Tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng sẽ có thành phố thứ 3 trước khi lên TP trực thuộc Trung ương
Trước khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong giai đoạn 2021-2030, địa phương này sẽ sắp xếp đơn vị hành chính và tập trung phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông, khu dân cư.
Theo quy hoạch tỉnh Hải Dương tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh phấn đấu đạt tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương, là động lực phát triển của Đồng bằng sông Hồng.
Trước khi tiến tới mục tiêu lớn này, trong giai đoạn 2021-2030, Hải Dương phấn đấu là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 9,5%/năm; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt trên 180 triệu đồng...
Cùng với đó, địa phương cũng sẽ thực hiện những thay đổi về hành chính, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng các khu kinh kế và khu công nghiệp.
Theo quy hoạch tỉnh Hải Dương, đến năm 2030, tỉnh tiến tới thành lập TP. Kinh Môn và cũng là thành phố thứ ba của tỉnh (sau TP. Hải Dương và TP. Chí Linh). Đơn vị hành chính của tỉnh sẽ có 28 đô thị với 14 đô thị hiện hữu, đồng thời thêm 14 đô thị gồm: Một đô thị loại I là TP. Hải Dương; một đô thị loại II là TP. Chí Linh; một đô thị loại III là thị xã Kinh Môn (dự kiến thành lập thành phố); 7 đô thị loại IV; 18 đô thị loại V trong đó có 4 đô thị hiện hữu, hai đô thị đã được công nhận mới, 12 đô thị nâng cấp trên cơ sở nâng cấp các xã nông thôn.
Về phương án phát triển khu chức năng, khu kinh tế, tỉnh sẽ phát triển khu kinh tế chuyên biệt tại trung tâm vùng công nghiệp động lực thuộc huyện Bình Giang và huyện Thanh Miện với quy mô dự kiến khoảng 5.300ha. Đến năm 2030, Hải Dương sẽ có 32 khu công nghiệp (trong đó 21 khu công nghiệp thành lập mới) và 61 cụm công nghiệp (trong đó có 3 cụm công nghiệp mới).
Về phương án phát triển mạng lưới giao thông, đến năm 2030, tỉnh Hải Dương sẽ quy hoạch mới 2 cao tốc, 9 đường tỉnh (ĐT) gồm: ĐT 394B; ĐT 397; ĐT 388 dự kiến (nối từ Quốc lộ 18 đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng); ĐT 398C dự kiến (đường từ cầu Đồng Việt đến đường tốc độ cao của Quảng Ninh); ĐT 388B dự kiến (đường trục Bắc Nam tuyến phía Bắc); ĐT 392D dự kiến (kết nối thị trấn Thanh Miện sang Quỳnh Lâm); ĐT 396D dự kiến (kết nối ĐT 392 đoạn chỉnh tuyến, huyện Ninh Giang) với ĐT 451 (tỉnh Thái Bình); ĐT 397B dự kiến (tuyến đường trục Đông Tây Kinh Môn kết nối ĐT 352); ĐT 399B dự kiến (đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng); đồng thời, điều chỉnh chiều dài 14 đường tỉnh hiện có.
Cùng với đường bộ, tỉnh Hải Dương cũng sẽ đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt khi thực hiện nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và tuyến đường sắt Kép - Hạ Long. Đến năm 2030, tỉnh xây dựng tuyến đường sắt mới gồm tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, tuyến Hà Nội - Hải Phòng thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; cải tạo, nâng cấp ga Cao Xá lên thành ga quốc tế.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021-2030, Hải Dương cũng sẽ phát triển mạng lưới cơ sở văn hoá du lịch, thể dục - thể thao với 15 dự án văn hoá, du lịch và 10 sân golf. Cùng với đó, địa phương cũng sẽ ưu tiên đầu tư nhiều khu đô thị, khu dân cư mới, đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.