TP trẻ nhất của tỉnh giàu nhất Việt Nam sắp đạt tỷ lệ đô thị hoá 98%
TP trẻ nhất của tỉnh Bình Dương được kỳ vọng sẽ cất cánh trong tương lai nhờ hành trang về quy hoạch cụ thể rõ ràng, loạt dự án BĐS hiện hữu được đầu tư bài bản, hiện đại.
Đô thị trẻ với tốc độ phát triển nhanh chóng
TP. Tân Uyên là một trong hai thành phố trẻ nhất của tỉnh Bình Dương, được thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 13/2/2023.
Thành phố này có diện tích tự nhiên 192km2 với mức dân số 466.053 người. Đến năm 2030, Tân Uyên đặt mục tiêu đạt tỷ lệ đô thị hóa 98%, trở thành đô thị loại II và phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại I với dân số dự kiến 700.000 người, trong đó dân số thành thị khoảng 683.000 người.
Hiện nay, TP. Tân Uyên có 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 10 phường (Hội Nghĩa, Khánh Bình, Phú Chánh, Tân Hiệp, Tân Phước Khánh, Tân Vĩnh Hiệp, Thái Hòa, Thạnh Phước, Uyên Hưng, Vĩnh Tân) và 2 xã (Bạch Đằng, Thạnh Hội). Đáng chú ý, hai xã Bạch Đằng và Thạnh Hội là các cù lao nằm trên sông Đồng Nai.
Mô hình trung tâm lan tỏa
Theo quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Tân Uyên sẽ phát triển theo mô hình đô thị trung tâm lan tỏa, với hạt nhân là khu đô thị tại phường Uyên Hưng.
Khu đô thị này sẽ phát triển trung tâm hành chính, dịch vụ - thương mại, tài chính - ngân hàng, văn hóa và giáo dục.
Khu vực phía Đông Nam, giáp sông Đồng Nai sẽ phát triển thành khu đô thị cảng và dịch vụ logistics, kết nối cảng Thạnh Phước với cảng Thái Hòa, phục vụ các khu công nghiệp của Bình Dương, TP. HCM và Đồng Nai.
Khu vực đối diện KCN Nam Tân Uyên và Nam Tân Uyên mở rộng dự kiến phát triển khu đô thị dịch vụ tích hợp đa chức năng với trung tâm đặt tại giao lộ đường Đại lộ Nam Tân Uyên và Đại lộ Uyên Hưng - Thủ Dầu Một.
Khu vực phía Tây Bắc sẽ hình thành khu đô thị dịch vụ - thương mại hỗ trợ các khu công nghiệp, trung tâm sẽ nằm tại giao lộ đường Vành đai 4 và ĐT 742.
Khu vực phía Đông Bắc có các khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng và VSIP III, đang trong quá trình đầu tư và hoàn thiện.
Khu vực phía Tây Nam sẽ phát triển thành khu đô thị mới kết hợp đầu mối giao thông vùng, với tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh đi qua và ga tổng hợp Bình Dương sẽ được xây dựng tại Phú Chánh.
Phát triển theo ba vùng - hai trục - một hành lang
TP. Tân Uyên được quy hoạch phát triển theo 3 vùng chính gồm:
Vùng 1: Đô thị trung tâm Tân Uyên trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội và thương mại của thành phố.
Vùng 2: Đô thị phía tây phát triển thành khu đô thị mới kết hợp đầu mối giao thông vùng, với sự lan tỏa từ Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương.
Vùng 3: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái, kết hợp các dịch vụ vận tải gắn với sông Đồng Nai, trong đó khu vực cảng Thạnh Phước kết nối với cảng Thái Hòa hình thành khu đô thị Cảng và dịch vụ logistics.
Hai trục phát triển gồm trục Bắc - Nam (Nam Tân Uyên phát triển thương mại, dịch vụ) và trục Đông - Tây (đường Vành đai 4 phát triển đô thị, thương mại dịch vụ).
Một hành lang sinh thái sẽ gắn với sông Đồng Nai, phát triển theo hướng nông nghiệp kết hợp du lịch nghiên cứu và du lịch sinh thái.
