Toàn bộ quỹ đầu tư nội thành công trong 7 tháng đầu năm
Số liệu trong 7 tháng đầu năm cho thấy, toàn bộ quỹ đạt kết quả tích cực với mức tăng tốt hơn VN30-Index và VN-Index đều là quỹ nội.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán DNSE, lợi thế của các quỹ đầu tư nội là không chịu sự hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, quy mô danh mục ở mức vừa và nhỏ, không chịu sự hạn chế khi phân bổ vốn vào sàn HNX hoặc thị trường UPCoM. Kể từ đầu năm, sàn UPCoM chứng kiến nhiều cổ phiếu nổi sóng tăng phi mã, điển hình họ FPT, Viettel đóng góp khá lớn vào mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng của các quỹ.
Thống kê hiệu suất đầu tư sau 7 tháng đầu năm 2024 cho thấy, toàn bộ quỹ đạt kết quả tích cực với mức tăng tốt hơn VN30-Index và VN-Index là quỹ nội. SSI-SCA tạm dẫn đầu với tỷ suất 27,26%, gần gấp đôi mức tăng 14,82% của VN30-Index. Đây là quỹ mở có hiệu suất tốt nhất của SSIAM.
Kết quả này phát sinh từ việc SSI-SCA nắm giữ tỷ trọng lớn cổ phiếu có diễn biến tích cực kể từ đầu năm nay như FPT, MWG. So với các mã khác, tỷ trọng phân bổ vào FPT vượt trội với hơn 16%. Theo sau SSI-SCA là một quỹ thành viên khác do SSIAM quản lý là VLGF-SSIAM với tỷ suất lợi nhuận 24,04%.
Nhóm đạt tỷ suất trên 20% còn có BVPF. Danh mục đầu tư của BVPF tập trung vào các mã như FPT (13,12%), ACB (11,91%), QTP (8,48%). Ngoài ra, nhà quản lý quỹ này còn giữ một số cổ phiếu khác từ thị trường UPCoM như VGG, VEA, ND2.
Nhóm quỹ mở đạt hiệu suất cao hơn VN30-Index bao gồm các tổ chức thuộc quản lý của Dragon Capital, VinaCapital hay VCBF như DCDS (19,77%), VCBF-BCF (18,53%), VinaWealth Equity Opportunity (VEOF) (18,44%), VinaCapital VESAF (18,13%) hay VCBF-MGF (16,36%).
Công thức chung của những quỹ này là mua và giữ những nhóm cổ phiếu hút dòng tiền như công nghệ - viễn thông, bán lẻ, tiêu dùng không thiết yếu.
Xu hướng tương tự cũng dần lan tỏa sang những quỹ ngoại có quy mô vừa và lớn. FPT xuất hiện trong nhóm 10 khoản đầu tư lớn nhất của nhiều quỹ.
Song, một thực tế cho thấy quyết định của các cổ đông với mã dẫn đầu làng công nghệ Việt đang trái chiều. Một lượng lớn nhà đầu tư ngoại bán chốt lời khi giá cổ phiếu trên đỉnh lịch sử khi có lực cầu từ cả tổ chức trong, ngoài nước. Hệ quả là, tính đến ngày 15/8, cổ phiếu FPT đang “hở room” gần 4%, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua thêm 56,3 triệu cổ phiếu.
Vietnam Equity (UCITS) VEF và Vietnam Holding có tỷ suất lợi nhuận lần lượt là 12,46% và 14,48%. Với quy mô lớn hơn, KIM Vietnam Growth Fund và Pyn Elite Fund đạt kết quả là 11,35% và 13,14%.
Hiệu suất của 4 quỹ trên có phần nhỉnh hơn thị trường chung nhưng không quá cách biệt. Song, công bằng để nói rằng, trạng thái này đang vượt trội hơn so với số đông quỹ ngoại đang hoạt động trên thị trường.
Hai quỹ tỷ USD lớn nhất thị trường là VEIL do Dragon Capital quản lý và VOF thuộc VinaCapital có hiệu suất 7,27% và 8,74% sau 7 tháng. Những tổ chức có kết quả tương tự là Lumen Vietnam Fund, LionGlobal Vietnam Fund và Jih Sun Vietnam Opportunity Fund.
Trong nhóm quỹ ngoại, hai tổ chức có kết quả tồi tệ nhất là CTBC Vietnam Equity Fund do Dragon Capital quản lý và JPMorgan Vietnam Opportunities với mức hiệu suất 7 tháng là -0,63% và 1,53%. Việc phân bổ tỷ trọng lớn vào cổ phiếu bất động sản đã kéo tụt giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư.
Tình trạng này cũng xảy ra với ba quỹ đầu tư thuộc Quản lý quỹ Thiên Việt là TVGF3, TVGF4 và TVGF5 với tổng giá trị tài sản ròng gần 600 tỷ đồng. Hai quỹ TVGF3 và TVGF4 có hiệu suất -6,6% và -5,95% sau 7 tháng. Khả quan hơn, TVGF5 ghi nhận hiệu suất -4,42% sau 7 tháng. Đây là một dấu hiệu lạ trong ngành quản lý quỹ khi những năm trước đó, các quỹ thành viên của Thiên Việt thường có mức tăng trưởng dẫn đầu thị trường.