TP. Thủ Đức chiếm tới 65% tổng lượng giao dịch nhà đất tại TP.HCM

Theo dự báo của các chuyên gia, xu hướng này sẽ tiếp diễn trong tương lai, đặc biệt ở những thị trường có nhiều quỹ đất màu mỡ như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu,..

Ở góc độ là chuyên gia quan sát thị trường, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE, cho rằng, hiện nay TP.HCM đang rơi vào tình trạng khan hiếm về nguồn cung và khó khăn về pháp lý nên các chủ đầu tư có sự dịch chuyển. Nơi nào có quỹ đất tốt, nhu cầu khách hàng cao, có khả năng bán hàng nhanh thì các doanh nghiệp sẽ đầu tư vào.

“Đây là bức tranh chúng ta thấy ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Phú Quốc, Lâm Đồng… Bản thân các chủ đầu tư đã chạy rất nhiều để tìm được quỹ đất trong bối cảnh thị trường TP.HCM đang khó khăn”, ông Kiệt nhận định.

TP. Thủ Đức chiếm tới 65% tổng lượng giao dịch nhà đất tại TP.HCM - Ảnh 1

Cũng theo ông Kiệt, TP.HCM vẫn còn tiềm năng phát triển bất động sản bởi nhu cầu nhà ở của người dân vẫn rất cao. Khi các yếu tố về pháp lý ở thị trường này được tháo gỡ, các nhà đầu tư sẽ tự động quay lại thị trường.

Còn theo quan điểm của TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam, tùy theo sản phẩm và chiến lược, doanh nghiệp tìm kiếm địa điểm có lợi thế về thủ tục, pháp lý làm nhanh nhất. Đó là lý do vì sao các doanh nghiệp địa ốc đi về các tỉnh để tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh.

TS. Khương chỉ ra một khó khăn điển hình, doanh nghiệp muốn làm dự án ở TP.HCM thì thời gian từ chấp thuận chủ trương đến ra được quy hoạch 1/500 phải mất từ 2 - 3 năm. Sau đó, doanh nghiệp phải mất thêm 6 tháng để xác định nghĩa vụ tài chính, thậm chí thời gian thực tế kéo dài hơn.

Tố Uyên

Theo Reatimes