TP.HCM muốn giữ nguyên hệ số giá đất: Ai được lợi?

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Học, khi hệ số K được giữ nguyên mà giá đất thực tế vẫn tăng thì chủ đầu tư các dự án bất động sản được lợi nhất.

Văn phòng UBND TP.HCM vừa thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hoà Bình liên quan đến các nội dung về phương án xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 trên địa bàn.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thống nhất với nội dung Liên Sở Tài chính – Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) theo tờ trình về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022.

Cụ thể, trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế -xã hội của Thành phố, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, nên việc điều chỉnh tăng cục bộ, một số khu vực dẫn đến sự so bì, khiếu nại của người sử dụng đất.

Từ góp ý của các sở ngành và địa phương, Liên Sở Tài chính – Sở TN-MT đề xuất giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 như năm 2021. 

UBND TP.HCM giao Liên Sở Tài chính – Sở TN-MT hoàn chỉnh hồ sơ trình và dự thảo tờ trình HĐND TP về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 trên địa bàn.

Bình luận về động thái TP.HCM muốn giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất, PGS.TS Nguyễn Quang Học, khoa Quản lý Đất đai, Học viện Nông nghiệp Việt Nam biết, hệ số điều chỉnh giá đất, còn gọi là hệ số K, là hệ số để xác định giá đất có tính phí sử dụng đất, tiền sử dụng đất được tính khi Nhà nước tiến hành giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép mục đích sử dụng đất hay cho thuê (trừ trường hợp giao đất thông qua hình thức đấu giá).

Hệ số K do UBND cấp tỉnh ban hành, được dùng để tính giá đất. Mỗi năm, hệ số này được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển thực tiễn ở địa phương. 

"Như vậy, về nguyên tắc, phương pháp định giá đất phải phù hợp với thị trường, mà đã là thị trường thì hệ số K phải được điều chỉnh hàng năm. Khi xảy ra trượt giá, mà hệ số K vẫn giữ nguyên thì ngân sách nhà nước thất thu", PGS.TS Nguyễn Quang Học nói. 

Lãnh đạo UBND TP.HCM thống nhất hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 giữ nguyên như năm 2021.  
Lãnh đạo UBND TP.HCM thống nhất hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 giữ nguyên như năm 2021.  

 PGS.TS Nguyễn Quang Học chỉ ra điều nghịch lý tại TP.HCM, đó là trong khi hệ số K ở TP.HCM được giữ nguyên thì giá đất ngoài thị trường vẫn tăng.

Ông dẫn chứng, trước đó, TP.HCM đã quyết định giữ nguyên hệ số K năm 2021 như năm 2020. Trong khi đó, so với năm 2020, giá đất tại TP.HCM năm 2021 vẫn tăng.

Cụ thể, theo thống kê của Sở Tài chính TP.HCM được báo chí dẫn lại, so với năm 2020, giá đất TP.HCM năm 2021 có tăng, tỷ lệ tăng cao nhất 14,3% ở khu vực 1 (các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận) và khu vực 5 có tỷ lệ tăng thấp nhất 7% (huyện Cần Giờ).

Theo nhận định tại thời điểm hồi tháng 3-4/2021 của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, sắp tới giá đất trên địa bàn TP.HCM còn tăng do TP xây dựng đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông. Bên cạnh đó, nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn kết nối các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng đang được đầu tư và hoàn thành.

Ngoài ra, giá bất động sản trên thị trường TP.HCM không giảm trong dịch Covid-19, thậm chí còn tăng ở nhiều phân khúc.

Thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý III/2021 được Bộ Xây dựng công bố cũng chỉ rõ, bất chấp dịch Covid-19, giá rao bán căn hộ chung cư tại TP.HCM tiếp tục tăng khoảng 2%.

Trong đó, căn hộ bình dân (có mức giá từ 25 triệu đồng/m2 - 30 triệu đồng/m2) tại TP.HCM như chung cư HQC Plaza, huyện Bình Chánh giá rao bán khoảng 23 triệu đồng/m2, dự án Citi Esto tại đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, quận 2 giá rao bán khoảng 30 triệu đồng/m2.

Đối với sản phẩm chủ đạo trên thị trường là căn hộ chung cư trung cấp (có mức giá khoảng 30 triệu đồng/m2 đến dưới 50 triệu đồng/m2), giá rao bán có mức tăng cao tại quận 5, TP Thủ Đức (TP.HCM).

Trong khi đó, đối với căn hộ cao cấp (có mức giá trên 50 triệu), tại TP.HCM, một số dự án có vị trí đặc biệt, trung tâm có mức giá quảng cáo, chào bán rất cao như: dự án Moonlight Centre Point ở số 9 đường Tên Lửa, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân có gía khoảng 250 triệu đồng/m2.

"Rõ ràng, nếu hệ số K giữ nguyên mà giá đất không thay đổi thì người dân được lợi, đằng này hệ số K giữ nguyên mà giá đất thực tế trên thị trường vẫn tăng thì ngân sách nhà nước thất thu, người dân chịu thiệt. Người được lợi nhất ở đây chính là ông chủ của các dự án bất động sản", PGS.TS Nguyễn Quang Học nêu rõ và đề nghị phải điều chỉnh hệ số K hàng năm theo biến động thị trường. 

Trước đó, ngày 12/11/2021, Liên Sở Tài chính và Sở TN-MT TP.HCM trình UBND TP về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 trên địa bàn Thành phố.

Liên Sở Tài chính – Sở TN-MT đưa ra hai phương án hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022. Một là giữ nguyên như năm 2021; hai là tăng 0,5 so với hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021.

Qua lấy ý kiến của các sở, ngành và địa phương, có 21 đơn vị chọn phương án 1.

Thành Luân

Theo Đất Việt