Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Ngân hàng Nhà nước hoạt động theo cơ cấu tổ chức mới
Những tin ngân hàng nổi bật tuần qua như: Một \'ông lớn\' ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi lên mức kịch trần; Tăng trưởng tín dụng ước đạt 14,5% trong năm 2022; Tỷ trọng rút tiền mặt qua Napas giảm gần một nửa trong năm 2022;...
Vietcombank tăng lãi suất tiền gửi lên mức kịch trần
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB) mới đây đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động cho tiền gửi trực tuyến, trong đó tại các kỳ hạn ngắn ngân hàng đều điều chỉnh lên mức kịch trần.
Cụ thể, tại các kỳ hạn ngắn, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,8%/năm lên mức 6%/năm. Bên cạnh đó kỳ hạn 3 tháng cùng được niêm yết lãi suất là 6%/năm, nhưng mức điều chỉnh ít hơn là 0,3%/năm.
Đối với các kỳ hạn dài hơn, Vietcombank vẫn giữ nguyên mức lãi suất. Lãi suất kỳ hạn 6-9 tháng là 6,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 12-24 tháng là 7,4%/năm.
Ngoài ra, khi tiết kiệm tại quầy, các kỳ hạn ngắn 1-3 tháng ngân hàng áp dụng mức lãi suất 4,9-5,4%/năm. Trong khi đó tại kỳ hạn 6-9 tháng, lãi suất được niêm yết ở mức 6%/năm, còn tại kỳ hạn 12-60 tháng là 7,4%/năm.
Bên cạnh các kỳ hạn dài, Vietcombank cũng cho phép khách hàng gửi trong thời gian ngắn 7 ngày và 14 ngày với lãi suất ở mức khá thấp là 0,2%/năm. Tiền gửi không kỳ hạn có lãi suất không đổi là 0,1%/năm.
Tăng trưởng tín dụng ước đạt 14,5% trong năm 2022
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương sáng ngày 3/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết tín dụng trong năm 2022 ước tăng 14,5% so với cuối năm 2021.
Như vậy, chỉ trong 10 ngày cuối cùng của tháng 12, tín dụng đã bật tăng khoảng hơn 1,5 điểm %, tuy nhiên mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn hạn mức mà NHNN cho phép trong năm 2022 là 16%, báo cáo thị trường tiền tệ mới đây của CTCP Chứng khoán SSI cho biết.
Theo SSI, bức tranh tăng trưởng tín dụng trong năm nay có thể được chia rõ rệt thành hai màu sắc, tăng mạnh trong nửa đầu năm và giảm nhiệt trong nửa cuối năm trong bối cảnh các điều kiện tài chính thắt chặt hơn.
Nhìn chung, chính sách tiền tệ xuyên suốt năm 2022 là linh hoạt với xu hướng thắt chặt, tùy theo diễn biến tình hình để xác định trọng tâm, trọng điểm ưu tiên trong từng thời điểm. Thực tế, từ tháng 10 khi sự cố SCB xảy ra tác động mạnh tới thanh khoản hệ thống và thị trường, NHNN đã ưu tiên cao nhất và tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hệ thống và ổn định thị trường ngoại hối.
Mục tiêu điều hành trong năm 2023 cũng không có nhiều khác biệt với hiện tại, là sẽ tùy vào trạng thái thực tế của thị trường để có những giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, với mặt bằng lãi suất hiện nay đang ở mức tiệm cận cao (tương đương giai đoạn 2011-2012) và tăng trưởng kinh tế trong năm tới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do các yếu tố từ bên ngoài, nhóm phân tích kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ có xu hướng nới lỏng hơn và kết hợp với chính sách tài khóa mở rộng nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Tỷ trọng rút tiền mặt qua Napas giảm gần một nửa trong năm 2022
Tin ngân hàng tiếp theo là Thông tin tại "Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023", CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết trong năm 2022, hoạt động thanh toán điện tử tiếp tục tăng trưởng nhanh với tổng số lượng giao dịch và giá trị giao dịch thực hiện qua Napas tiếp tục tăng tương ứng là 96,5% và 87,3% so với năm 2021.
