TPHCM: Giá thuê văn phòng sẽ tăng nhanh trong năm 2016
TNNĐ-Dự kiến các giao dịch thuê tại các tòa nhà văn phòng và trung tâm thương mại tương lai chưa đi vào hoạt động sẽ diễn ra rất sôi nổi trong thời gian tới.
Ít nguồn cung mới trong tương lai
Trong năm 2015, bên cạnh nền kinh tế phục hồi (tỷ lệ lạm phát thấp, GDP được cải thiện, tiêu dùng cao), việc Việt Nam tham gia TPP và FTA EU – Việt Nam đã thu hút một lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành BĐS. Dự báo, nhu cầu thuê văn phòng sẽ tăng mạnh do nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ đến và thành lập văn phòng trong năm 2016.
Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi được chính thức áp dụng vào ngày 01/7 cho phép các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cho thuê lại tài sản họ đang thuê, đồng thời cho phép mua lại và sở hữu các tòa nhà đã xây dựng để sử dụng. Đây có thể xem là cách để tiếp cận nguồn vốn thứ cấp, cho phép các chủ đầu tư dễ dàng tiếp cận hơn với các nguồn vốn đầu tư khác. Điều này có thể tạo điều kiện cho nhiều mặt bằng văn phòng được chào thuê lâu dài hoặc chào bán nhiều hơn.
Theo một báo cáo mới được công bố của CBRE Việt Nam, trong năm 2015, thị trường TP.HCM chào đón duy nhất một tòa nhà hạng A đi vào hoạt động là Vietcombank Tower. Tính đến năm 2018, thị trường sẽ có thêm 4 cao ốc văn phòng: Saigon M&C, Ngôi nhà Đức Deutsches Haus Hồ Chí Minh, Sài Gòn Centre (giai đoạn 2) và The One Hồ Chí Minh.
Theo số liệu nghiên cứu, diện tích thực thuê mới tại các tòa nhà mới đi vào hoạt động thường cao trong giai đoạn đầu, kéo tổng diện tích thực thuê mới trên toàn thị trường tại thời điểm đó tăng cao. Xu hướng này vẫn tiếp diễn trong năm 2015, diện tích thực thuê tăng mạnh khi thị trường chào đón thêm một nguồn cung mới.
Thị trường trong 3 năm tới dự kiến sẽ vẫn vận hành theo xu hướng này. Diện tích thực thuê mới trong năm 2016 sẽ rất thấp do không có nguồn cung mới nào đi vào hoạt động, đồng thời diện tích sàn còn trống trên thị trường cũng rất giới hạn. Diện tích thực thuê mới trong 2 năm 2017 - 2018 sẽ tăng trở lại khi một lượng đáng kể sàn văn phòng hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Chờ đón cuộc cạnh tranh về giá
Năm 2015 là năm thị trường điều chỉnh cung cầu. Thị trường văn phòng hạng A ghi nhận diện tích sàn thực thuê và mức cải thiện tỷ lệ trống khá tích cực. Nhóm khách hàng có nhu cầu thuê cao nhất trong năm 2015 thuộc lĩnh vực công nghệ/điện tử/ IT, sản xuất, ngân hàng/ tài chính/ bảo hiểm/, tư vấn và logistic/vận tải.
Trong 2016-2018, ngành công nghệ/điện tử/ IT dự kiến sẽ vẫn tăng trưởng mạnh nhất. Ngoài ra, ngành dịch vụ hậu cần cũng sẽ nổi lên. Việc phát triển thương mại theo sau hiệp định TPP, ngành thương mại điện tử phát triển mạnh và nhu cầu về khu công nghệ cao tăng mạnh dự kiến thúc đẩy phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần hoàn chỉnh tại Việt Nam.
Theo số liệu yêu cầu thuê mà CBRE nhận được trong 2015, các yêu cầu thuê cho mặt sàn dưới 500 m2 rất phổ biến. Các yêu cầu thuê mặt sàn lớn chủ yếu đến từ các công ty hợp nhất văn phòng. Do dự kiến các thương vụ sát nhập văn phòng sẽ ít diễn ra trong thời gian tới, các yêu cầu thuê sàn văn phòng vừa và nhỏ sẽ vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Khu trung tâm vẫn được ưa thích và nhu cầu đối với các mặt sàn từ 1.000 - 2.000 vẫn hiện hữu. Dự kiến các giao dịch thuê tại các tòa nhà tương lai chưa đi vào hoạt động sẽ diễn ra rất sôi nổi trong thời gian tới.
Giá thuê văn phòng dự báo tăng nhanh trong năm 2016 do nguồn cung ngày càng hạn chế và ít nguồn cung mới đi vào hoạt động. Đến cuối 2018, thị trường dự kiến sẽ có thêm 119.080 m2 sàn, với một phần đáng kể diện tích đã được thuê trước. Có thể nói, nguồn cung văn phòng sẽ bị thiếu hụt trong ngắn hạn. Chủ nhà sẽ có lợi thế hơn trong việc đàm phán, nhờ đó sẽ tự tin hơn để tăng giá. Giá thuê sẽ tiếp tục tăng nhưng với tốc dộ chậm hơn giai đoạn 2017 - 2018.
Đăng Khải
Theo Trí thức trẻ