưa ghi nhận sự điều chỉnh, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,3-0,5 điểm % so với cuối năm 2021 ở hầu hết các NHTM cổ phần nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng mạnh trong 4 tháng đầu năm.
Theo SSI, áp lực tăng lãi suất huy động còn được thể hiện qua chênh lệch giữa tín dụng – huy động vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm nay. Số liệu từ NHNN cho thấy tín dụng tính đến ngày 25/4 đã tăng 6,75% so với cuối 2021 (tương đương 16,4% so với cùng kỳ) trong khi huy động vốn chỉ tăng 3,55% (tương đương 10,7% so với cùng kỳ).
VPBank có tổng thu nhập cao nhất quý 1/2022
Tin ngân hàng cuối cùng gây chú ý tới thị trường tài chính - ngân hàng là VPBank có tổng thu nhập cao nhất quý 1/2022.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 của 27 ngân hàng trong nước, tổng thu nhập hoạt động ba tháng đầu năm 2022 của các ngân hàng đạt 134.141 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngân hàng VPBank là ngân hàng có tổng thu nhập hoạt động cao nhất trong kỳ với 18.270 tỷ đồng, tăng mạnh 65% so với cùng kỳ. Đứng sau VPBank lần lượt là ba "ông lớn" Vietcombank, BIDV và VietinBank với tổng thu nhập hoạt động trong kỳ là 16.733 tỷ đồng (tăng 7%), 16.227 (tăng 11%) và 14.070 tỷ đồng (tăng 9%).
Xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng là MB với tổng thu nhập đạt 11.632 tỷ đồng đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, ngân hàng NCB, PG Bank và Saigonbank là ba ngân hàng có tổng thu nhập thấp nhất trong kỳ với mức lần lượt là 404 tỷ đồng, 348 tỷ đồng và 284 tỷ đồng.
Ngân hàng SHB và VietABank là hai ngân hàng có tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng mạnh nhất trong qu 1/2022, cùng là 84%.
Hàng loạt ngân hàng triển khai rút tiền từ ATM bằng thẻ CCCD gắn chip
Mới đây, Ngân hàng TMCP Bản Việt (mã: BVB) vừa triển khai hệ thống ngân hàng tự động Digimi+, nổi bật với tính năng nộp/rút tiền mặt bằng Căn cước công dân.
Khách hàng của Bản Việt có thể nộp/rút tiền mặt bằng CCCD hoặc thẻ (ATM/tín dụng) tại hệ thống ngân hàng tự động Digimi+ của Bản Việt. Số tiền nộp tối đa lên đến 100 triệu đồng/giao dịch và không hạn chế số lần nộp trong ngày, tài khoản ghi có ngay lập tức khi khách hàng kết thúc giao dịch tại máy.
Đối với rút tiền mặt, hạn mức là 10 triệu đồng/giao dịch và tối đa 100 triệu đồng/ngày. Điểm đặc biệt, khi khách hàng dùng CCCD có thể nộp tiền cho mình hoặc cho tài khoản khác cùng hệ thống Ngân hàng Bản Việt.
VietinBank cho biết đã phối hợp cùng Trung tâm Dữ liệu dân cư Quốc gia - Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) chính thức cho ra mắt dịch vụ rút tiền bằng CCCD.
Theo đó, chỉ cần CCCD có gắn chip, khách hàng có thể thực hiện giao dịch rút tiền tại các ATM của VietinBank. Với dịch vụ này, khách hàng VietinBank đã có thêm một hình thức rút tiền mặt mà không cần tới thẻ ngân hàng hay rút tiền bằng mã QR trên VietinBank iPay.
Đại diện VietinBank cho biết bằng công nghệ xác thực khách hàng thông qua dữ liệu sinh trắc học kết nối trực tiếp với dữ liệu công dân quốc gia, việc sử dụng CCCD có gắn chip sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ giả mạo thẻ, bảo đảm an toàn tối đa trong các giao dịch tài chính.
Trong khi đó, BIDV đã phối hợp Trung tâm RAR triển khai thành công việc ứng dụng CCCD gắn chip trên các giao dịch tại khu vực tự phục vụ của BIDV như ATM, E-Zone (khu trải nghiệm giao dịch ngân hàng điện tử).
Nhiều khách hàng của BIDV đã trải nghiệm tính năng giao dịch mới này như chuyển tiền, nộp/rút tiền tại máy ATM... hoàn toàn bằng CCCD gắn chip tại các kênh giao dịch tự động ATM, E-Zone.