Trong đó, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống Napas tiếp tục giảm từ 12% trong năm 2021, xuống 6,56% của năm 2022. Đồng thời, tỷ trọng giao dịch thẻ chip thực hiện qua Napas tiếp tục tăng từ 26% năm 2021 lên đến hơn 60% năm 2022.
Dịch vụ chuyển nhanh Napas 247 bằng mã VietQR cũng có sự tăng trưởng ấn tượng sau hơn 1 năm ra mắt, thanh toán bằng mã VietQR đã trở thành một trong các hình thức thanh toán phổ biến và được thị trường đón nhận vì sự thuận thiện, đơn giản và chi phí thấp.
Ngân hàng Nhà nước hoạt động theo cơ cấu tổ chức mới từ ngày 1/1/2023
Nghị định 102/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Nghị định này thay thế Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Theo đó, NHNN là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối (tiền tệ và ngân hàng); thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước.
Cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước có 25 đơn vị, gồm (1) Vụ Chính sách tiền tệ, (2) Vụ Quản lý ngoại hối, (3) Vụ Thanh toán, (4) Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, (5) Vụ Dự báo, thống kê, (6) Vụ Hợp tác quốc tế, (7) Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính, (8) Vụ Kiểm toán nội bộ, (9) Vụ Pháp chế, (10) Vụ Tài chính - Kế toán, (11) Vụ Tổ chức cán bộ, (12) Vụ Truyền thông, (13) Văn phòng, (14) Cục Công nghệ thông tin.
Ngoài ra còn có (15) Cục Phát hành và kho quỹ, (16) Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, (17) Cục Quản trị, (18) Sở Giao dịch, (19) Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, (20) Các chi nhánh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, (21) Viện Chiến lược ngân hàng, (22) Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam, (23) Thời báo Ngân hàng, (24) Tạp chí Ngân hàng và (25) Học viện Ngân hàng.
Như vậy, so với Nghị định 16/2017/NĐ-CP, cơ cấu tổ chức mới của Ngân hàng Nhà nước giảm một đơn vị. Các đơn vị quy định từ (1) đến (20) nêu trên là đơn vị hành chính giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng Ngân hàng Trung ương; các đơn vị quy định từ (21) đến (25) nêu trên là đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.
Vụ Chính sách tiền tệ có 6 phòng. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài chính - Kế toán, Vụ Hợp tác quốc tế có 5 phòng. Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Thanh toán, Vụ Kiểm toán nội bộ, Vụ Dự báo, thống kê có 4 phòng. Vụ Pháp chế có 3 phòng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Vụ Quản lý ngoại hối, Sở Giao dịch tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các quy định hiện hành cho đến khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, Vụ Quản lý ngoại hối và Sở giao dịch.
Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng được hoàn thành các nhiệm vụ đang thực hiện cho đến khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện xong việc sắp xếp tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản của Trường Bồi dường cán bộ ngân hàng.
MB thành lập ngân hàng 100% vốn tại Campuchia
Tin ngân hàng tiếp theo đáng chú ý là sự kiện Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) công bố thông tin triển khai hoạt động ngân hàng 100% vốn tại Campuchia trên cơ sở chuyển đổi chi nhánh MB Campuchia.
Ngân hàng được thành lập có tên Ngân hàng đại chúng trách nhiệm hữu hạn MB Campuchia với thời gian khai trương hoạt động từ ngày 2/1/2023.
Theo bản công bố thông tin đăng ký đầu tư ra nước ngoài, MB đã đầu tư hơn 76,5 triệu USD, tương đương hơn 306,3 tỷ đồng.
Tính tới cuối quý III/2022, mạng lưới giao dịch của MB bao gồm 1 trụ sở chính, 101 chi nhánh (trong đó có 2 chi nhánh nước ngoài, 198 phòng giao dịch và 1 văn phòng đại diện tại Nga. Ngân hàng có 6 công ty con gồm: MB AMC, Công ty chứng khoán MBS, CTCP Quản lý quỹ đầu tư (MB Capital); Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (MCredit); Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas (MBAL) và Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC).