Tỉnh đông dân nhất Việt Nam sắp có 6 siêu dự án 16.000 tỷ: Mảnh đất 'vàng' cho phát triển công nghiệp
Trước khi có đề xuất phát triển 6 dự án phát triển công nghiệp, địa phương cũng là khu vực tập trung và thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Mảnh đất 'vàng' phát triển công nghiệp
Thanh Hoá là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ với diện tích tự nhiên hơn 11.000km2. Theo thống kê năm 2022, tỉnh này có dân số 3,72 triệu người, là tỉnh đông dân nhất Việt Nam. Với diện tích rộng lớn, giao thông tại địa phương những năm gần đây đang được đầu tư phát triển, nâng cấp và trở thành một trong những động lực quan trọng để địa phương đẩy mạnh phát triển công nghiệp.
Trong giai đoạn 2021-2025, khoảng 400.000 tỷ đồng đã được đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, đã thi công, đưa vào sử dụng một số dự án lớn, giúp kết nối các khu vực kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn. Đơn cử, năm 2022, Thanh Hóa đã hoàn thành dự án trọng điểm như Đại lộ Đông - Tây, thành phố Thanh Hóa; dự án nâng cấp Quốc lộ 15 đoạn Km53-Km109.
Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã đưa vào sử dụng dự án đường từ trung tâm thành phố Thanh Hóa nối với đường từ cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn. Bên cạnh đó, đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông qua địa phận tỉnh Thanh Hóa gồm 3 dự án thành phần là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu đã hoàn thành và đưa vào khai thác.
Đầu năm 2024, để kết nối khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn và Cảng hàng không Thọ Xuân cùng khu vực phía Tây Thanh Hóa, địa phường này đã khởi công Dự án đường nối cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1A đi cảng Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 1.345 tỷ đồng.
Với sự đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống hạ tầng giao thông, ngành công nghiệp của tỉnh cũng có những tín hiệu tích cực. Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2025, Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa đã cấp mới 86 dự án đầu tư trong nước và 22 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 22.773 tỷ đồng và 323 triệu USD. Các dự án có quy mô lớn phải kể đến như: Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn với tổng vốn đầu tư 5.500 tỷ đồng; hạ tầng Khu công nghiệp Đồng Vàng với tổng vốn đầu tư 1.099 tỷ đồng, nhà máy sản xuất vải Billion Union Việt Nam với tổng vốn 70 triệu USD;...
Lũy kế đến nay, Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 729 dự án, 491 dự án đi vào hoạt động.
Cùng với đó, công tác quản lý, phát triển các khu công nghiệp cũng được quan tâ. Từ năm 2021 đến nay, đã hoàn thành phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 đối với 15 phân khu công nghiệp tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa số 1, 3, 4, 5, 6, 9, 11, 12, 15, 16, 17, 19, 20, 21, 22 và 4 khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn, gồm: Khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hoá, Khu công nghiệp Phú Quý, huyện Hoằng Hóa, Khu công nghiệp Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống, Khu công nghiệp Giang Quang Thịnh, huyện Thiệu Hóa, làm cơ sở thu hút các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp.
Đến nay, tại Khu kinh tế Nghi Sơn có 4 khu công nghiệp đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng và đang đầu tư xây dựng, kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp. Bên ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn có 5 khu công nghiệp đã được thành lập, có nhà đầu tư hạ tầng.
6 dự án hạ tầng khu công nghiệp được đề xuất
Vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã có 6 dự án hạ tầng khu công nghiệp được các nhà đàu tư quan tâm đề xuất và hoàn thiện các hồ sơ đầu tư xây dựng.
Khu công nghiệp WHA Smart Technology do Tập đoàn WHA - Thái Lan đề xuất đầu tư. Dự án có triển khai trên địa phận huyện Hoằng Hóa với diện tích 178,5ha và tổng vốn đầu tư 1.320 tỷ đồng.
Cùng với đó, Khu công nghiệp WHA Smart Technology 2 - Thanh Hóa, thuộc một phần Khu công nghiệp Giang Quang Thịnh, huyện Thiệu Hóa do Tập đoàn WHA - Thái Lan đề xuất với diện tích 174,9ha, tổng vốn đầu tư 1.275 tỷ đồng, dự án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.
Khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hóa - giai đoạn 1 do Tập đoàn Sumitomo - Nhật Bản đề xuất, với diện tích 167ha, tổng vốn đầu tư 2.918 tỷ đồng, dự án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.
Khu công nghiệp số 19, thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn do Công ty Cổ phần đầu tư Khu công nghiệp Việt - Nhật Hợp Thành đề xuất, với diện tích 295ha, tổng vốn đầu tư 2.360 tỷ đồng, dự án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến thẩm định và yêu cầu Nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ dự án.
Khu công nghiệp số 17 thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn do Công ty cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn đề xuất, với diện tích 570,12ha, tổng vốn đầu tư 6.432 tỷ đồng, dự án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và đề nghị hoàn thiện hồ sơ.
Khu công nghiệp dược phẩm công nghệ cao Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 1, thuộc Khu công nghiệp số 20 - Khu kinh tế Nghi Sơn do Tổng Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát - CTCP, Công ty TNHH Sri Avantika Contractors và ông Ramesh Babu Potluri (Ấn Độ) đề xuất, với diện tích 142,2ha, tổng vốn đầu tư 1.470 tỷ đồng, dự án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến thẩm định.