TP Thủ Đức đề xuất hàng loạt cơ chế đặc thù

UBND TP Thủ Đức đã kiến nghị, đề xuất hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển địa phương này nhanh hơn, bền vững hơn.

UBND TP Thủ Đức đã kiến nghị, đề xuất hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển địa phương này nhanh hơn, bền vững hơn.

Ngày 27/3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã dẫn đầu đoàn công tác phê duyệt kế hoạch năm của TP Thủ Đức sau hơn 2 tháng thành lập.

Tại buổi làm việc, UBND TP Thủ Đức đã kiến nghị, đề xuất hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển địa phương này nhanh hơn, bền vững hơn.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực đất đai và bồi thường giải phóng mặt bằng, UBND TP Thủ Đức kiến nghị UBND TP.HCM đề xuất với Trung ương phân cấp cho UBND TP Thủ Đức được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án triển khai trên địa bàn TP Thủ Đức.

Theo UBND TP Thủ Đức, hiện nay, việc phê duyệt hệ số điều chỉnh đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do UBND TP.HCM phê duyệt trên cơ sở thẩm định của Sở Tài nguyên và Môi trường.

TP Thủ Đức đề xuất hàng loạt cơ chế đặc thù - Ảnh 1
Hạ tầng giao thông tại khu vực quận 2, quận 9, quận Thủ Đức cũ tiếp tục được tập trung đầu tư trong thời gian tới. Ảnh: SGGP

Cũng liên quan đến lĩnh vực này, UBND TP Thủ Đức cũng kiến nghị UBND TP.HCM phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức ban hành quyết định thu hồi đất của các tổ chức. Theo UBND TP Thủ Đức, hiện nay việc thu hồi đất của các tổ chức do UBND TP.HCM quyết định thời gian thực hiện chậm, kéo dài ảnh hưởng tới công tác giải phóng mặt bằng, nên đề xuất việc nói trên.

Đồng thời, kiến nghị ủy quyền, phân công cho TP thủ Đức quản lý, tự cân đối và sử dụng quỹ nhà, đất tái định cư phù hợp với điều kiện của địa phương.

Kiến nghị HĐND TP.HCM và UBND TP.HCM thống nhất ủy quyền cho HĐND và UBND TP Thủ Đức phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 và quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.

UBND TP Thủ Đức cũng đề xuất phân cấp cho địa phương được chủ động sử dụng 100% nguồn thu được từ bán đấu giá tài sản, trụ sở công sản dôi dư sau khi sắp xếp, do TP Thủ Đức quản lý dùng làm nguồn đầu tư phát triển hạ tầng. Đồng thời, kiến nghị phân cấp cho UBND TP.Thủ Đức được chủ động sử dụng 50% nguồn thu được từ bán đấu giá tài sản, trụ sở công sản do TP.HCM quản lý nằm trên địa bàn TP.Thủ Đức theo Nghị định 167/2017 và giao thẩm quyền cho địa phương chủ động triển khai các dự án từ nguồn thu này.

UBND TP Thủ Đức dự kiến dùng nguồn thu này dùng cho phát triển hạ tầng và thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tạo nguồn đất sạch để kêu gọi đầu tư dự án mới.

Qua rà soát, TP.Thủ Đức xác định có 29 địa chỉ nhà đất dôi dư, không có kế hoạch và nhu cầu sử dụng cho các công trình công cộng, phúc lợi xã hội do địa phương quản lý với tổng diện tích 21.520 m2. Nếu được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương, dự kiến năm 2023 sẽ hoàn tất công tác bán đầu giá quyền sử dụng đất với số tiền thu được khoảng 1.000 tỷ đồng.

Đối với một số nguồn thu thuộc thẩm quyền của Cục Thuế TP HCM và UBND TP HCM, UBND TP Thủ Đức mong muốn được giao quản lý thêm một số đối tượng có mức nộp thuế lớn như Đại học Quốc gia TP.HCM, Khu Công nghệ cao, các khu chế xuất, khu công nghiệp...

Trước đó, tại kỳ họp thứ 24, HĐND TP.HCM khóa IX đã giao chỉ tiêu dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021 cho TP Thủ Đức hơn 8.000 tỷ đồng, chi ngân sách địa phương là hơn 3.000 tỷ đồng; bổ sung từ ngân sách TP cho ngân sách TP Thủ Đức là gần 2.000 tỷ đồng.

HĐND TP chỉ đạo TP Thủ Đức trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương, quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền.

HĐND TP khóa IX đã thông qua nghị quyết về quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho TP Thủ Đức và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách trên địa bàn TP Thủ Đức năm 2021.

Minh Thái

Theo Đất Việt