Phân bổ đất đai
Theo quy hoạch, tổng diện tích đất nông nghiệp là khoảng 8.401ha, trong khi đất phi nông nghiệp chiếm khoảng 10.774ha, bao gồm đất ở đô thị (2.120ha), đất ở nông thôn (164 ha), đất công nghiệp (1.951ha), cụm công nghiệp (252,13ha), đất thương mại dịch vụ (429ha) và đất quốc phòng, an ninh.
Đất dành cho các khu chức năng bao gồm: đất đô thị (20.416ha), khu sản xuất nông nghiệp (2.594,5ha), khu du lịch (277ha), khu phát triển công nghiệp (4.547ha), khu đô thị (2.863ha), khu thương mại dịch vụ (592ha) và khu dân cư nông thôn (180ha).
Sở hữu loạt dự án BĐS nổi bật
Dự án Green Valley City
Green Valley City có tổng diện tích gần 10ha, do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Sài Gòn Center làm chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Sài Gòn Land; đây là một trong những dự án lớn tại TP. Tân Uyên, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Dự án Tecco Felice Tower
Tecco Felice Tower có tổng diện tích 6.232m2, với một tháp cao 16 tầng, một tầng hầm, chiều cao 55,3m và quy mô dân số 1.500 người. Chủ đầu tư dự án này là Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản và Khách sạn Huyền Điệp.
Khu dân cư Sun Casa Central
Dự án này có tổng diện tích 30ha, được phát triển bởi Công ty Liên doanh TNHH Khu Công Nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), với mục tiêu phát triển một khu dân cư hiện đại, đáp ứng nhu cầu về nhà ở và các tiện ích cho người dân khu vực.
Khu dân cư Inco City
Dự án này có quy mô khoảng 2,2ha, do CTCP Kinh doanh Bất động sản Toàn Thắng làm chủ đầu tư. Khu dân cư Inco City hứa hẹn mang lại những sản phẩm nhà ở chất lượng cao cho cư dân TP. Tân Uyên.
Dự án Casa Mall
Casa Mall có diện tích 3,8ha, với sản phẩm chính là 201 căn nhà phố thương mại.
Chủ đầu tư của dự án là CTCP Đầu tư Bất động sản Minh An, tập trung phát triển các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thương mại kết hợp nhà ở tại khu vực.
The Standard Central Park
Với tổng diện tích quy hoạch khoảng 6,9ha, The Standard Central Park có vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng và dân số dự kiến là 1.500 người.
Chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Bất động sản Lê Gia, đơn vị phát triển là CTCP Đầu tư và phát triển Bất động sản An Gia.
Dự án khu nhà ở thương mại Đại Phát
Dự án này có diện tích quy hoạch khoảng 1,44ha, bao gồm 89 căn nhà phố thương mại. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Long Đại Phát, hứa hẹn mang đến không gian sống tiện nghi và hiện đại.
Khu dân cư City Land
Được quy hoạch trên tổng diện tích đất khoảng 51ha, khu dân cư City Land do Công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên phát triển; đây là một trong những dự án quy mô lớn tại TP. Tân Uyên, đóng góp vào sự phát triển hạ tầng đô thị của thành phố.
Khu đô thị New Times City
New Times City có tổng diện tích quy hoạch 18,5ha, do Công ty TNHH Hoàng Hùng làm chủ đầu tư; đây là khu đô thị được đầu tư bài bản, hướng tới việc cung cấp nhà ở chất lượng cao cho cư dân tại Tân Uyên và các khu vực lân cận.
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có cửa ngõ giao thương với TP. HCM.
Vài năm trở lại đây, Bình Dương luôn đứng trong top đầu cả nước về thu hút FDI. Với tốc độ các khu công nghiệp mọc lên như "vũ bão", Bình Dương được xem là "mảnh đất màu mỡ" được nhiều doanh nghiệp FDI quan tâm vào đầu tư vào logistics.
Theo như báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng như dựa vào các chỉ số GDP bình quân đầu người năm 2023 thì tỉnh Bình Dương là tỉnh giàu nhất Việt Nam với mức GDP bình quân đầu người đạt 113 triệu đồng/người/năm.