Nhà đầu tư mạnh tay rút tiền từ quỹ đầu tư trái phiếu
(CL&CS) - Kể từ khi nổ ra vụ việc trái phiếu liên quan đến Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, nhiều nhà đầu tư quay lưng khiến không ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu rất khó khăn trong việc huy động vốn để đảo nợ, bất kể là doanh nghiệp tốt hay xấu.
Thị trường rơi dần vào trạng thái tắc nghẽn thanh khoản
Theo đánh giá của chuyên gia, về tình hình thị trường tài chính trong thời gian gần đây, nhà đầu tư gần như đã quay lưng với trái phiếu. Họ nghi ngờ về chất lượng trái phiếu, bất kể là trái phiếu tốt hay xấu.
Do khủng hoảng niềm tin trong hệ thống dẫn đến khủng hoảng về thanh khoản, dẫn đến đứt gãy mạch máu lưu thông. Điều này rất rủi ro vì từ các đứt gãy của hệ thống tài chính sẽ truyền tải dần vào nền kinh tế thực là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Khi mọi kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp không còn hoạt động thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Nếu tình trạng này không được giải quyết, thì tiếp theo sẽ là làn sóng đóng cửa doanh nghiệp, sa thải lao động, tăng trưởng sản lượng sụt giảm, rủi ro đến toàn nền kinh tế.
Chuyên gia cũng cho rằng, hiện, tâm lý nhà đầu tư dao động, đẩy thị trường trái phiếu lao dốc. Trong kịch bản không mong đợi, nhiều quỹ đầu tư trái phiếu có thể mất thanh khoản do nhà đầu tư rút tiền ồ ạt, trong khi không thể bán tài sản để cân đối dòng tiền.
Sau khi liên tục tăng trưởng trong 3 năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang bị tác động bởi các thông tin liên quan đến Tân Hoàng Minh và công ty An Đông (nhóm Vạn Thịnh Phát) với hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu lưu hành trên thị trường. Thêm vào đó, hàng loạt cảnh báo của Bộ, ban ngành đưa ra khiến nhà đầu tư có cái nhìn thận trọng và cẩn thận hơn.
Theo quan sát, thị trường sơ cấp gần như rơi vào trạng thái “đóng băng” trong quý III, dự báo xu hướng tiếp tục ảm đạm đến năm 2023. Doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu do ít người mua.
Trạng thái tương tự, thị trường thứ cấp tắc nghẽn do không có lực cầu. Loạt lệnh bán được đưa ra trong khi vắng bóng người mua. Quan sát giao dịch trên thị trường thứ cấp thấy rằng hầu hết lệnh bán được đưa ra với mức giá thấp hơn thị giá 100.000 đồng/trái phiếu. Hầu hết các trái phiếu giao dịch dưới mệnh giá 4 - 5%, cộng thêm lợi tức 10 - 12% đồng nghĩa người bán đang chấp nhận mức chiết khấu 14 - 17%.
Đơn cử ghi nhận trong phiên 28/10, lô trái phiếu của một doanh nghiệp đang được người bán chấp nhận mức chiết khấu 16 - 17%. Nếu tiếp tục hạ giá bán trên thị trường thứ cấp để giải quyết thanh khoản, không ngoại trừ khả năng mức chiết khấu sẽ vượt ngưỡng 20% những phiên tới.
Tình trạng kẹt thanh khoản tiếp tục kéo dài, người bán tiếp tục phải hạ giá tìm kiếm người mua. Trạng thái này ảnh hưởng trực tiếp đến các quỹ mở trái phiếu trên thị trường, đây là nhóm đang chịu áp lực rút ròng.
Theo quy định các quỹ mở trái phiếu chỉ được đầu tư 10% vào các trái phiếu chưa niêm yết và 90% đầu tư vào trái phiếu niêm yết và các chứng chỉ tiền gửi. Ngoài ra các quỹ mở còn chịu sự giám sát chặt chẽ của ngân hàng giám sát để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, do tâm lý hoang mang và không thực sự hiểu về sản phẩm cũng như danh mục chi tiết mà Quỹ đang đầu tư, khách hàng bắt đầu thực hiện các lệnh bán chứng chỉ quỹ, lượng rút ngày càng nhiều lên.
Với xu hướng rút vốn ròng từ các quỹ trái phiếu, các quỹ trái phiếu trên thị trường sẽ phải thực hiện bán thanh lý các tài sản đầu tư trên danh mục của mình để đáp ứng thanh khoản cho khách hàng.
