TP. HCM tạm tính đơn giá bồi thường dự án Vành đai 3 mức cao nhất hơn 40 triệu đồng/m2
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. HCM đã tham dự chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời tháng 9 diễn ra với chủ đề Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. HCM.
Tại chương trình, lãnh đạo các sở và Chủ tịch UBND TP. HCM, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức đã trả lời các câu hỏi quan tâm đến phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng của dự án Vành đai 3.
Dự án xây dựng đường Vành đai 3 đi qua địa bàn TP. HCM với chiều dài 47,51km, qua 4 địa phương là TP. Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh, ảnh hưởng tới 2.377 hộ dân.
Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự kiến là hơn 25.000 tỷ đồng. Dự kiến, dự án thi công trong 36 tháng và hoàn thành toàn bộ vào năm 2026.
Theo đại diện Sở Tài nguyên- Môi trường TP. HCM, tính đến nay, người dân ở 4 địa phương có đường Vành đai 3 đi qua đã đồng thuận để chính quyền xác lập hồ sơ trước đạt trên 65%, riêng Hóc Môn đã đạt hơn 95%.
Cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM sẽ giao ranh cắm mốc tại thực địa cho 4 địa phương để xác định chính xác tọa độ. Tháng 11/2022, báo cáo khả thi dự án cũng sẽ được phê duyệt. Đó là hai mốc thời gian quan trọng nhất để chính thức triển khai dự án bồi thường.
Theo đó, bắt đầu từ 1/12/2022, sẽ có thông báo thu hồi đất. Dự án đường Vành đai 3 thực hiện thông báo thu hồi đất chia thành hai loại là đất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Từ khi thông báo đến khi có quyết định thu hồi đất là 90 ngày.
Dự án này có hơn 90% là đất nông nghiệp. Đến tháng 4/2023, TP. HCM sẽ chi trả toàn bộ số tiền bồi thường đất nông nghiệp. Tháng 5/2023 sẽ bàn giao toàn bộ đất nông nghiệp cho nhà đầu tư.
Với đất ở, sẽ chi trả vào tháng 7/2023 và bố trí tái định cư, thu hồi mặt bằng từ tháng 8, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trước tháng 12/2023, để triển khai xây lắp vào đầu năm 2024.
Cũng theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP. HCM, ước tính đơn giá bồi thường nông nghiệp trồng cây lâu năm là từ 3,8-8,2 triệu đồng/m², đất nông nghiệp từ 3,2-6 triệu đồng/m², đất ở qua khảo sát là từ 18,7 triệu đồng đến hơn 40 triệu đồng/m² tùy vị trí.
Đáng chú ý, đơn giá bồi thường nêu trên chỉ là đơn giá tạm tính, khi triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ đề nghị đơn vị tư vấn thẩm định độc lập đơn giá đất cụ thể để trình Hội đồng thẩm định giá đất thành phố và UBND TP. HCM phê duyệt sát giá thị trường.
Về phương án tái định cư, trong 4 địa phương có đường Vành đai 3 đi qua, TP. Thủ Đức và huyện Bình Chánh đã đảm bảo đủ quỹ nhà tái định cư tại địa phương. Riêng Hóc Môn cần thêm hơn 60 nền tái định cư, Củ Chi cần hơn 65 nền. Lãnh đạo hai huyện này cũng đang phối hợp sở ngành làm thủ tục để được bố trí tái định cư tại chỗ (tái định cư tại cùng huyện).
Theo Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức, trên Trang thông tin đất đai TP. Thủ Đức (công bố ngày 29/8) sẽ cập nhật tiến độ bồi thường, công khai để người dân cùng giám sát. Đồng thời vận động kêu gọi thêm với chủ các khu đất chưa xác định được thông tin sẽ liên hệ với chính quyền. Từ đó hỗ trợ công tác lập phương án bồi thường.
Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi, một vấn đề khác là bất cập trong bố trí quỹ nhà tái định cư, như ý kiến chuyên gia nêu tại chương trình, là “vừa thừa vừa thiếu”, “đang ở Hóc Môn mà được tái định cư ở Bình Chánh, trong khi học hành, việc làm vẫn ở Hóc Môn”.
Do vậy, với dự án đường Vành đai 3 sắp tới, TP. HCM giữ nguyên tắc là bố trí tái định cư trên địa bàn. Việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 sẽ tạo ra một kiểu mẫu cho các dự án sau này. Ngoài việc bố trí nền tái định cư, TP. HCM chuẩn bị nhà ở xã hội để bán, cho thuê… giúp người dân có thêm lựa chọn.