Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: MB chào bán tài sản của chủ đầu tư Ocean Park Vân Đồn, thêm hai ngân hàng tăng lãi suất huy động
Loạt ngân hàng biến động nhân sự cấp cao; MB chào bán toàn bộ vốn góp của chủ đầu tư KĐT Ocean Park Vân Đồn; đã có phương án xử lý đối với CBBank và OceanBank; thêm hai ngân hàng tăng lãi suất huy động,... là tâm điểm tin ngân hàng tuần qua.
Loạt ngân hàng biến động nhân sự cấp cao
Mới đây, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa có nghị quyết về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Phan Ngọc Hoà - Phó Tổng Giám đốc. Quyết định có hiệu lực từ ngày 10/5/2022.
Tính đến cuối năm 2021, ông Hoà sở hữu 693.712 cổ phiếu VPB, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,015% vốn điều lệ ngân hàng, theo báo cáo thường niên 2021.
Ngày 6/5/2022, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết đã nhận được đơn đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động của ông Lý Hoài Văn – Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Kinh doanh tiền tệ và đầu tư.
Trước đó, ông Lý Hoài Văn được bổ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Kinh doanh tiền tệ và Đầu tư của ngân hàng từ ngày 2/11/2017 sau khi từ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc tại Sacombank.
Theo đó, từ ngày 13/05/2022, ông Nguyễn Đình Tuấn sẽ đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc thường trực NCB.
Đồng thời, HĐQT NCB cũng ra quyết định thôi đảm nhiệm chức danh Quyền Tổng Giám đốc theo nguyện vọng cá nhân của bà Dương Thị Lệ Hà, và giao bà Hà đảm nhận vị trí Phó Tổng Giám đốc NCB.
Như vậy, tính đến ngày 13/05/2022, BĐH NCB gồm có: Ông Nguyễn Đình Tuấn – Phó Tổng Giám đốc thường trực và 04 Phó Tổng Giám đốc gồm: bà Dương Thị Lệ Hà, bà Hoàng Thu Trang, bà Lê Kim Chi, bà Nguyễn Thị Thùy Dương.
Mới đây, Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Quân đội (MBAMC) thông báo về việc tiến hành xử lý tài sản thế chấp của Công ty TNHH Quan Minh để thu hồi nợ.
Theo đó, công ty này đã phát sinh nợ quá hạn tại MB và không có khả năng trả nợ. Tài sản thế chấp là phần vốn góp của Công ty Quan Minh, cụ thể là phần vốn góp của ông Hoàng Văn Cường với giá trị 225 tỷ đồng, tương đương 90% vốn Quan Minh; phần vốn góp của ông Hoàng Bá Dũng với giá trị 25 tỷ đồng, tương đương 10% vốn của Quan Minh.
Như vậy, với việc không có khả năng trả nợ cho MB, Công ty Quan Minh có khả năng sẽ đổi chủ sau khi MB phát mãi được tài sản và thu hồi nợ.
Công ty Quan Minh là chủ đầu tư dự án Khu dân cư đô thị Ocean Park tại thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Ocean Park Vân Đồn được xem là một dự án bất động sản có vị trí đắc địa, nằm ngay trục đường bao biển mặt cắt 58m và đường ra sân bay Vân Đồn. Dự án này được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt chủ trương và giao cho Công ty TNHH Quan Minh làm chủ đầu tư, với tổng diện tích khoảng 41,8 ha, tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hơn 392 tỷ đồng.
Được biết, Công ty Quan Minh vào tháng 3 vừa qua đã có đơn khởi kiện MB ra Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội) để giải quyết vụ việc tranh chấp hợp đồng vay.
Về diễn biến vụ việc, vào tháng 6/2019, Quan Minh ký hợp đồng với Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) để vay 450 tỷ đồng triển khai dự án, thời hạn đến hết năm 2025. Tài sản đảm bảo là các ô đất trong dự án, với định giá của MSB là 10 triệu đồng/m2.
