Top 10 sự kiện kinh doanh nổi bật nhất năm 2020
Năm 2020 là một năm thăng trầm từ kinh tế đến đời sống tinh thần, bên cạnh đó là những câu chuyện kinh doanh khởi nghiệp khốn đốn trên thương trường toàn Thế giới. Cùng điểm lại 10 sự kiện kinh doanh nổi bật nhất 2020.
- Nội chiến ở Coteccons và sự ra đi của “ông trùm” Nguyễn Bá Dương
Ngày 2 tháng 6 năm 2020 nhóm Kusto đã gửi thông cáo báo chí với những ngôn ngữ mở màn cho cuộc nội chiến ở Coteccons: “Chúng tôi không thể đặt niềm tin vào hội đồng quản trị và ban giám đốc hiện tại, đặt biệt là các thành viên chủ chốt gồm ông Nguyễn Bá Dương, ông Nguyễn Sỹ Công và ông Trần Quang Quân. Chúng tôi yêu cầu họ ngay lập tức từ chức khỏi tất cả các vị trí trong Coteccons”.
Vào lúc 21h, 5 tháng 10 năm 2020, HĐQT Coteccons công bố thông tin chấn động: Ông Nguyễn Bá Dương, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam có đơn từ chức vì lý do sức khỏe. Cùng lúc đó, 2 nghị quyết được ban hành: một đồng ý với đơn từ nhiệm của ông Dương, nghị quyết còn lại bổ nhiệm ông Bolat Duisenov, CEO Kusto Việt Nam làm chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật.
Như vậy, tính đến ngày 5 tháng 10 năm 2020, Kusto đã đạt được mong muốn của mình: 3 cái tên Nguyễn Bá Dương, chủ tịch; Nguyễn Sỹ Công, tổng giám đốc và Trần Quang Quân, phó tổng giám đốc đã lần lược rời khỏi Coteccons.
Cuộc lật đổ trong lớn nhất trong lịch sử ngành xây dựng Việt Nam có kết quả rõ ràng: Coteccons chính thức rơi vào tay ông chủ mới Kusto.
2. ‘Bê bối’ thâu tóm tại Saigon Co.op và cái kết không có hậu dành cho chủ tịch Diệp Dũng.
Ngày 16-12, Cơ quan công an TP. Hồ Chí Minh đã bắt ông Diệp Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Liên Hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co-op).
Đây được xem là kết cục cho những sai phạm trong việc huy động vốn tại Saigon Co-op dưới thời lãnh đạo của ông Dũng.
Theo Thanh tra TP. Hồ Chí Minh, Saigon Co.op, là tổ chức kinh tế, hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Ban chấp hành Đảng bộ Saigon Co.op là trực thuộc Thành ủy. Bí thư, chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, được Thành ủy giới thiệu để đại hội thành viên của Saigon Co.op bầu.
Tháng 8-2015, ông được bầu là chủ tịch HĐQT của Saigon Co.op.
Vốn của Saigon Co.op do Nhà nước hỗ trợ và vốn góp của HTX thành viên. Theo thanh tra TP. Hồ Chí Minh, đến cuối năm 2019, vốn hình thành từ lợi nhuận tích lũy (lợi nhuận không chia) của Saigon Co.op là gần 3200 tỉ đồng. Đầu năm 2020, Saigon Co.op quyết định tăng vốn điều lệ lên gần 6.800 tỉ đồng (tăng hơn gấp đôi). Tuy nhiên có nhiều dấu hiệu bất thường trong việc tăng vốn từ các HTX thành viên.
Kết luận của Thanh tra TP chỉ rõ việc tăng vốn điều lệ tại Saigon Co.op không đúng quy định pháp luật; có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung và tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung; có dấu hiệu phạm pháp hình sự.
3. Cơn sốt vàng đạt đỉnh 62 triệu đồng/lượng
Vàng thế giới tăng vọt vào ngày 6/8, chạm mức 2.070,05 USD/ounce do Covid-19 lây lan nhanh trên toàn cầu, các nền kinh tế rơi vào suy thoái, hàng loạt gói kích thích kinh tế được tung ra, lãi suất giảm sâu, đồng USD mất giá, các tài sản khác bị bán mạnh đã khiến nhà đầu tư đổ xô vào tài sản an toàn là vàng.
Ở trong nước, giá vàng cũng được điều chỉnh tăng rất mạnh những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8. Có nhiều ngày giá vàng tăng 1-2 triệu đồng/lượng và leo một mạch lên 62,4 triệu đồng/lượng vào trưa ngày 6/8.
Khi giá vàng lên cao, điều chỉnh liên tục, thị trường lại tái hiện cảnh “sốt” như từng thấy cách đây vài năm. Nhưng lần này, giá lên cao không còn hút người mua nữa vì người dân hầu hết đã nhận biết được rủi ro sau nhiều bài học cũ và các chuyên gia liên tục đưa ra cảnh báo, họ chuyển sang xếp hàng đi bán bởi không ít người đã nắm giữ vàng ở vùng giá dưới 40 triệu đồng/lượng trong thời gian dài.
