TP.HCM: Dự kiến đầu tư 5.544 tỷ đồng làm Nhà máy nước thải Bắc Sài Gòn 1

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có ý kiến chỉ đạo về đề xuất nghiên cứu dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 theo phương thức PPP. Nhà máy xử lý nước thải lưu vực Bắc Sài Gòn 1 có công suất 170.000m3/ngày sẽ được đầu tư dự kiến 5.544 tỷ đồng.

Trước đó, nhà máy này được đề xuất xây dựng theo hình thức xây dựng chuyển giao (BT) do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam đề xuất. Hiện tại, hình thức này không còn phù hợp theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức PPP năm 2020, nên lãnh đạo TP.HCM giao Sở KH&ĐT TP có văn bản trả lời doanh nghiệp.

Được biết, nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 là một trong những nhà máy xử lý nước thải trọng điểm của thành phố. Năm 2017, Sở Kế hoạch&Đầu tư TP.HCM có văn bản gửi Bộ Xây dựng về góp ý cho đề xuất dự án này.

Chủ tịch UBND TP giao Sở Xây dựng khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng, dự báo nhu cầu xử lý nước thải trên toàn địa bàn TP. (Ảnh minh họa).
Chủ tịch UBND TP giao Sở Xây dựng khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng, dự báo nhu cầu xử lý nước thải trên toàn địa bàn TP. (Ảnh minh họa).

Nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 là 1 trong 3 dự án Sở Xây dựng TP.HCM đã kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy nước thải cho thành phố, gồm nhà máy Tây Sài Gòn công suất 150.000m3/ngày; nhà máy Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000m3/ngày; nâng cấp, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (Nhà máy xử lý nước thải Bình Tân) công suất 180.000m3/ngày.

Trong đó, nhà máy Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000m3/ngày được đưa vào diện khẩn trương kêu gọi đầu tư. Nhà máy sẽ có công suất 170.000 m3/ngày và 3 trạm bơm, 1 hệ thống cống bao tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức (nay là TP. Thủ Đức). Tổng mức đầu tư dự kiến 5.544 tỷ đồng theo phương thức PPP để thu gom và xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt của TP. Thủ Đức.

Còn các nhà máy Tây Sài Gòn (công suất 150.000m3/ngày), Tân Hóa Lò Gốm (công suất 300.000m3/ngày), Bình Tân (công suất 180.000m3/ngày được gom thành 1 nhà máy tại Bình Hưng Hòa để đầu tư.

Hiện nay, TPHCM đang tổ chức lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và Quy hoạch chung TP Thủ Đức. Việc xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung phải phù hợp với nhu cầu thực tế và định hướng quy hoạch của TP.

Do đó, Chủ tịch UBND TP giao Sở Xây dựng khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng, dự báo nhu cầu xử lý nước thải trên toàn địa bàn TP theo tầm nhìn quy hoạch. Đồng thời, Sở Xây dựng đánh giá các nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động chưa hết công suất; tham mưu, đề xuất UBND TP giải pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc để nâng công suất các nhà máy này, tránh lãng phí.

Trên cơ sở các đồ án trên được phê duyệt, giao Sở KH&ĐT TP hướng dẫn Công ty Samsung Engineering Co, LTD, Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam và các nhà đầu tư khác về trình tự, thủ tục đề xuất đầu tư các dự án nhà máy xử lý nước thải tập trung trên địa bàn TP theo hình thức PPP theo đúng quy định.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và cuộc sống