Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng: Tỷ lệ doanh nghiệp trở lại sản xuất rất cao
Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, góp phần đưa số lượng doanh nghiệp trở lại hoạt động với tỷ lệ rất cao.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng – Tổ phó Thường trực Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 (Tổ công tác) vừa có báo cáo gửi Phó Thủ tưởng Chính phủ Lê Minh Khái (Tổ trưởng Tổ công tác) về kết quả công việc trong tháng 10/2021 và kế hoạch hoạt động cuối năm.
Theo đó, về kết quả việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân khôi phục hoạt động, sản xuất kinh doanh, Thường trực Tổ công tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã kiến nghị sớm ban hành hướng dẫn quy định tạm thời “thích ứng” để doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh; Quy trình xét nghiệm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh; Về giao nhận, vận tải trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
Trên cơ sở kiến nghị của Thường trực Tổ công tác, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Việc ban hành các chính sách, hướng dẫn linh hoạt này, có thể nói, đã tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp và địa phương khôi phục sản xuất – kinh doanh theo tình hình mới. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp và người lao động đã quay trở lại hoạt động sản xuất – kinh doanh, với tỷ lệ rất cao.
Chẳng hạn, tỉnh Đồng Nai có 1.656/1.713 doanh nghiệp đang hoạt động (đạt tỷ lệ 97%), với tổng số lao động đang làm việc là 525.136/615.358 người (đạt tỷ lệ 85%); các doanh nghiệp ở các hiệp hội như Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Vận tải… có tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại sản xuất trên 90%, tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc trên 70%…
Cùng với đó, báo cáo cho biết, trong thời gian qua, Tổ công tác đã chủ động rà soát, triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 105/NQ-CP. Theo đó, các bộ, ngành đã khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách quan trọng.
Chẳng hạn, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, trong đó bao gồm chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp… của Bộ Tài chính…
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hỗ trợ tín dụng giúp các hãng hàng không giải quyết thanh khoản, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới, hạ lãi suất…, đảm bảo nguồn lực để duy trì và phát triển.
Đơn cử, tại tỉnh Đồng Nai có 1.656/1.713 doanh nghiệp đang hoạt động (đạt tỷ lệ 97%), với tổng số lao động đang làm việc là 525.136/615.358 người (đạt tỷ lệ 85%); các doanh nghiệp ở các hiệp hội như Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Vận tải… có tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại sản xuất trên 90%, tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc trên 70%…
Về kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 105/NQ-CP, Tổ công tác đã chủ động rà soát, cùng các bộ, ngành đã khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành các văn bản như Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”…
Trong tháng 10/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận 17 đơn vị có kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động rà soát, phối hợp với các bộ, ngành để giải quyết các khó khăn vướng mắc khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Hiện nay, Tổ công tác đang tiếp tục chủ động làm việc, nắm bắt kịp thời và giải quyết các kiến nghị, khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị thành viên Tổ công tác đề xuất xây dựng kế hoạch hoạt động, kế hoạch kiểm tra trong những tháng cuối năm 2021, bảo đảm phù hợp với định hướng xây dựng, các nhiệm vụ, giải pháp dự kiến của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đang được hoàn thiện theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở các nhiệm vụ đã triển khai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Phó Thủ tướng xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về kế hoạch làm việc của Phó Thủ tướng với một số địa phương để kiểm tra tình hình hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh;
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan (thành viên Tổ công tác) tiếp tục chủ động rà soát, nghiên cứu xem xét giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, Tổ công tác cũng tiếp tục chủ động nắm bắt, tiếp nhận thông tin cũng như tổng hợp tình hình triển khai, kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021.