Toàn cầu đồng loạt tăng, Việt Nam khó giảm lãi suất như mong đợi

Việt Nam mong muốn giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, điều này trở nên khó khăn trước áp lực lạm phát, tỷ giá cũng như làm sóng tăng lãi suất trên toàn cầu.

Khả năng giảm lãi suất ngày càng thu hẹp.
Khả năng giảm lãi suất ngày càng thu hẹp.

Trong báo cáo gửi đến Quốc hội trước ngày khai mạc kỳ họp tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Nguyên nhân là do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng CSTT, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh.

Tính chung cả năm 2021, thế giới có 113 lượt tăng lãi suất; Từ đầu năm 2022 đến nay, có tổng cộng 269 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu. Nhiều NHTW điều chỉnh tăng nhanh và mạnh lãi suất điều hành, như Fed (5 lượt lãi suất liên tiếp lên mức 3-3.250%), ECB (tăng 2 lượt với mức tăng 0,5% và 0,75%/năm), BoE, Canada, Hàn Quốc, Australia, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi; Chi-lê; Mê-xi-cô; Séc; Hungary; Ba-lan… để kiểm soát lạm phát. Trong khối ASEAN, Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái lan đã liên tục tăng lãi suất điều hành.

 Ở trong nước, lãi suất cho vay đã giảm ở mức thấp và đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại; lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng;. Trong khi đó,  tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng, gây sức ép lên lãi suất tiền VND. Đặc biệt, lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của CSTT, tài khóa nới lỏng từ năm 2020.

“Áp lực lạm phát có xu hướng tăng, lạm phát so với cùng kỳ tại thời điểm cuối năm 2022 dự kiến vượt 4% gây thách thức đối với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm 2023’, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận.

 Thừa nhận áp lực lên vốn tín dụng ngân hàng tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế cần vốn để phục hồi. Tuy nhiên, NHNN cũng cảnh báo, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính. Các tổ chức quốc tế (IMF, WB), tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đều cảnh báo về tỷ lệ này của Việt Nam.

Theo WB, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trên thế giới. Moody’s cảnh báo tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP và tỷ lệ tổng tài sản của ngân hàng trong nước/GDP đã tăng lên 124% và 17%-là mức cao nhất các quốc gia xếp hạng Ba và Baa, cảnh báo về rủi ro bất ổn vĩ mô.

Thực tế, Việt Nam đã có 1 thời gian dài duy trì mức lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Thậm chí, từ quý II/2022, khi các nước đã đồng loạt tăng lãi suất Việt Nam vẫn duy trì nền lãi suất thấp cho mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 8 tháng đầu năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng. Do chịu nhiều tác động tổng hợp từ diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước, mặt bằng lãi tiền gửi và lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đến cuối tháng 8/2022 có xu hướng tăng so với cuối năm 2021.

Trong bối cảnh xu hướng lạm phát quốc tế tiếp tục ở mức cao, trong nước tác động vòng 2 tăng áp lực lên lạm phát, Fed tăng lãi suất nhanh, mạnh và dự báo đạt mức 4,5-4,75% vào cuối năm 2023, để kiềm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN đã điều chỉnh tăng 1%/năm lãi suất điều hành; tăng 0,3-1% lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND tại TCTD.

Bên cạnh đó, Từ đầu năm 2022 đến nay, đặc biệt là từ giai đoạn tháng 3/2022, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực lớn từ những diễn biến phức tạp, khó lường trên thị trường quốc tế khi Fed đẩy mạnh lộ trình thắt CSTT, tăng lãi suất ở mức độ lớn với tần suất cao, đồng USD quốc tế có thời điểm tăng đến hơn 19%, Cân đối cung – cầu trên thị trường ngoại tệ trong nước khó khăn, hệ thống TCTD bán ròng ngoại tệ cho khách hàng.

Trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt hơn, hấp thụ cú sốc bên ngoài, vừa bán lượng lớn ngoại tệ can thiệp để bổ sung nguồn cung thanh khoản cho thị trường. Nhờ đó, 9 tháng đầu năm 2022, VND mất giá khoảng 4,8% so với USD, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.

Minh Sơn

Theo VietnamFinance