Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Lộ diện quán quân lợi nhuận, cuộc đua lãi suất huy động lại tăng nhiệt

Những tin ngân hàng nổi bật tuần qua như: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng loạt lãi suất điều hành thêm 1% từ ngày 25/10; Vietcombank tiếp tục là quán quân lợi nhuận; Big 4 ngân hàng quốc doanh tham gia cuộc đua lãi suất huy động;...

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng loạt lãi suất điều hành thêm 1% từ ngày 25/10

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua là sự kiện tối ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành và áp dụng từ ngày 25/10.

NHNN cho biết: để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, NHNN quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 25 tháng 10 năm 2022.

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Lộ diện quán quân lợi nhuận, cuộc đua lãi suất huy động lại tăng nhiệt - Ảnh 1

Cụ thể, Quyết định số 1809/QĐ-NHNN ngày 24 tháng 10 năm 2022 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD. Theo đó, tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD từ 6,0%/năm lên 7,0%/năm.

Quyết định số 1812/QĐ-NHNN ngày 24 tháng 10 năm 2022 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại TCTD theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Quyết định số 1813/QĐ-NHNN ngày 24 tháng 10 năm 2022 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế tăng từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này tăng từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm.

Trước đó, ngày 22/9, NHNN đã ban hành các Quyết định số 1606/QĐ-NHNN và Quyết định số 1607/QĐ-NHNN tăng một số mức lãi suất từ ngày 23/9/2022. Theo đó, các mức lãi suất của NHNN đều được điều chỉnh tăng thêm 1%.

Big 4 ngân hàng quốc doanh tham gia cuộc đua lãi suất huy động, tăng thêm 1%

Ngày 25/10, một số ngân hàng thương mại đã công bố biểu lãi suất huy động mới sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1%.

Theo đó, trên thị trường, một số ngân hàng đã niêm yết lãi suất huy động cao nhất đạt trên dưới mốc 9%/năm, có thể kể đến SCB, VietCapitalBank, CBBank.

Tuy nhiên, lãi suất có sự chênh lệch khá lớn giữa biểu niêm yết và lãi suất thực tế tại mỗi chi nhánh. Do đó, trên thực tế, ngoài 3 ngân hàng nói trên, tại một số chi nhánh ở những ngân hàng khác, lãi suất tiền gửi cũng đã lên trên 9%/năm.

Đặc biệt, Big 4 ngân hàng quốc doanh đã chính thức tham gia cuộc đua lãi suất huy động, tăng thêm 1%.

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Lộ diện quán quân lợi nhuận, cuộc đua lãi suất huy động lại tăng nhiệt - Ảnh 2
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tại 4 ngân hàng quốc doanh đến sáng 28/10/2022

Cụ thể, ngày 27/10 vừa qua, ba ngân hàng TMCP Nhà nước BIDV, VietinBank và Agribank đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm hơn 1 điểm % tại hầu hết kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất tại các ngân hàng này là 7,4%/năm, áp dụng cho hình thức gửi tại quầy ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, tăng thêm 1 điểm % so với trước đó.

Với kỳ hạn từ 6-11 tháng, lãi suất tiết kiệm là 6,1%/năm tại Agribank và 6%/năm tại Vietinbank, tăng 1,3-1,4  điểm % so với trước. Riêng BIDV, lãi suất là 6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 6,1%/năm cho kỳ hạn 9 tháng.

Đối với các kỳ hạn ngắn hơn từ 3-5 tháng, lãi suất tiết kiệm tại cả ba nhà băng đều là 5,4%/năm, tăng 1 điểm % so với biểu lãi suất cũ. Tại các kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng, lãi suất sẽ là 4,9%/năm, tăng 0,8 điểm %.

Bên cạnh đó, Agribank tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thêm 0,2 điểm % lên 0,5%/năm, trong khi  BIDV và VietinBank giữ nguyên lãi suất là 0,1%/năm.

Đến ngày 28/10, ngân hàng Vietcombank đã thay đổi biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Cụ thể, Vietcombank tăng thêm từ 1-1,3 điểm % lãi suất ở tất cả kỳ hạn. Trong đó, tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1-2 tháng lên mức 4,9%/năm; kỳ hạn 3 tháng và 5 tháng tăng lên 5,4%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng lên 6%/năm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng lên mức 7,4%/năm.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, lãi suất tiền gửi trên thị trường đã tăng trên 2%/năm ở nhiều kỳ hạn, đưa mức lãi suất trở lại vùng cao hơn cả năm 2019.

Động thái tăng mạnh lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước có 2 đợt tăng lãi suất điều hành (ngày 23/9 và 25/10), mỗi đợt tăng 1%.

