Toàn cảnh khu đất xây nhà ga 19.000 tỷ - điểm bắt đầu của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Từ nay đến năm 2035, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện và hoàn thành 10 tuyến đường sắt đô thị. Trong đó, điểm quan trọng nhất là ga này.

Cuối tháng 3, Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo UBND TP công tác rà soát và định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Đến năm 2035, ga Ngọc Hồi sẽ là nhà ga lớn nhất Việt Nam, được TP. Hà Nội công bố quy hoạch chi tiết từ năm 2014 với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 19.000 tỷ.

Vị trí xây ga Ngọc Hồi. 
Vị trí xây ga Ngọc Hồi. 

Nhà ga này có chức năng chính là ga khách, ga hàng hóa, xí nghiệp tàu đô thị, xí nghiệp đầu máy, xí nghiệp toa xe khách, xí nghiệp duy tu bảo dưỡng hạ tầng đường sắt, trạm điện. Ga này cũng sẽ là điểm đầu/dừng của các tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt Quốc gia Hà Nội - TP. HCM

Còn ga Hà Nội sẽ được xây dựng theo hướng ga cao tầng và trở thành ga nội đô, có nhiệm vụ là nhà ga kết nối, trung chuyển khách cho các tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Ga Hà Nội sẽ được chuyển thành ga dành cho tuyến đường sắt nội đô. Ảnh minh hoạ.
Ga Hà Nội sẽ được chuyển thành ga dành cho tuyến đường sắt nội đô. Ảnh minh hoạ.

Tổ hợp Ga Ngọc Hồi có đầy đủ các chức năng hệ thống nhà ga đường sắt. Hiện nay, dự án Tổ hợp ga Ngọc Hồi đã triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng khoảng 1,3/1,7 km2 đất với tổng giá trị giải ngân gần 1.100 tỷ đồng.

Khu tổ hợp ga Ngọc Hồi sẽ thuộc địa giới hành chính các xã Vĩnh Quỳnh, Ngọc Hồi, Liên Ninh (huyện Thanh Trì) và xã Duyên Thái (huyện Thường Tín).

Phía Đông khu tổ hợp ga Ngọc Hồi giáp cụm công nghiệp Ngọc Hồi; phía Tây giáp khu phát triển đô thị; phía Bắc giáp đường Vành đai 3,5 (đường quy hoạch); phía Nam giáp đường Tả Thanh Oai - Đại Áng - Liên Ninh.

Hà Nội đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng cho ga Ngọc Hồi. Ảnh minh hoạ.
Hà Nội đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng cho ga Ngọc Hồi. Ảnh minh hoạ.

Theo quy hoạch, tổ hợp ga Ngọc Hồi sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 1,5km2 trên tổng diện tích 1,7km2 quy hoạch. Còn lại là diện tích làm đường sắt, đường bộ kết nối.

Trong diện tích được xây dựng khu tổ hợp, phần đất để xây dựng các khu chức năng khoảng 0,95km2 với các hạng mục chủ yếu như: Xây dựng các khu chức năng đơn vị quản lý tàu đô thị, đơn vị quản lý đầu máy, đơn vị quản lý toa xe hàng, một phần ga hàng, đơn vị bảo dưỡng cơ sở hạ tầng đường sắt đô thị.

Trong thời gian thực hiện dự án tổ hợp ga Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì), toàn bộ cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia như các ga Hà Nội, Giáp Bát sẽ được di dời tạm thời về ga Thường Tín. Nhà ga này cách ga Hà Nội khoảng 20km, nằm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Thiết kế quy hoạch của tổ hợp ga Ngọc Hồi.
Thiết kế quy hoạch của tổ hợp ga Ngọc Hồi.

Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, khu tổ hợp ga Ngọc Hồi sẽ là nơi dừng chân của các tuyến đường sắt quốc gia thông thường (đường sắt Bắc - Nam hiện có và đường sắt Vành đai phía Đông, phía Tây trong tương lai) và các tuyến đường sắt đô thị (Yên Viên - Ngọc Hồi; Nội Bài - Ngọc Hồi…). Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đang triển khai lập quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối Hà Nội (quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành), trong đó bao gồm tổ hợp ga Ngọc Hồi với chức năng tích hợp thêm vận tải đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Từ nay đến năm 2035, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện và hoàn thành 10 tuyến đường sắt đô thị, bao gồm: Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3), tuyến Ngọc Hồi - Yên Viên (tuyến số 1), Cát Linh - Hà Đông - Xuân Mai (tuyến số 2A); Nội Bài - Nam Thăng Long - Bờ Hồ (tuyến số 2); Mê Linh - Vĩnh Tuy - Thượng Đình (tuyến số 4); Văn Cao - Hòa Lạc (tuyến số 5); Nội Bài - Ngọc Hồi (tuyến số 6); Mê Linh - Nhổn - Dương Nội (tuyến số 7); Sơn Đồng - Mai Dịch - Lĩnh Nam (tuyến số 8); Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai (tuyến số 9), ga Hà Nội sẽ là ga vận chuyển, kết nối khách.

Ngọc Trà

Theo Chất lượng và cuộc sống