Như đề cập bên trên, trong điều kiện thị trường thứ cấp gần như “đóng băng”, khi các tổ chức đều đang bán ra tài sản với tổng giá trị lớn, lệnh bán trái phiếu rất khó thực hiện. Một số quỹ đã phải bán tài sản với mức giảm giá lớn, dẫn đến giảm giá trị NAV/CCQ.
Theo lời đại diện một quỹ tại cuộc họp thành viên VBMA, dòng tiền đang rút khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu. Hiện tượng “fund run” đang xuất hiện, các nhà đầu tư liên tục bán chứng chỉ quỹ. Lãnh đạo một quỹ cho biết trong 2 tuần gần đây các quỹ trái phiếu bị rút 2 - 3% tài sản ròng (NAV) mỗi ngày. Các quỹ liên tục bị rút ròng và trong tình huống xấu nhất, không loại trừ trường hợp có thể bị rút toàn bộ, mất thanh khoản.
Theo dữ liệu cập nhật mới nhất ngày 28/10 của quỹ trái phiếu lớn nhất thị trường TCBF - Techcom Capital, tổng tài sản ghi nhận mức giảm 16% từ đầu tháng 10, tương đương hơn 3.100 tỷ đồng, xuống còn gần 16.513 tỷ đồng.
Một số quỹ khác ghi nhận tổng tài sản giảm luỹ kế từ đầu tháng 10 từ 22 - 34% hoặc bị rút ròng 100 - 300 tỷ đồng mỗi tuần. Ước tính, tổng tài sản các quỹ đã giảm hơn 5.000 tỷ đồng trong tháng 10, tương đương mức giảm 20%.
85.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn quý IV
Trong báo cáo mới nhất về thị trường trái phiếu, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, 9 tháng đầu năm 2022 có 411 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 244.191 tỷ đồng (giảm 67,78% so với cùng kỳ). Ngoài ra, còn có 2 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế với giá trị 625 triệu USD.
Trong 9 tháng, ngân hàng và bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong lượng phát hành thành công với tỷ trọng 63% và 24%.
Theo dữ liệu chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp, trong 9 tháng, khối lượng trái phiếu mua trước hạn đạt 135.180 tỷ đồng. Lượng mua lại trái phiếu có xu hướng tăng cao kể từ tháng 6/2022.
VCBS ước tính, khối lượng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp quý IV/2022 sẽ đạt 85.000 tỷ đồng, trong đó tập trung ở nhóm các ngân hàng (chiếm 53,4%). Đứng đầu danh sách là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) với 15.400 tỷ đồng, theo sau là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng với 8.000 tỷ đồng. Tiếp đó sau là Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt với 4.000 tỷ đồng. Còn nhóm ngành bất động sản chiếm 27%.
Theo báo cáo về thị trường TPDN quý III/2022 của bộ phận nghiên cứu Công ty Chứng khoán VNDirect (VND Research) cho thấy tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong quý IV năm nay sẽ đạt mức hơn 58.800 tỉ đồng, tăng 87,7% so với cùng kỳ.
Trong đó, tỉ lệ TPDN đáo hạn của ngành bất động sản, tài chính ngân hàng và các ngành khác lần lượt là 34,1%, 32,9% và 33%. Con số này thống kê từ các đợt phát hành TPDN riêng lẻ từ năm 2019 tới nay và không bao gồm các doanh nghiệp phát hành đã thực hiện mua lại trái phiếu trước thời gian đáo hạn.
Mở lối cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Để tháo gỡ những khó khăn trên, hàng loạt các kiến nghị từ các quỹ trong trường hợp bị mất thanh khoản đã được đưa ra tại phiên họp VBMA. Đại diện quỹ Dragon Capital kiến nghị trong trường hợp xấu nhất Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ thanh khoản hoặc mua lại danh mục trái phiếu với lãi suất nhất định.
Bên cạnh đó, một số đại diện quỹ đề xuất NHNN nới room tín dụng, bố trí nguồn tín dụng cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, khơi thông dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng, hay đề xuất Chính phủ đầu tư vào TPDN củng cố niềm tin thị trường cũng được đưa ra.
Với những gì đang xảy ra, những đơn vị tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bị kẹp trong hai thế khó. Tâm lý thị trường vẫn chưa ổn định, những e ngại hiện hữu, trong khi kỳ vọng một dòng tiền mới từ các cơ quan Nhà nước khó khả thi do những chính sách chưa có tiền lệ.
