TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển, nhiều DN ‘bỏ’ sang địa phương khác

Các doanh nghiệp bán buôn chuyển về đăng ký thủ tục ở các địa phương lân cận khi TP. HCM thu phí hạ tầng để đầu tư cho các cảng biển

Phát biểu tại Tọa đàm ‘Kinh tế TP.HCM: phục hồi và sẵn sàng sang kỷ nguyên mới’ vừa được tổ chức, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP. HCM cho biết, doanh thu bán lẻ tăng, nhưng bán buôn ở TP. HCM lại giảm, nguyên nhân là các doanh nghiệp bán buôn chuyển về đăng ký thủ tục ở các địa phương lân cận khi TP.HCM thu phí hạ tầng để đầu tư cho các cảng biển.

Ông Phương cũng 1 lần nữa nhắc lại thực trạng, hiện nay chi phí logistics ở TP. HCM đang rất cao so với Singapore, Bangkok

Đại diện nhóm ngiên cứu của  Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH), TS Hồ Hoàng Anh cho biết, kinh tế thành phố trong năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục đà hồi phục nhờ vào tăng trưởng của ngành dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Tuy nhiên, thành phố đang còn phải đối mặt với ba thách thức lớn trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng để bước sang một kỷ nguyên mới với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.

Cơ sở hạ tầng đóng vai trò then chốt thu hút đầu tư cho TP. HCM (ảnh minh họa)
Cơ sở hạ tầng đóng vai trò then chốt thu hút đầu tư cho TP. HCM (ảnh minh họa)

Đó là thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; thách thức về cơ sở hạ tầng.

Nhóm nghiên cứu đánh giá TP. HCM đang có lợi thế cạnh tranh và tiềm năng phát triển ngành dịch vụ nói chung, trong đó trụ cột là thương nghiệp bán buôn bán lẻ và logistics.

Việc tập trung phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cũng đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và phát triển cấu trúc nền tảng của một bộ máy sản xuất năng suất cao và một thành phố đáng sống. Tốc độ giải quyết thách thức về cơ sở hạ tầng sẽ góp phần quyết định tốc độ tăng trưởng của tành phố trong năm 2025 và đóng vai trò then chốt trong việc quyết định tốc độ tăng trưởng trong kỷ nguyên mới.

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Trợ lý Bí Thư Thành ủy TP. HCM, hạ tầng là yếu tố quyết định nhất để thu hút đầu tư cho TP. HCM. Nhưng nguồn lực đầu tư hạ tầng cho TP. HCM lại rất hạn chế, do tỷ lệ điều tiết ngân sách có sự thay đổi lớn qua từng giai đoạn. Nếu như năm 2000-2003 TP. HCM được để lại 33% ngân sách thì đến giai đoạn 2017-2021 chỉ còn 18%.

Cục trưởng Cục Thống kê TP. HCM Nguyễn Khắc Hoàng , tính ở giá trị mang lại thì 1% tăng trưởng của TP. HCM tương đương với 1,2% của Hà Nội, hơn 4% của Hải Phòng, 14,5% của Đà Nẵng, 17,3% của Cần Thơ.

Trần Lê

Theo VietnamFinance