Cả nước quy hoạch 1.316 khu đất làm nhà ở xã hội nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra
Nhà ở xã hội được đầu tư với nhiều hình thức đa dạng từ các nguồn lực xã hội, như đầu tư phát triển mới các dự án nhà ở xã hội độc lập; dành diện tích đất, diện tích sàn nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội; nghiên cứu thí điểm xây dựng năm khu nhà ở xã hội tập trung với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ. Tuy nhiên, các chỉ tiêu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và cho học sinh, sinh viên đều chưa đạt so với mục tiêu kế hoạch đưa ra.
Vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611ha làm nhà ở xã hội, như vậy so với báo cáo năm 2020 (3.359ha) thì diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đến nay đã tăng thêm 5.252ha. Từ năm 2021 đến hết năm 2023, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn; trong đó, 72 dự án hoàn thành với quy mô 38.128 căn, đã khởi công xây dựng 129 dự án với quy mô 114.934 căn, 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 258.188 căn.
Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội so với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn thì chưa đạt được và còn một số tồn tại, khó khăn. Nhiều địa phương chưa có sẵn quỹ đất sạch để làm nhà ở xã hội. Vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhất là trong tiếp cận đất đai; nguồn vốn và khả năng tiếp cận tín dụng; thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà đầu tư, phê duyệt giá bán nhà…
Bên cạnh nhiều địa phương tích cực thu hút đầu tư, thúc đẩy xây nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết một số địa phương trọng điểm dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025.
Ví dụ, Hà Nội chỉ có 3 dự án với 1.700 căn, đáp ứng 9%; TP HCM có 7 dự án với gần 5.000 căn đáp, ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án với 2.750 căn, đáp ứng 43%...
Thậm chí, một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay (Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng...)
Theo đại diện của các địa phương, hiện nay vẫn còn một số khó khăn với các dự án nhà ở xã hội là thủ tục thực hiện cho dự án nhà ở xã hội (dự án có sử dụng đất) bị chi phối bởi nhiều luật làm mất nhiều thời gian, mỗi địa phương thực hiện mỗi cách khác nhau, chưa có nghị định thống nhất chung về trình tự thủ cho dự án nhà ở xã hội.
Thêm vào đó, thủ tục mua nhà ở xã hội qua nhiều khâu xác minh thẩm duyệt, đối tượng mua nhà phải chứng minh về nhà ở dưới 10m2/người, thu nhập bình quân gia đình dưới mức đóng thuế thu nhập cá nhân và một loạt các giấy tờ khác cần xác nhận để đạt các tiêu chí theo quy định… Hồ sơ mua nhà phải được xác minh tại địa phương và qua thẩm định đối tượng tại Sở Xây dựng.
Ngoài ra, do ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách chưa được đầu tư, do đó chưa được sự ưu đãi từ nguồn ngân sách của địa phương…
Cần tạo điều kiện để “cầu tiếp cận được cung”
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, việc tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án bất động sản đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Điển hình, Hà Nội hiện có 404 dự án; qua rà soát phân loại khó khăn, vướng mắc, đã giải quyết: đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai 81 dự án; 10 dự án đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động; 67 dự án tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Hà Nội đang tiếp tục triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 246 dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành.
Tương tự, TP HCM đã triển khai giải quyết theo thẩm quyền 33/72 dự án do tổ công tác yêu cầu; 44/148 dự án do Hiệp hội Bất động sản TP tổng hợp kiến nghị; đang tiếp tục triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 143 dự án…
Nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế đã được các luật mới như Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tháo gỡ. Tuy nhiên, các luật này chưa có hiệu lực thi hành, nên chưa giải quyết ngay khó khăn, vướng mắc hiện nay.
Về gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, theo đại diện các ngân hàng BIDV, Agribank, Vietinbank, UBND TP Hà Nội… đang gặp khó khăn trong giải ngân do khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án, giới hạn tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội…
Nói về các giải pháp gỡ vướng cho phát triển nhà ở xã hội tại hội nghị, ông Phạm Thiếu Hoa, chủ tịch HĐQT Vinhomes, cho rằng cần rút ngắn thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội, để thời gian làm các thủ tục xây nhà ở xã hội bằng hoặc ngắn hơn thời gian thực hiện thủ tục dự án nhà ở thương mại. Hiện các thủ tục như phê duyệt quy hoạch, tính tiền sử dụng đất với nhà ở xã hội còn lâu hơn với dự án nhà ở thương mại.
Để bảo đảm chất lượng xây dựng các dự án nhà ở xã hội, ông Hoa đề nghị Bộ Xây dựng xem xét lại suất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hiện nay đang thấp hơn 25% so với nhà ở thương mại.
Ông Trần Ngọc Anh, phó tổng giám đốc Viglacera cũng nêu ra nghịch lý trong phát triển nhà ở công nhân hiện nay là nhu cầu mua nhà của người dân khu vực quanh dự án vẫn có, nhưng hầu hết dự án đều vướng quy định chỉ công nhân làm việc trong khu công nghiệp mới được thuê, mua nhà. Ông Anh cho rằng, cần mở rộng đối tượng được mua nhà ở công nhân theo hướng quy định các đối tượng mua nhà ở xã hội thì được mua nhà ở công nhân.