Doanh nghiệp khó phát hành, còn các nhà đầu tư là cá nhân hay các quỹ (quỹ đầu tư, quỹ mở) đối mặt với áp lực về thanh khoản khi rất khó đến bán trái phiếu thời điểm này. Nếu tiếp tục hạ giá tài sản để thanh toán chứng chỉ quỹ cho nhà đầu tư sẽ dẫn tới phản ứng dây chuyền, kéo giảm NAV và giảm giá các tài sản – vốn dĩ được đánh giá tốt xuống thấp hơn.
Trong kịch bản không mong muốn, việc ồ ạt rút tiền có thể đẩy các quỹ vào tình trạng mất thanh khoản, cạn dòng tiền, và nhà đầu tư vô tình đang tự chuốc lấy những khoản lỗ không đáng có.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm TGĐ CTCP FiinGroup cho hay, đối với các doanh nghiệp có nguy cơ chậm trả lãi, gốc trái phiếu, hiện có 2 hướng xử lý, gồm mua lại trước hạn và tái cấu trúc kéo dài kỳ hạn trả lãi. Trong đó, doanh nghiệp sẽ phát hành trái phiếu mới để nhà đầu tư tiếp quản, các công ty chứng khoán (CTCK) có trách nhiệm mua lại hoặc kinh doanh kỳ hạn.
Tuy nhiên, việc muốn tất toán hoặc đáo hạn sớm có thể không khả thi tùy theo tình hình tài chính và khả năng của từng doanh nghiệp. CTCK thì không phải lúc nào cũng muốn và có thể giúp khách hàng mua lại bởi nguồn lực vốn của CTCK có hạn trong khi hầu hết hợp đồng phổ biến hiện nay là họ không có trách nhiệm mua lại.
Đây cũng là điều khiến các nhà đầu tư hoang mang, lo ngại dẫn đến mất niềm tin như thời điểm hiện nay. Nhiều nhà đầu tư chưa phải chuyên nghiệp và không có đủ thông tin dẫn đến sự hiểu biết sai lệch về thị trường trái phiếu.
Cùng với các vụ việc lãnh đạo các doanh nghiệp phát hành trái phiếu bị khởi tố tội danh lừa đảo, nhà đầu tư đồng loạt quay lưng lại với thị trường khiến thanh khoản kiệt quệ, doanh nghiệp dù tốt hay xấu cũng khó tiếp tục phát hành trái phiếu.
Chưa kể là với làn sóng lo ngại sẽ vướng vào các vấn đề pháp lý, doanh nghiệp trong cơn bĩ cực về thanh khoản chật vật xoay dòng tiền để mua lại trái phiếu trước hạn. Thế là từ một kênh dẫn vốn trung và dài hạn được đánh giá là tiềm năng, trái phiếu lại có nguy cơ trở thành "cơn ác mộng" với cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp.
Chủ tịch FiinGroup cho rằng, việc để nhà đầu tư và doanh nghiệp tự thoả thuận với nhau sẽ giải quyết được vấn đề của nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ quan quản lý và đặc biệt là tác động xã hội nếu có bộ phận nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia. Nhìn sang ngành tín dụng ngân hàng thì điều này cũng tương tự như việc tái cơ cấu nợ được thực hiện bởi các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đã thực hiện nhiều năm qua cho các khách hàng của họ.
Ông Thuân cũng cho biết, hiện tại Nghị định 65 đã yêu cầu xếp hạng tín nhiệm khi doanh nghiệp khi doanh nghiệp đạt ngưỡng về đòn bẩy tài chính nhất định. Tức là những doanh nghiệp có mức độ đòn bẩy tài chính cao thì sẽ phải xếp hạng tín nhiệm từ 1/1/2023, không chỉ với phát hành đại chúng mà còn cả với hình thức chào bán riêng lẻ. Các đơn vị xếp hạng tín nhiệm sẽ đánh giá độc lập và đưa ra khả năng trả lãi trong tương lai.
Đồng thời, việc xếp hạng tín nhiệm là cả quá trình, sau khi xếp hạng sẽ tiếp tục theo dõi để nâng/hạ hạng tín nhiệm để cập nhật cho nhà đầu tư, dự báo trong thời gian tới như thế nào,…Vì vậy, nhà đầu tư sẽ có nhiều thông tin cũng như cơ sở để đánh giá doanh nghiệp phát hành trái phiếu hơn.