Quan Minh sau đó đã hủy ngang hợp đồng tín dụng với MSB vào cuối năm 2019 để chuyển sang ký hợp đồng tín dụng với MB liên quan đến dự án này, với số tiền MB cam kết cho Quan Minh vay là 650 tỷ đồng.
Dư nợ chuyển từ MSB sang là hơn 436 tỷ đồng, doanh số giải ngân tính đến ngày 31/12/2019 là khoảng 506 tỷ đồng, dư nợ tính đến hết tháng 12/2019 là hơn 476 tỷ đồng.
Quan Minh cũng được MB cấp khoản vay 40 tỷ đồng để phục vụ vốn lưu động. Khi các các khoản vay đến hạn vào tháng 4/2020, tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh khiến Quan Minh không trả được nợ, ngân hàng đã thu hồi nợ và từ chối tiếp tục giải ngân vốn lưu động.
Phía Quan Minh cho rằng MB đã gây khó khăn khi không áp dụng Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước và thực hiện chuyển toàn bộ dự nợ của công ty sang nhóm 4 (nợ nghi ngờ), ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của công ty.
MB và Quan Minh sau đó đã thỏa thuận để công ty này bán một số lô đất trong dự án cho nhà đầu tư thứ cấp có nhu cầu, MB sẽ thu nợ 10 triệu đồng/m2 và Quan Minh sử dụng 2 triệu đồng/m2 để tiếp tục thực hiện dự án.
Theo đó, Quan Minh đã ký hợp đồng đặt cọc với Hải Phát Land và chuyển tiền về MB để ngân hàng thực hiện việc thu nợ. Tính đến ngày 31/3/2021, dư nợ còn lại của Công ty Quan Minh tại ngân hàng là 254,4 tỷ đồng và không còn bất cứ khoản nợ gốc, lãi nào bị quá hạn theo thỏa thuận gia hạn nợ 2 bên.
Tuy nhiên, MB sau đó vẫn tiếp tục yêu cầu Quan Minh phải bàn giao tài sản để thu hồi nốt phần nợ còn lại. MB cho biết việc siết nợ, thu hồi tài sản là do Quan Minh đã có nhiều lần vi phạm đồng tín dụng, không trả được nợ đúng hạn, toàn bộ khoản nợ của Quan Minh tại MB chuyển thành nợ nhóm 5 và không được tiếp tục vay vốn.
Đã có phương án xử lý đối với CBBank và OceanBank
Tại báo cáo “Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022”, Chính phủ tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và xây dựng, hoàn thiện Đề án cho giai đoạn 2021-2025.
Tiếp tục chỉ đạo các TCTD xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu phù hợp với diễn biến dịch bệnh; tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng để hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mại tài sản bảo đảm của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro.
Đặc biệt, Chính phủ đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á, tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng; sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ.
Đồng thời, rà soát, hoàn thiện phương án cơ cấu lại theo định hướng mới, trong đó đã có phương án xử lý đối với Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank).
Về nội dung cơ bản của việc nhận CGBB, sau khi Vietcombank và MB nhận CGBB, TCTD hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất BCTC vào BCTC hợp nhất của hai ngân hàng nhận chuyển giao.
Hai ngân hàng nhận chuyển giao sẽ không góp vốn vào TCTD trong thời gian TCTD còn lỗ lũy kế, đồng thời, không chịu trách nhiệm về thanh khoản và các nghĩa vụ tài chính của TCTD trong thời gian thực hiện phương án CGBB.
Vietcombank và MB sẽ tham gia quản trị, điều hành và triển khai các biện pháp hỗ trợ tại phương án CGBB được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, cả hai bên nhận chuyển giao và được chuyển giao đều được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, các quy định của pháp luật có liên quan được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại phương án CGBB.
Sàn giao dịch nợ VAMC đã có 15.000 tỷ đồng giá trị hàng hóa và 90 thành viên
Thông tin từ Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, hoạt động của sàn giao dịch nợ tiếp tục được cải thiện trong những tháng đầu năm 2022.
