Tin xấu bủa vây TTCK nhưng định giá thấp có thể kích hoạt lực mua thăm dò

"Định giá P/E hiện tại của VN-Index ở mức 11,7 lần vào ngày 3/10 đang dần tiệm cận mức đáy 10,35 lần vào ngày 24/3/2020, trong khi đó P/E ước tính năm 2022 cho chỉ số hiện ở mức 10,2 lần. Với yếu tố tích cực này, kỳ vọng hoạt động giải ngân ở mức thăm dò có thể diễn ra", SSI cho hay.

Tin xấu bủa vây TTCK nhưng định giá thấp có thể kích hoạt lực mua thăm dò
Tin xấu bủa vây TTCK nhưng định giá thấp có thể kích hoạt lực mua thăm dò

Số liệu vĩ mô 9 tháng năm 2022 của Việt Nam được công bố khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù tăng trưởng mạnh mẽ đến từ nền so sánh thấp do giãn cách xã hội kéo dài, tuy nhiên theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI trong báo cáo chiến lược công bố mới đây, khả năng mối quan tâm của nhà đầu tư sẽ dần dịch chuyển sang yếu tố tăng trưởng kết quả kinh doanh quý III khi kỳ công bố chính thức báo cáo tài chính quý đang đến rất gần.

Mặc dù vậy, số liệu cũng cho thấy tăng trưởng có thể đạt đỉnh trong quý III và áp lực sẽ tăng dần trong thời gian tới.

"Vì vậy, chúng tôi duy trì góc nhìn thận trọng đối với diễn biến dòng tiền vào thị trường chứng khoán (TTCK) cũng như xu hướng vận động chung của thị trường, ít nhất cho tới cuộc họp của FED vào tháng 11. Bên cạnh rủi ro đến từ bên ngoài, nhân tố nội tại có tác động không tích cực đến tâm lý thị trường ngày càng xuất hiện rõ ràng hơn, như tăng trường chậm lại hay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhằm ổn định môi trường tỷ giá", báo cáo của SSI nêu.

Trong khi đó, yếu tố tích cực đến từ việc định giá thị trường hiện đang ở mức thấp có thể giúp dòng tiền chủ động giải ngân.

"Định giá P/E hiện tại của VN-Index đang ở mức 11,7 lần vào ngày 3/10 đang dần tiệm cận mức đáy 10,35 lần vào ngày 24/3/2020, trong khi đó P/E ước tính năm 2022 cho chỉ số hiện ở mức 10,2 lần. Với yếu tố tích cực này, kỳ vọng hoạt động giải ngân ở mức thăm dò có thể diễn ra", SSI cho hay.

Trước đó, sau đợt hồi phục trong tháng 8, TTCK Việt Nam giảm lại khá mạnh trong tháng 9. Chỉ số VN-Index dừng lại tại phiên cuối cùng của tháng tại mốc 1.132,11 điểm, giảm 148,4 điểm tương ứng 11,6% so với tháng trước.

Đây là tháng giảm điểm mạnh nhất của chứng  khoán  Việt Nam từ tháng 4 năm 2020 đến nay. Lực bán chủ yếu diễn ra trong giai đoạn cuối tháng trước áp lực tăng lãi suất của FED và lo ngại kinh tế thế giới suy thoái. Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 phá vỡ đáy tháng 6 và về về mức thấp ở tháng 11/2020. Tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất huy động theo sau động thái nâng lãi suất điều hành của NHNN và tỷ giá USD/VND vọt tăng là hai yếu tố chính gây khó cho TTCK trong tháng vừa qua.

Giá cổ phiếu đi xuống cùng với tâm lý thận trọng khiến thanh khoản thị trường sụt giảm trở lại so với tháng liền trước. Giá trị giao dịch qua kênh khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt 11,8 nghìn tỷ đồng, giảm 15,7% so với mức 14 nghìn tỷ đồng ở tháng 8.

Thanh Long

Theo VietnamFinance