Tin Ngân hàng nổi bật trong tuần: Cổ đông BIDV, Vietcombank sắp nhận cổ tức 'khủng'
Ngành ngân hàng tuần qua chứng kiến loạt thông tin đáng chú ý như Agribank phát hành 2.000.000 trái phiếu ra công chúng năm 2021; cổ đông ngân hàng BIDV, Vietcombank sắp nhận cổ tức;...
Cổ đông ngân hàng BIDV, Vietcombank sắp nhận cổ tức
Mới đây, ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) vừa có nghị quyết HĐQT về việc phê duyệt kế hoạch chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền, năm 2019 bằng cổ phiếu.
Cụ thể, ngân hàng sẽ chia cổ tức tiền mặt năm 2020, tỷ lệ 12%, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VCB sẽ nhận 1.200 đồng. Đồng thời phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6%, tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ được nhận 276 cổ phiếu mới. Sau phát hành, vốn điều lệ thêm 10.236 tỷ đồng lên hơn 47.325 tỷ đồng.
Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt năm 2020 và cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 là 23/12/2021. Ngay chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông là 5/1/2022.
Ngoài ra, Vietcombank còn dự kiến phát hành gần 308 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 6,5% vốn điều lệ cho tối đa 99 nhà đầu tư. Sau khi hoàn tất phát hành riêng lẻ, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm 3.076 tỷ đồng lên hơn 50.401 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 10.365 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức, tỷ lệ 25,77%.
BIDV sẽ chốt danh sách cổ đông ngày 24/12/2021 để chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 2% và chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25,77%. Ngày thanh toán cổ tức tiền mặt cho cổ đông là 24/1/2022.
Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên hơn 50.585 tỷ đồng.
Sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu thành công, BIDV sẽ là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống với hơn 50.585 tỷ đồng, sau đó là Vietinbank, Vietcombank và VPBank.
Agribank phát hành 2.000.000 trái phiếu ra công chúng năm 2021
Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) thông báo phát hành trái phiếu kỳ hạn 7 năm ra công chúng năm 2021. Uỷ ban chứng khoán nhà nước vừa quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng cho Agribank.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không được bảo đảm bằng tài sản, không kèm chứng quyền, thoả mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 theo các quy định hiện hành của pháp luật.
Tổng số lượng trái phiếu chào bán ra công chúng là 2.000.000 trái phiếu, mệnh giá trái phiếu là 1 triệu đồng/trái phiếu, tương ứng tổng giá trị chào bán theo mệnh giá là 2.000 tỷ đồng.
Thời gian phân phối trong vòng 90 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký chào bán có hiệu lực. Tổ chức tư vấn phát hành là Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank.
Chuỗi cho vay cầm cố F88 "bắt tay" ngân hàng
Mới đây, Ngân hàng CIMB Việt Nam cho biết đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược với CTCP Kinh doanh F88 nhằm tùy chỉnh các dịch vụ cho vay, thúc đẩy phát triển các tiện ích tài chính toàn diện đến những người dân chưa có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Theo đó, hai đơn vị đặt ra mục tiêu cung cấp các sản phẩm cho vay mới với mức lãi suất ưu đãi và dễ dàng tiếp cận để hỗ trợ tối đa các đối tượng khách hàng có nhu cầu vay vốn như người lao động có thu nhập thấp và tiểu thương buôn bán nhỏ.
"Mục tiêu chính của Hợp tác chiến lược này là cải thiện dịch vụ tín dụng hướng đến phân khúc chưa được phục vụ và chưa được ưu tiên với chi phí phải chăng", đại diện CIMB cho biết.
"Khách hàng sẽ nhận được các khoản vay lãi suất rất cạnh tranh do chi phí vốn từ ngân hàng thấp hơn trong khi phạm vi tiếp cận của F88 lại rộng hơn Ngân hàng rất nhiều. Cùng với F88, chúng tôi mong muốn tận dụng thế mạnh từ cả 2 phía để tập trung phát triển đáp ứng yêu cầu tín dụng của các phân khúc thấp trong xã hội khi nền kinh tế đang dần phục hồi trở lại sau đại dịch".
