Tincom Pháp Vân: Dự án 'họ hứa' của Công ty Thăng Long và 11 năm khách mỏi mắt đợi nhà

Đến 2016, dự án được đổi tên thành “Dragon Riverside Pháp Vân” quảng bá rầm rầm khắp nơi. Thế nhưng, tái thi công được khoảng 2 năm, dự án đã xây thô xong 25 tầng và tiếp tục “đắp chiếu” cho đến nay.

Công ty Thăng Long: Dự án nhiều tên 'họ hứa'

Dự án Dragon Riverside Tincom Pháp Vân do Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long (Công ty Thăng Long) làm chủ đầu tư, trước đây dự án có tên là Tincom Pháp Vân. Đây là một trong những dự án mang "họ hứa" khiến khách hàng vừa xót xa, vừa ngán ngẩm.

Tháng 10/2009, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long được UBND TP. Hà Nội trao quyết định làm chủ đầu tư triển khai xây dựng dự án với tên gọi Tincom Pháp Vân.

Tọa lạc trên khu đất rộng 56.440 m2 tại địa bàn xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội), Mặc dù chủ đầu tư tiến hành huy động vốn khách hàng từ năm 2010, thế nhưng đến nay dự án Dragon Riverside Tincom Pháp Vân vẫn chỉ là một "tòa nhà ma" án ngữ trên đất vàng phía Nam Hà Nội.

Sau khi được trao quyết định, chủ đầu tư đã tiến hành triển khai dự án. Rất nhanh chóng, nhiều khách hàng đã tìm đến dự án và thực hiện các hợp đồng góp vốn. Khi ấy, chủ đầu tư dự kiến sẽ bàn giao nhà vào năm 2014.

Thế nhưng, vì thi công chưa có giấy phép xây dựng, dự án đã bị đình chỉ. Đến cuối năm 2011, dự án Tincom Pháp Vân mới có giấy phép xây dựng. Đến tháng 11/2011, dự án vẫn chưa xong phần móng, chỉ là một đống ngổn ngang, hoen rỉ. Thời gian tái thi công chẳng được bao lâu thì đến đầu năm 2012 dự án rơi cảnh “đắp chiếu”. Trước tình cảnh này, nhiều khách hàng làm đơn đề nghị thoái vốn.

Đến năm 2016, dự án được đổi tên “Dragon Riverside Pháp Vân” quảng bá rầm rầm khắp nơi. Thế nhưng, tái thi công được khoảng 2 năm, dự án đã xây thô xong 25 tầng và tiếp tục “đắp chiếu” cho đến nay.

Tincom Pháp Vân: Dự án 'họ hứa' của Công ty Thăng Long và 11 năm khách mỏi mắt đợi nhà - Ảnh 1

Bài toán tài chính gặp khó khăn

Trong đơn kêu cứu gửi Diễn đàn Doanh nghiệp mới đây, anh L.Q.T (Hà Nội), một khách hàng mua nhà tại dự án Tincom Pháp Vân cho biết, vợ anh là chị D.P.L - nhân viên Công ty Thăng Long được suất đăng ký góp vốn mua nhà dự án theo "chính sách" của công ty.

Chủ đầu tư đã tiến hành triển khai dự án và kêu gọi khách hàng đặt cọc tiền mua căn hộ với chiêu bài cho Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý tài sản Thế hệ mới (Công ty Thế hệ mới) ký hợp đồng ủy thác đầu tư với khách hàng. Theo đó, khách hàng và hai đơn vị này đã thực hiện hợp đồng góp vốn, chủ đầu tư cũng hứa sẽ bàn giao nhà vào năm 2014.

Sau khi nhìn thấy thực trạng chậm tiến độ của dự án, mất niềm tin với chủ đầu tư, anh T làm đơn đề nghị rút vốn khỏi dự án. Tuy nhiên, chủ đầu tư này lại cho rằng, bởi lẽ hợp đồng góp vốn trên dựa trên chính sách tạo điều kiện về nhà ở cho cán bộ nhân viên, và quy chế tại công ty này cũng quy định CBNV không có quyền hủy ngang số tiền góp vốn và hợp đồng ủy thác đầu tư.

Do đó, mặc dù đã nhiều lần gửi yêu cầu thoái vốn nhưng đến nay anh T vẫn chỉ nhận được lý do trên kèm theo "không có nguồn tài chính để chi trả".

Đáng nói, theo đơn cầu cứu của anh L.Q.T, không chấp nhận hoàn vốn, dự án đã xây quá phần móng nhưng chủ đầu tư vẫn không đả động gì đến việc lập hợp đồng mua bán căn hộ cho khách hàng.

Trả lời báo chí trước đó, ông Thang Văn Lương - Chủ tịch HĐQT, Công ty Thăng Long thừa nhận nguyên nhân khiến Công ty chưa trả được tiền thoái vốn cho những khách này là do Công ty đang gặp khó khăn về tài chính.

Tuy nhiên, dù kêu khó khăn trong chi trả thoái vốn nhà đầu tư, nhưng cùng thời điểm đó Công ty Thăng Long lại cho ra mắt dự án Imperial Plaza 360 Giải Phóng. Đây là tổ hợp khu nhà ở cao cấp được xây dựng trên diện tích đất khoảng 3,6 ha. Một dự án khác - Hà Nội Paragon trên địa bàn Quận Cầu Giấy cũng đã chậm tiến độ 3 năm.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, theo quy định tại Khoản 1, Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản:

Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng”, thực tế, đối với các chủ đầu tư triển khai nhiều dự án với quy mô lớn cùng thời điểm, việc cấp bảo lãnh trong hạn mức tín dụng là không thể thực hiện được.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, theo Luật Đầu tư, chủ đầu tư phải ký quỹ để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, theo đó, việc hoàn thành đúng tiến độ xây dựng để bàn giao đã bao gồm trong nghĩa vụ này. Nay lại thêm yêu cầu về bảo lãnh khiến chủ đầu tư phải chịu quá nhiều nghĩa vụ chồng chéo và chi phí đầu tư tăng lên đáng kể…

Luật sư Lê Nết (Công ty Luật LNT và cộng sự) cho rằng, không phải bỗng nhiên Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định về nghĩa vụ phải thực hiện bảo lãnh ngân hàng với nhà ở hình thành trong tương lai vì đó là nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người mua nhà.

Còn quy định ký quỹ 3% để đảm bảo tiến độ dự án theo Luật Đầu tư chủ yếu là thực hiện nghĩa vụ với cơ quan quản lý nhà nước và là số tiền không nhiều so với tổng mức đầu tư một dự án.

 

Theo Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

 

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/tincom-phap-van-du-an-ho-hua-cua-cong-ty-thang-long-va-11-nam-khach-moi-mat-doi-nha-d74885.html