Tại thời điểm giá vàng cao kỷ lục, so với đầu năm, mức lợi nhuận mà thị trường này mang lại cho người nắm giữ lên tới gần 45%, vượt xa các tài sản khác. Mặc dù sau đó giá vàng đã hạ nhiệt, nhưng tại thời điểm cuối năm 2020, giá vẫn cao hơn cuối năm 2019 tới 30%.
4. Đại gia ngoại chi 650 triệu USD mua 6% cổ phần Vinhomes
Một nhóm nhà đầu tư do quỹ đầu tư Kohlberg Kravis Roberts (KKR, Hoa Kỳ) đứng đầu, trong đó có quỹ đầu tư Temasek (Singapore) đã hoàn tất giao dịch mua lại hơn 200 triệu cổ phần VHM của CTCP Vinhomes thông qua giao dịch thỏa thuận, với giá trị giao dịch lên tới 15.100 tỷ đồng, tương đương 650 triệu USD.
Với tỷ lệ nắm giữ sau giao dịch là 6% cổ phần, nhóm nhà đầu tư ngoại này đã trở thành cổ đông lớn (nắm trên 5% vốn) của Vinhomes. Sau giao dịch này, Tập đoàn Vingroup vẫn nắm quyền chi phối tại Vinhomes với tỷ lệ nắm giữ gần 71% cổ phần. Bên cạnh Temasek, một quỹ đầu tư khác của Singapore là GIC cũng đang nắm giữ 5,85% vốn tại Vinhomes.
Vinhomes hiện là nhà phát triển bất động sản có quy mô tài sản lớn nhất trên thị trường. Năm 2019, công ty này ghi nhận 51.626 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 24.319 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tổng tài sản tại thời điểm 31/12/2019 của Vinhomes ghi nhận giá trị 197.241 tỷ đồng.
Trong khi đó, KKR và Temasek đều là những quỹ đầu tư hàng đầu trên thế giới và đã hiện diện tại Việt Nam thông qua những khoản đầu tư hàng trăm triệu USD.
5. Bancassurance: Những cú bắt tay nghìn tỷ
2020 có thể coi là năm bùng nổ các thương vụ hợp tác lớn có giá trị nghìn tỷ đồng giữa ngân hàng với doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài giá trị lớn, thời gian hợp tác độc quyền của thương vụ cũng được kéo dài tới trên 15 năm.
Gần đây nhất, VietinBank và Manulife Việt Nam đã ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác độc quyền 16 năm phân phối bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng. Trước đó, hồi cuối tháng 6/2020, Bloomberg cho biết thỏa thuận bancassurance giữa VietinBank và Manulife có thể được định giá vài trăm triệu USD, tương đương nhiều nghìn tỷ đồng.
Một thương vụ nghìn tỷ khác cũng được ký kết trong năm nay là Vietcombank hợp tác với FWD với thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối trong thời hạn 15 năm…
Hình thức hợp tác này không chỉ diễn ra tại nhóm ngân hàng TMCP nhà nước mà còn lan sang các ngân hàng TMCP tư nhân. Cụ thể, ngân hàng ACB đã ký hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Bảo hiểm Sun Life Việt Nam kéo dài 15 năm. Hợp tác sẽ bắt đầu được triển khai từ đầu năm 2021.
Trước đó, hàng loạt hợp đồng bancassurance độc quyền cũng đã diễn ra như Techcombank và Manulife Việt Nam (15 năm) ký năm 2017. Cùng năm, bảo hiểm AIA và VPBank ký thỏa thuận hợp tác phân phối độc quyền 15 năm; Dai-ichi Việt Nam ký hợp đồng độc quyền với SHB trong 15 năm…
Theo giới chuyên môn, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, nguồn thu từ bán bảo hiểm đã tăng trưởng ngoạn mục và trở thành nguồn thu quan trọng của các ngân hàng.
6. Hàng không và du lịch thua lỗ nặng nề vì Đại dịch Covid-19
Năm 2020, lĩnh vực hàng không và du lịch trải qua một năm khó khăn do tác động của dịch COVID – 19. Theo đó, chỉ riêng Vietnam Airlines đã lỗ trên 15.000 tỷ đồng. Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines cũng dự báo lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng.
Ngành du lịch cũng thiệt hại nặng nề với lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm gần 50%. Ước tính tổng thiệt hại của ngành du lịch lên đến 530.000 tỷ đồng.
7. Khởi công sân bay Long Thành
Sân bay Long Thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 109.000 tỷ đồng (4,6 tỷ USD) dự kiến khởi công những ngày cuối năm 2020 (hiện tại sân bay Long Thành đã chính thức khởi công gia đoạn 1 vào ngày 5/1/2021) sau 20 năm chuẩn bị. Sân bay Long Thành có mục tiêu trở thành cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia và là trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Dự án sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp; vốn ngân sách chi trả công tác giải ph Sốt đất ảo náo loạn thị trường.
8. Hàng trăm dự án nhà ở được gỡ vướng nhờ Nghị định 148
Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 148/2020 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Đây là nghị định mang tính “cách mạng”, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục, tạo điều kiện cho hàng trăm dự án nhà được tiếp tục triển khai.