F88 và CIMB sẽ cùng nhau kết hợp sự am hiểu thị trường cho vay tại Việt Nam với những tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất để cho ra mắt những sản phẩm sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt là những khách hàng không thỏa mãn các tiêu chí của các mô hình cho vay của ngân hàng, công ty tài chính tại Việt Nam.
Đối tượng khách hàng của họ cũng được mở rộng từ sinh viên, công nhân viên cho tới các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
BIDV rao bán dự án Thuỷ điện Tân Thượng của Đức Long Gia Lai
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Gia Lai (BIDV) vừa có thông báo về việc bán đấu giá tài sản của CTCP Năng lượng Tân Thượng với mức giá khởi điểm 412 tỷ đồng.
Theo đó, BIDV rao bán dự án nhà máy Thủy điện Tân Thượng do CTCP Năng Lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư, bao gồm toàn bộ tài sản đã hình thành thuộc dự án và liên quan đến dự án nhà máy Thủy điện Tân Thượng (công suất thiết kế 22 MW) thuộc địa phận xã Tân Lâm, huyện Di Linh và xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Các tài sản cụ thể gồm toàn bộ các hạng mục công trình trên đất thuộc dự án; Toàn bộ các tòa nhà, công trình xây dựng, các tài sản khác gắn liền với đất tọa lạc trong phạm vi khu đất thực hiện dự án. Toàn bộ máy móc, thiết bị, nội thất, đồ đạc và các động sản khác hình thành từ và liên quan đến dự án.
Theo tìm hiểu, Năng lượng Tân Thượng được Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) mua vào năm 2015 với 12,34 triệu cổ phần, tương đương mệnh giá 123,4 tỷ đồng và chiếm 80% vốn Năng lượng Tân Thượng.
Theo website của DLG, dự án thuỷ điện Tân Thượng có công suất 27 MW với sản lượng điện 108 triệu KWh/năm, tổng vốn đầu tư 918 tỷ đồng. Tuy nhiên sau 6 năm đầu tư, tháng 10/2021 vừa qua, Đức Long Gia Lai dự kiến thoái vốn và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Năng lượng Tân Thượng.
Tại báo cáo thường niên, Công ty Năng lượng Tân Thượng có vốn điều lệ là 155 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ sở hữu của Đức Long Gia Lai là 88%. Tại thời điểm đầu năm 2021, chi phí xây dựng cơ bản của DLG ghi nhận tại dự án nhà máy Tân Thượng là 365 tỷ đồng.
3 ngân hàng Việt được Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings mới đây đã nâng xếp hạng tín nhiệm đối với ba ngân hàng Việt Nam bao gồm VietinBank, Vietcombank và ACB.
Cụ thể, với VietinBank, Fitch nâng xếp hạng sức mạnh độc lập (VR) từ b- lên b; đồng thời, tiếp tục giữ xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) ở mức BB- với triển vọng tích cực, phù hợp với triển vọng tích cực của xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB.
Đối với Vietcombank được nâng đánh giá Sức mạnh độc lập từ "b" lên “b+” và giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm Nhà phát hành nợ dài hạn (Long-term Issuer default ratings - IDR) ở mức BB-. Đồng thời, triển vọng IDR của Vietcombank được đánh giá ở mức tích cực BB.
Với ACB, tổ chức xếp hạng tín nhiệm này đã nâng đánh giá IDR từ B+ lên mức BB-, triển vọng ổn định. Đồng thời, Sức mạnh độc lập được nâng từ “bb-”, từ “b+” trước đó.
Fitch Ratings cho biết, việc nâng đánh giá VR của Vietcombank và VietinBank đặt trong bối cảnh cơ quan này nâng đánh giá Môi trường vận hành hệ thống NH (OE) của Việt Nam lên “bb-” từ mức “b+” do các điều kiện kinh doanh về cơ bản đã trở nên ít khắc nghiệt hơn.
Fitch Ratings thông báo sẽ rút bỏ xếp hạng hỗ trợ (Support Ratings) và sàn xếp hạng hỗ trợ (Support Rating Floors) của các ngân hàng vì không còn phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ quan này sau khi áp dụng Tiêu chí xếp hạng NH ngày 12-11-2021. Thay vào đó, Fitch Ratings đánh giá xếp hạng hỗ trợ của Chính phủ (GSR), theo đó, VietinBank và Vietcombank ở mức 'bb-', ACB ở mức “b”.