Tỉnh miền núi chung 250km biên giới với Lào chi 630.000 tỷ mở rộng thành phố, khai thác sân bay đã đóng cửa hơn 20 năm
Dự kiến, kinh phí thực hiện chương trình phát triển đô thị của tỉnh miền núi Tây Bắc này đến năm 2030 là 63.355 tỷ đồng.
HĐND tỉnh Sơn La mới đây đã ban hành Nghị quyết số 315/NQ-HĐND ngày 17/4/2024 thông qua Chương trình phát triển đô thị thành phố Sơn La đến năm 2030.
Theo đó, chương trình dự kiến mở rộng địa giới hành chính thành phố Sơn La bao gồm 7 phường và 5 xã hiện trạng và khu vực mở rộng mở rộng thành phố gồm 4 xã (Chiềng Mung, Chiềng Ban, Hát Lót, Mường Bon) của huyện Mai Sơn, diện tích phần mở rộng về huyện Mai Sơn là khoảng 5.222ha (trừ diện tích khoảng 14,15ha của Trạm Ra đa 37 thuộc địa giới hành chính của xã Chiềng Mung huyện Mai Sơn do phần diện tích này dự kiến sẽ chuyển về địa giới hành chính của xã Mường Bon, huyện Mai Sơn).
Sau khi thực hiện mở rộng địa giới hành chính, tổng đơn vị hành chính thuộc thành phố dự kiến là 13 đơn vị gồm: 4 xã (Chiềng Xôm, Chiềng Ngần, Chiềng Cọ, Chiềng Đen); 7 phường hiện tại (Chiềng An, Tô Hiệu, Chiềng Lề, Quyết Tâm, Quyết Thắng, Chiềng Cơi, Chiềng Sinh) và phường Chiềng Sinh sáp nhập thêm một phần diện tích của xã Chiềng Ban cùng 2 phường mới (1 phường gồm toàn bộ hiện trạng xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn hiện nay và một phần của xã Hát Lót; 1 phường Hua La).
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, địa phương tập trung đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh đô thị với các khu vực nội thị hiện hữu; ưu tiên phát triển các hướng phía Đông Bắc, Tây Nam và hướng Nam, chủ yếu bám theo các tuyến giao thông đối ngoại chính (QL6, Sơn La - Hát Lót; cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La; QL279D ...).
Giai đoạn 2026-2030, tỉnh Sơn La phát triển theo hướng Nam, Đông Nam theo định hướng mở rộng đô thị thành phố theo đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2045 dọc theo tuyến đường Quốc lộ 6; tập trung hình thành đầu mối giao thông kết hợp với các hoạt động kinh tế phụ trợ tại khu vực Cảng hàng không Nà Sản.
Địa phương xác định các dự án trọng điểm ưu tiên dựa trên cơ sở đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2045. Cụ thể:
Giai đoạn đến năm 2025: Các dự án Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, phát triển đầu mối giao thông đường bộ tích hợp với phát triển cảng hàng không lưỡng dụng Nà Sản; xây dựng cụm Công nghiệp Hoàng Văn Thụ; mở rộng, hoàn thiện đầu nối tuyến đường đi khu công nghiệp Mai Sơn; nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết khu du lịch Hồ Tiền Phong; chỉnh trang mở rộng tuyến QL6 và phát triển các tuyến đường ngang; hình thành các trung tâm thương mại dịch vụ cấp xã; khai thác du lịch cộng đồng hồ bản Mòng cùng một số công trình nhà ở thương mại, công trình văn hóa, du lịch khác...
Giai đoạn 2026-2030: Thu hút đầu tư sân Golf 18 lỗ; khu du lịch hồ Tiền Phong; mở rộng Khu công nghiệp Chiềng Mung; phát triển trung tâm giao thương văn hóa vùng Tây Bắc; tuyến đường kết nối trục cảnh quan nối sân golf, trung tâm thương mại với các khu vực phát triển kinh doanh sản xuất trên Quốc lộ 6; kêu gọi thu hút đầu tư tuyến cao tốc Mộc Châu - Sơn La và đường dẫn đi vào trung tâm thành phố; tuyến đường tránh Quốc lộ 6 từ Chiềng Mung đi đường 4G; khai thác trở lại sân bay Nà Sản (sân bay đã tạm dừng hoạt động từ năm 2004)...
Dự kiến nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình phát triển đô thị thành phố Sơn La khoảng 63.355 tỷ đồng. Giai đoạn đến 2025, dự kiến chi khoảng 13.418 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách trung ương khoảng 1.093 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương khoảng 3.278 tỷ đồng, nguồn vốn hợp pháp khoảng 9.047 tỷ đồng.
Giai đoạn đến năm 2030 dự kiến chi khoảng 49.937 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách Trung ương khoảng 5.687 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương khoảng 17.058 tỷ đồng, nguồn vốn hợp pháp khoảng 27.192 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư của các dự án/nhóm dự án sẽ được tính toán và xác định cụ thể trong từng giai đoạn tùy vào khả năng huy động nguồn vốn.