Doanh nghiệp "khóc ròng" vì cước vận tải và giá xăng dầu liên tục tăng phi mã

Chỉ còn 2 tháng nữa hết năm nhưng thách thức với các doanh nghiệp (DN) logistics, kể cả DN thương mại điện tử, sản xuất và xuất nhập khẩu tại Việt Nam rất lớn khi giá cước vận tải và giá xăng dầu liên tục tăng trong thời gian gần đây. Nhiều DN lo không trụ nổi qua đợt này.

Chia sẻ về những khó khăn trong hoạt động phân phối và giao hàng tới người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Tuyên - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ và đầu tư Tiến Đạt cho biết, đại dịch COVID-19 khiến DN chịu tác động nặng nề. DN đối mặt với 2 khó khăn mà trước đây chưa từng gặp phải khi nhập hàng từ nước ngoài về và bán hàng trong nước.

DN gặp khó khăn về chuỗi cung ứng gỗ từ Châu Âu và Châu Mỹ về Việt Nam. Trước đây, DN nhập gỗ từ nước ngoài về theo giá CIF Hải Phòng. Nhưng thời gian vừa qua, giá cước tăng gấp 4 - 5 lần, giá container chuyển về Việt Nam tăng cao nên đối tác không dám giao hàng CIF nữa mà giao theo giá FOB.

"Chúng tôi bị chậm trễ nhiều lô hàng, thậm chí không dám mua hàng vì giá cước quá đắt đỏ. Giá cước tăng chóng mặt, DN không biết thuyết phục đối tác như thế nào", ông Tuyên chia sẻ.

Trong khi đó, ở trong nước, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp với việc nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, cước phí tăng dẫn đến khách hàng phải chịu giá cao hơn bình thường.

DN chồng chất khó khăn khi giá cước vận tải và giá xăng dầu liên tục tăng.  
DN chồng chất khó khăn khi giá cước vận tải và giá xăng dầu liên tục tăng.  

Thêm vào đó, theo phản ánh của ông Tuyên, gần đây giá xăng, dầu tăng liên tục, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN khi các hãng vận tải đồng loạt công bố giá mới.

"DN rất sợ mỗi lần phía vận tải thông báo mức giá mới. DN xác định có thể bị lỗ vốn, nhưng vì mục tiêu lâu dài nên phải chấp nhận thua thiệt về mình. DN đứng trước áp lực lớn khí giá cước vận tải cao ngất ngưởng, cộng với giá xăng dầu liên tục trong thời gian gần đây", ông Tuyên nói.

Bà Võ Phương Lan - Trưởng Ban vận tải Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), CEO Công ty ASL cho biết, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, các DN vận tải chịu nhiều áp lực để duy trì hoạt động của DN và vận chuyển hàng hóa xuyên suốt.

Các DN vận tải đối diện lớn về bài toán chi phí tăng cao, đặc biệt là chi phí y tế để đảm bảo an toàn cho tài xế, cán bộ công nhân viên vận hành và điều động kho hàng.

Bên cạnh đó, rất nhiều hoạt động phòng, chống dịch cần nhiều giấy phép để được vận hành chuỗi cung ứng hàng hóa từ cảng về nhà máy, từ nhà cung cấp đến kho hàng và từ kho hàng giao hàng đến người tiêu dùng kịp thời. Dù là hàng nông sản, thực phẩm đông lạnh hay hàng thiết yếu, hàng thiết bị y tế cần thiết, hầu như các DN vận tải, các đơn vị logistics đều phải thực hiện "3 tại chỗ". Những DN quy mô lớn về nhân sự - thành viên của VLA đều phải hoạt động "3 tại chỗ".

Theo bà Lan, trong khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, suốt từ đầu năm đến nay giá dầu tăng liên tục tăng. Tháng 1, giá dầu trung bình ở mức 13.800 đồng/lít. Từ ngày 28/6 đến 26/10 giá dầu tăng 4 lần. Và hiện giá dầu ở mức 18.710 đồng/lít.

"2 tuần giá dầu tăng 1 một lần. Giá dầu tăng cao tác động rất lớn đến DN vận tải. Các DN vận tải liên tục phải gửi thông báo đến đối tác là các DN sản xuất để cùng nhau chia sẻ khó khăn. Kể cả DN thương mại điện tử (TMĐT) nổi tiếng ở Việt Nam như Lazada có đội xe vận tải và bên cạnh đó có các nhà cung cấp phục vụ thêm, không thể tăng giá sản phẩm vì lý do giá dầu tăng. Bởi trong đại dịch người dân khó khăn, toàn xã hội khó khăn, không thể bán hàng với giá tính cả giá thành vận chuyển. Do đó, DN khó càng thêm khó", CEO Công ty ASL nói.

Bà Lan chia sẻ, bên cạnh giá xăng dầu thì tình trạng giá cước tàu "còn khủng khiếp hơn". Theo đó, không chỉ các DN sản xuất mà các DN thương mại điện tử cũng chịu tác động lớn.

Các DN thương mại điện tử không chỉ bán hàng trong nước mà còn bán nhiều hàng nhập khẩu từ nước ngoài về. Và DN sản xuất của Việt Nam không chỉ bán trên sàn thương mại điện tử ở Việt Nam mà còn bán trên Amazon, Aibaba, cũng như phải ship hàng mẫu. Trong khi đó, các DN phải đối mặt với thực trạng giá cước tàu và hàng không đều cao ngất ngưởng.

"Không thể tưởng tượng được khi giá vận chuyển bằng máy bay 1 kg hàng hóa từ Việt Nam đi New York là 14 - 15 USD. Trước khi có dịch, mức giá này chỉ 3,5 - 4 USD. Giá cước 1 container hàng xuất khẩu từ Việt Nam đi Mỹ giá cước còn cao hơn giá trị tiền hàng. Điều này đồng nghĩa với cước phí hàng nhập về cũng tương đương như vậy", bà Lan nêu.

Bà Lan cho biết, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho DN, chẳng hạn chính sách lùi thời gian đóng phí hạ tầng cảng biển ở TP Hồ Chí Minh. Chính quyền đã đồng hành cùng DN xuất nhập khẩu, nên thay vì DN phải đóng phí hạ tầng cảng biển từ tháng 7/2021 đã được ngưng đến tháng 4/2022.

"Tuy nhiên, với những khó khăn hiện nay, rất nhiều DN sẽ không trụ nổi qua đợt này. Chỉ còn 2 tháng nữa hết năm nhưng thách thức lớn còn đó với DN logisitcs, kể cả DN thương mại điện tử, DN sản xuất và DN xuất nhập khẩu tại Việt Nam", bà Lan nhận định.

Trước thực trạng này, bà Lan cho rằng, tất cả các DN, kể cả DN logistics và các DN xuất khẩu, nhập khẩu và nhà sản xuất đều phải tính toán bài toán thay đổi toàn bộ về mô hình kinh doanh. Tùy theo nhìn nhận mỗi DN mà có tiếp cận cơ hội trong thách thức để phát triển. Tất cả các chủ DN phải thay đổi mô hình hoạt động để thích nghi với tình hình mới. Đặc biệt cần chú trọng chuyển đổi mô hình kinh doanh để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng và không gây hoang mang cho thị trường và không tác động lớn đến người tiêu dùng.

Nguyệt Minh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam