TPHCM: Nhiều dự án bất động sản… “ăn cơm trước kẻng”
Trong khi Sở Xây dựng TPHCM mới công bố 18 dự án bất động sản đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai 2019 (tháng 8 - 10/2019) nhưng trước đó, tại nhiều dự án, các chủ đầu tư đã nghiễm nhiên bán sạch… “lúa non”.
Cụ thể, tại dự án chung cư Conic Riverside tại lô B, thuộc khu dân cư 13B, phường 7, quận 8 do Công ty cổ phần Xây dựng đầu tư và phát triển Lĩnh Phong - C.O.N.I.C làm chủ đầu tư, hiện nay, dự án này mới được Sở Xây dựng thông báo đủ điều kiện bán hàng, nhưng từ cuối năm 2018 dự án đã rầm rộ mở bán. Tại thời điểm mở bán bằng hình thức ký hợp đồng đặt cọc giữ chỗ, dự án mới chỉ mới ép cọc thử tải.
Tương tự, dự án khu căn hộ chung cư cao tầng Natural Poem (có tên thương mại là dự án Imperial Place) tại số 629 đường Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, chủ đầu tư là Công ty TNHH Lee&Co (Việt Nam), đã được rao bán từ giữa năm 2017.
Khi đó chủ đầu tư được công bố là Công ty cổ phần Tổ chức Nhà Quốc Gia (N.H.O JSC.). Dự án này được UBND TPHCM chấp thuận giao đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà xã hội.
Chưa hết, dự án nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ và văn phòng tại phường Thảo Điền, quận 2 do Công ty cổ phần Phát triển nhà G Homes làm chủ đầu tư với 339 căn nhà ở (333 căn hộ chung cư và 6 căn biệt thự) đến nay mới được cho phép mở bán, nhưng từ cuối năm 2018 những căn hộ tại đây đã được chủ đầu tư rao bán ra thị trường, với mức giá khoảng 3.300 USD/m2.
Theo các chuyên gia pháp lý, luật Kinh doanh Bất động sản qui định doanh nghiệp phải hoàn thành phần móng, phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng, đồng thời phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua mới được bán hàng.
Do đó, khi chưa thỏa mãn các yêu cầu được qui định tại luật này mà chủ đầu tư đã mở bán dự án là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có khả năng dẫn tới những rủi ro cho khách hàng.
“Gần như rất ít doanh nghiệp tuân thủ theo quy định này, hầu hết các dự án mới có quy hoạch 1/500 đã mở bán, thậm chí mới có sổ đỏ khu đất đã ký hợp đồng đặt cọc, huy động vốn từ khách hàng. Điều này là trái với quy định của pháp luật, có dấu hiệu “ăn cơm trước kẻng”, dễ gây hoang mang tâm lý cho các khách hàng nhất là khi thị trường bất động sản “nở rộ” các thương vụ có dấu hiệu lừa đảo như trong thời gian qua”, một chuyên gia pháp lý nhận định.
Theo Quế Sơn/ Dân trí