Theo đó, đến nay sàn giao dịch nợ VAMC đã có gần 90 khách hàng là cá nhân, tổ chức đăng ký làm thành viên và được cấp tài khoản truy cập. Ngoài ra, còn nhiều hồ sơ đăng ký khác đang được sàn giao dịch nợ thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Về số lượng hàng hóa, sàn giao dịch nợ đã thực hiện ký hợp đồng nguyên tắc đề nghị môi giới bán khoản nợ, tài sản bảo đảm với 10 tổ chức tín dụng; thực hiện đăng tải hàng hoá là khoản nợ, tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng lên website của sàn giao dịch nợ với giá trị dư nợ đạt gần 15.000 tỷ đồng.
Về nghiệp vụ tư vấn và môi giới, sàn giao dịch nợ VAMC đã tiếp cận với nhiều khách hàng có nhu cầu. Dự kiến sẽ ký hợp đồng trong thời gian tới sau quá trình chuẩn bị và thẩm định.
Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, đại diện VAMC cho biết sẽ thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
Cụ thể, VAMC sẽ phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, bền vững, trong đó thiết lập, vận hành có hiệu quả sàn giao dịch nợ nhằm thúc đẩy thị trường mua bán nợ xấu, trong đó VAMC là trung tâm của thị trường.
Đồng thời, với dự báo các hoạt động sản xuất sẽ trở về bình thường, sàn giao dịch nợ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội ngoài các tổ chức tín dụng. Sàn giao dịch nợ VAMC sẽ tiếp cận, mở rộng đối tượng, hướng đến tìm kiếm các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm để ký hợp đồng sử dụng các dịch vụ của sàn.
Ngoài ra, sàn giao dịch nợ sẽ tập trung xây dựng kho dữ liệu khoản nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ, đây sẽ là cơ sở để khách hàng có nhu cầu tìm kiếm mua, bán khoản nợ, tài sản bảo đảm cũng như để phục vụ công tác phân tích, cung cấp thông tin về khoản nợ, tài sản bảo đảm của sàn giao dịch nợ VAMC.
Thêm hai ngân hàng tăng lãi suất huy động
Mới đây, ngân hàng OCB đã công bố biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân áp dụng từ ngày 4/5/2022. So với biểu lãi suất cũ, Sacombank đã tăng lãi suất một số kỳ hạn ngắn thêm 0,1%-0,35%/năm.
Cụ thể, đối với hình thức gửi tại quầy, Sacombank tăng lãi suất kỳ hạn 2 tháng, 3 tháng thêm 0,1 điểm phần trăm lên 3,5%/năm và 3,7%/năm. Trong khi đó, với kỳ hạn 4 tháng tăng 0,35 điểm phần trăm và kỳ hạn 5 tháng tăng 0,3 điểm % lên mức tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 4%/năm.
Đối với hình thức gửi trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng 0,1%/năm lên 4%/năm. Bên cạnh đó, tại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tăng từ 5,1%/năm lên 5,2%/năm; kỳ hạn 7 tháng tăng từ 5,15%/năm lên 5,2%/năm.
Sacombank hầu như không thay đổi lãi suất đối với các kỳ hạn dài.
Tiếp đến, ngân hàng Nam A Bank cũng áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày 9/5, tuy nhiên chỉ thay đổi ở kỳ hạn 12 tháng gửi tại quầy, tăng từ 6,2%/năm lên 6,4%/năm.
Hiện NamABank vẫn là ngân hàng có lãi suất cao nhất thị trường (đối với các khoản tiền gửi nhỏ), lên tới 7,4%/năm dành cho khách hàng gửi kỳ hạn 16 tháng trở lên theo hình thức trực tuyến.
Trước đó, ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, nhiều ngân hàng như SHB, Eximbank, VietCapialBank,… đã công bố biểu lãi suất mới, mức tăng phổ biến là 0,1-0,4%/năm.