Vietcombank tiếp tục là quán quân lợi nhuận

Tin ngân hàng gây chú ý tuần qua là sự kiện \'ông lớn\' Vietcombank tiếp tục là quán quân lợi nhuận.

Theo đó, Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Vietcombank đạt gần 24.940 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Với con số này, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân toàn ngành về lợi nhuận.

9 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt hơn 49.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 22%, đạt 38.437 tỷ đồng. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 4.581 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh khác giảm lần lượt 10% và 4% so với 9 tháng năm 2021. Mảng chứng khoán kinh doanh ghi nhận lỗ 119 tỷ đồng (riêng trong quý 3/2022 lỗ 154 tỷ đồng).

Trong quý 3/2022, chi phí dự phòng rủi ro của Vietcombank tăng thêm 11% so với cùng kỳ, lên 2.778 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ngân hàng cắt giảm hơn 15% chi phí này trong quý II, con số luỹ kế 9 tháng vẫn giảm 3%. 

Theo cập nhật mới nhất, Techcombank đang giữ vị trí thứ hai về lợi nhuận ngành với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt hơn 20.800 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Vị trí thứ ba là VPBank với lợi nhuận trước thuế tăng 69%, đạt hơn 19.800 tỷ đồng và thực hiện 67% kế hoạch lợi nhuận của năm 2022 .

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Lộ diện quán quân lợi nhuận, cuộc đua lãi suất huy động lại tăng nhiệt - Ảnh 3

Người nhà lãnh đạo MSB đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu

Theo thông báo của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB – Mã: MSB), ông Phạm Lê Việt Anh, con trai bà Lê Thị Liên, Thành viên HĐQT Ngân hàng đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu MSB để đầu tư tài chính.

Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 28/10-27/11 theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận. Hiện tại, ông Việt Anh không sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại MSB, trong khi bà Lê Thị Liên đang nắm giữ hơn 636.900 cổ phiếu.

Nếu thành công, người nhà lãnh đạo MSB sẽ nâng sở hữu lên 5 triệu cổ phiếu, tương đương 0,025% vốn ngân hàng.

Giao dịch của ông Phạm Lê Việt Anh diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu MSB đã lao dốc mạnh trong những tháng gần đây. So với cuối tháng 8, giá cổ phiếu này đã giảm gần 20% và mất gần nửa giá trị so với hồi đầu năm.

Trước đó, ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 3 với lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng cán mốc 4.824 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021, thực hiện hơn 70% kế hoạch năm đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Diễn biến cổ phiếu MSB từ đầu năm đến nay.
Diễn biến cổ phiếu MSB từ đầu năm đến nay.

Tin ngân hàng Eximbank lại biến động nhân sự cấp cao

Tuần qua, tin ngân hàng gây chú ý là sự kiện Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank – EIB) vừa thông báo về việc nhận được đơn từ nhiệm của Thành viên Hội đồng quản trị.

Cụ thể, ngày 24/10, bà Lê Hồng Anh (Thành viên HĐQT) và ông Đào Phong Trúc Đại (Thành viên HĐQT độc lập) đã có đơn từ nhiệm khỏi HĐQT Eximbank vì lý do cá nhân.

Trước đó, bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 của Eximbank tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 15/2/2022. Đây là 2 nhân sự đại diện cho nhóm cổ đông Tập đoàn Thành Công.

Bà Lê Hồng Anh (sinh năm 1975), được biết là Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính kế toán của CTCP Tập đoàn Thành Công, Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Công Phạm Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH TCG Land. Bà còn là vợ của ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch Tập đoàn Thành Công.

Ông Đào Phong Trúc Đại (sinh năm 1975) là Tổng giám đốc CTCP Đầu tư PV-Inconess, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng, Giám đốc Tài chính Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng.

Thời gian gần đây, nhóm cổ đông Tập đoàn Thành Công đã tiến hành thoái vốn khỏi Eximbank theo phương thức giao dịch thỏa thuận.

Trong đó, bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, con gái của bà Lê Hồng Anh đã chuyển nhượng toàn bộ hơn 11 triệu cổ phiếu EIB. Ngoài ra, 3 tổ chức liên quan đến bà Hồng Anh là Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công cũng đã bán hơn 60,5 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 4,924%), Hợp Tác xã Cổ phần Thành Công bán hơn 44,7 triệu cp EIB (tỷ lệ 3,637%), Công ty Cổ phần Phúc Thịnh bán hơn 12,2 triệu cp EIB (tỷ lệ 1,005%).

 

Trang Bùi (t/h)

Theo Sở hữu trí tuệ