TP. HCM: “Nghẹt thở” tại các con đường “cõng” cao ốc chọc trời
Theo các chuyên gia về quy hoạch, các tòa nhà cao ốc “chọc trời” bủa vây từ đường lớn vào hẻm nhỏ khiến tình trạng ùn tắc giao thông ở trung tâm thành phố ngày càng nghiêm trọng. Điều này dẫn đến tình trạng hạ tầng quá tải, ùn tắc giao thông trong thành phố.
Các chuyên gia cũng cho biết, từ trước đến nay, vấn đề quản lý xây dựng cao ốc ở TP. Hồ Chí Minh còn lỏng lẻo, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng liên quan. Khảo sát thực tế cho thấy, hầu hết các tòa cao ốc ở TP. Hồ Chí Minh đều được xây dựng trong khu vực trung tâm như quận 1, quận 2, quận 3, quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh.
Tại tuyến đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) đoạn gần ngã tư Hàng Xanh có chi chít những tòa cao ốc trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn. Vào giờ đi làm buổi sáng hoặc giờ tan tầm buổi chiều, lượng người từ các tòa nhà này đổ ra đường rất đông, gây ra tình trạng kẹt xe, nhích từng chút một.
Tương tự, nhiều con đường nằm ở Quận 1 chỉ dài 2-3 km nhưng lại “cõng” trên mình hơn chục tòa nhà cao ốc, khiến các con đường “nghẹt thở” khắp mọi lối.
Ám ảnh ùn tắc tại Thủ Đức
Tương lai được kỳ vọng là thành phố có hạ tầng giao thông tốt nhất phía đông Sài Gòn. Tuy nhiên, kỳ vọng đó có lẽ còn khá lâu mới thành hiện thực, trong khi hàng ngày người dân Thủ Đức vẫn khốn khổ đối mặt với tình trạng kẹt xe ngày càng trầm trọng.
Nút giao ngã tư Thủ Đức, đường Đình Phong Phú - Lê Văn Việt đều phải chịu cảnh kẹt xe cả tiếng đồng hồ vào giờ cao điểm. Đoạn đường Lê Văn Việt được mở rộng ở khúc cuối nhưng đến đoạn giao với Đình Phong Phú thì tắc nghẽn. Nơi đây giống như “nút thắt cổ chai” do phương tiện đổ dồn về quá nhiều khiến cả đoạn đường luôn ngộp thở.
Tương tự, đường Đỗ Xuân Hợp đoạn giao với đường Tây Hòa, phường Phước Long B, cũng trở thành nỗi ám ảnh của người dân trong khi đây là tuyến đường độc đạo để người dân đi ra Xa lộ Hà Nội hướng về cầu Sài Gòn. Mặc dù cơ quan chức năng có lắp đèn tín hiệu và có lực lượng điều tiết giao thông. Tuy nhiên, ùn tắc vẫn không hề thuyên giảm.
Đoạn đường Nguyễn Xiển (phường Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức) mới sáng sớm xe ben, xe tải chạy ầm ầm. Cùng đó, xe buýt đưa đón học sinh ra vào dày đặc khiến tuyến đường lúc nào cũng chật cứng, quá tải.
Trên tuyến dày đặc các tòa nhà cao tầng và trường học, nhưng chỉ có một đường duy nhất lưu thông hai chiều, không có những tuyến xương cá chia sẻ lưu lượng. Trong khi đó, mặt đường chỉ đủ rộng cho 2 xe ô tô tránh nhau.
Theo Sở GTVT TP. HCM, để phát triển hạ tầng giao thông cho Thủ Đức, theo hướng đô thị thông minh trong 10 năm tới, TP. HCM dự kiến đầu tư 300.000 tỷ đồng.
Một chiến sỹ của đội CSGT TP thường xuyên trực chốt giao thông Đỗ Xuân Hợp - Tây Hòa cho biết: “Tại các tuyến trọng điểm, hàng ngày vẫn có lực lượng CSGT phân luồng, điều tiết nhưng cũng không xuể do lượng xe quá đông. Giải pháp lâu dài là sớm triển khai mở rộng đường ở những điểm nghẽn”.
Đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ thuộc Sở GTVT TP. HCM cho rằng, các dự án mở rộng một số tuyến đường như: Lê Văn Việt, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Xiển… dù đã có trong kế hoạch nâng cấp 10 năm nay nhưng chưa thực hiện được là do không bố trí được vốn, một số dự án khác lại vướng đền bù, giải tỏa mặt bằng.
Mới đây, UBND tỉnh TP. Hồ Chí Minh đã đồng ý với phương án siết quản lý xây dựng cao ốc. Theo đó, bắt đầu từ tháng 5/2022, những dự án cao ốc trong thành phố phải có đầy đủ điều kiện theo quy định mới được cấp phép xây dựng.
Cụ thể, chung cư, nhà thấp tầng, nhà nghỉ, khách sạn phải có 50.000m2 diện tích sàn tối thiểu; trường học, trung tâm thương mại, bệnh viện, siêu thị phải có từ 10.000 m2 diện tích sàn; văn phòng làm việc phải có diện tích sàn từ 15.000 m2,...
Ngoài ra, các dự án xây dựng cao ốc, trung tâm thương mại, chung cư... phải tính toán được nhu cầu đi lại phát sinh và có phương án kết nối giao thông. Và các dự án lớn hơn phải có đánh giá tác động giao thông từ khi lập quy hoạch dự án.
Những tòa cao ốc chọc trời
Đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh) là tuyến cửa ngõ phía đông TP. HCM, nối từ cầu Sài Gòn đến đường Tôn Đức Thắng (quận 1), dài khoảng 3 km đang phải gồng mình với 6 khu phức hợp bao gồm bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại và hơn 17.000 căn hộ chung cư. Con đường này trước đó thường xuyên ngập nước và kẹt xe nên TP phải chi gần 500 tỷ đồng nâng cấp.
HCM cũng mới khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 hơn 3.000 tỷ đồng để mở thêm hướng kết nối từ TP. Thủ Đức qua trung tâm thành phố, đồng thời giảm ùn tắc tại giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng. Nhưng ngay góc đường Nguyễn Hữu Cảnh và Tôn Đức Thắng, hàng loạt cao ốc hạng sang, đang được rao bán tới vài trăm triệu đồng một m2, tiếp tục đe dọa người dân lưu thông trong tình trạng ách tắc.
Đường Bến Vân Đồn (quận 4) dài 2km từ cầu Khánh Hội đến cầu Nguyễn Văn Cừ được cho là con đường lý tưởng nhưng hai năm gần đây, mọc lên nhiều cao ốc, chung cư hàng chục tầng kéo theo lượng phương tiện tăng nhanh đột biến khiến các cây cầu nối quận 4 với các quận đều trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây. Mỗi sáng cảnh kẹt xe nối cầu Khánh Hội với quận 1 là nỗi ám ảnh.
Đường Nguyễn Hữu Thọ - tuyến nối huyện Nhà Bè và quận 7 đến trung tâm TP. HCM dài khoảng 4km đang gánh hàng chục nghìn căn hộ chung cư. Do đó, con đường này luôn trong tình trạng dày đặc xe cộ, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Cũng trên đường Nguyễn Hữu Thọ - đoạn qua huyện Nhà Bè, số lượng dự án đã và đang được xây dựng ngày càng dày đặc dọc hai bên đường. Ước tính hai bên đường Nguyễn Hữu Thọ có hàng chục dự án với khoảng 100.000 căn hộ.
Trong khi đó, trên đường Phổ Quang, Hoàng Minh Giám thuộc quận Tân Bình và Phú Nhuận cũng có hàng chục cao ốc mọc lên khiến cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất trở nên ngột ngạt. Do khu vực công viên Gia Định có nhiều cao ốc nên đường Hoàng Minh Giám dù được mở rộng nhưng người dân vẫn khổ sở với kẹt xe trên tuyến đường này giờ cao điểm.