Cụ thể, nghị định có cơ chế xử lý đối với các thửa đất do nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong các dự án đầu tư, dự án nhà ở; có cơ chế cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở và các dự án kinh doanh bất động sản không phải là dự án phát triển nhà ở.
Bên cạnh đó, nghị định cũng quy định chặt chẽ điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất; có cơ chế giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp do nhà nước quản lý tại các đô thị, điểm dân cư nông thôn…
9. Thị trường BĐS chịu cảnh “náo loạn” vì sốt đất ảo
Ngay từ đầu năm 2020, thị trường tiếp tục tái hiện một số nhóm đầu cơ lợi dụng thông tin về việc đầu tư phát triển dự án của các tập đoàn để đẩy giá, tạo sự hỗn loạn trong thị trường nhằm mục đích trục lợi.
Cụ thể, vào giữa tháng 2, sau khi xuất hiện thông tin UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chấp thuận cho Vingroup nghiên cứu làm dự án bất động sản hơn 800ha tại huyện Châu Đức thì khu vực này bắt đầu náo loạn khi hàng ngàn người kéo xuống đây mua bán đất suốt ngày đêm, bất kể đất trồng cây lâu năm hay đất ao cá cũng được mua.
Lợi dụng thông tin này, môi giới cùng nhau đẩy giá khiến giá đất tại Châu Đức tăng theo giờ khiến người mua không có thời gian để trả giá. Những giao dịch này chỉ thực hiện trên giấy tờ tay với nhau và có tính chất đầu cơ.
Khi chính quyền có những biện pháp mạnh tay, dựng bảng cảnh cáo tại các khu vực sốt đất, cò đất cũng tháo chạy sau khoảng 15 ngày làm dậy sóng “sốt đất” ở địa phương này.
Kịch bản tương tự cũng xảy ra tại Hà Nội, vào cuối tháng 3 vừa qua, cũng từ thông tin Vingroup sắp triển khai dự án, nhiều môi giới nhà đầu tư ùn ùn kéo nhau về khu vực xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất (gần khu công nghệ cao Hòa Lạc).
Dù mới chỉ là thông tin đề xuất của doanh nghiệp, dự án còn chưa nằm trên giấy, “cò đất” đua nhau thổi giá lên gấp 2, thậm chí là 3 lần. Đây là cơn “sốt” đất gây bất ngờ nhất trong mùa dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, khi thị trường bất động sản đang một màu ảm đạm tại tất cả các phân khúc, bao gồm cả đất nền.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, khi chính quyền và công an vào cuộc hàng loạt các cảnh báo được dán khắp nơi, UBND xã Đồng Trúc cũng thông báo hiện nay chưa có quy hoạch khu đô thị nào được duyệt tại xã Đồng Trúc giá đất lập tức lao dốc chóng mặt.
10. Làn sóng Forex bùng nổ ở Việt Nam
Làn sóng Forex ở Việt Nam đã không còn là con sóng ngầm, hoạt động chui lủi như trước (vì không phải kênh đầu tư hợp pháp) mà đã thành con sóng lớn, rầm rộ, thậm chí quy mô hoành tráng hòng dụ dỗ người dân tham gia bất chấp có nhiều khuyến cáo từ cơ quan quản lý, các chuyên gia và không ít các vụ án đã được đưa ra xét xử.
Trên các công cụ tìm kiếm như Google, chỉ cần gõ từ khóa Forex hoặc đầu tư Forex, tiền ảo là cho ra hàng chục triệu kết quả chỉ trong vòng chưa 30 – 40 giây. Trên các mạng xã hội, các hội nhóm đầu tư Forex có quy mô lên tới hàng nghìn cho tới hàng trăm nghìn thành viên, với những lời mời gọi từ các trưởng nhóm cam kết sinh lời vài phần trăm mỗi ngày hay “ngồi không cũng kiếm được vài trăm USD”.
Với tỷ lệ đòn bẩy (vay ký quỹ) rất cao, từ 20 cho tới 2.000 lần, tỷ suất sinh lời được các sàn môi giới quảng cáo là có thể tới 30-60% mỗi tháng và lấy đó để dụ các nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên, lợi nhuận cao cũng đi cùng rủi ro lớn, chỉ cần đầu tư sai, tài sản của nhà đầu tư có thế về số âm chỉ sau một vài giao dịch. Bên cạnh lãi, lỗ thì các sàn Forex còn dụ nhà đầu tư bằng số tiền hoa hồng được hưởng rất lớn nếu có thêm nhiều người tham gia.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, ngoài các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại hối, sản phẩm phái sinh… thì cho đến nay NHNN chưa cấp phép cho bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào khác kinh doanh sàn Forex. Do vậy các sàn giao dịch Forex đang hoạt động hiện nay là không đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Những cá nhân tham gia vào hoạt động này cũng chính là tiếp tay cho các hoạt động không chính thức hay các hoạt động vi phạm pháp luật của các tổ chức kinh doanh sàn Forex đó.