TPS giải trình về lô trái phiếu liên quan Bamboo Capital
ORS cho biết tới thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán, công ty vẫn chưa thu được khoản phí dịch vụ liên quan tới các lô trái phiếu của BCG Land, Gia Khang, Dịch vụ Helios và Tracodi.
Theo thông báo mới nhất của Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS, HoSE: ORS), công ty này đã giải trình các ý kiến ngoại trừ của kiếm toán trong báo cáo tài chính soát xét năm 2024.
Cụ thể, vào ngày 25/2/2025 và 20/3/2025, các lô trái phiếu BCLCH2124001, GKCCH2124001, GKCCH2124002, HISCH2124001 và TCDH2227002 phát hành bởi các công ty: Công ty cổ phần BCG Land, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Gia Khang, Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Helios, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Tracodi đã bị tạm ngừng giao dịch với tổng giá trị là 8.990 tỷ đồng.
Đây là các lô trái phiếu do TPS là đơn vị tư vấn, đại lý phát hành, đại lý đăng ký lưu ký, thanh toán và quản lý chuyển nhượng và đại diện người sở hữu trái phiếu. Tại ngày 31/12/2024, công ty có khoản phí địch vụ phải thu liên quan tới các trái phiếu này là hơn 28 tỷ đồng.

“Dựa trên các thông tin hiện tại, chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về khả năng thu hồi của khoản phải thu nói trên. Do đó, chúng tôi không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này hay không và các khoản mục có liên quan trong báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2024", ý kiến của kiểm toán nêu rõ.
Giải trình về ý kiến này, ORS cho biết tới thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán, công ty vẫn chưa thu được khoản phí dịch vụ này và đang tích cực làm việc với BCG Land, Gia Khang, Dịch vụ Helios và Tracodi để thu hồi công nợ nêu trên.
Cũng theo báo cáo tài chính soát xét năm 2024, ORS ghi nhận doanh thu giảm 27,9% so với năm 2023, đạt hơn 2.105 tỷ đồng. Mặt khác, các khoản chi phí giảm mạnh ở mức 38,4%, giúp lợi nhuận sau thuế của công ty chứng khoán tăng mạnh 66%, thu về 379 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của ORS.
Tại thời điểm 31/12/2024, quy mô tài sản của TPS đạt 11.198 tỷ đồng, tăng 62% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, hơn nửa đang nằm ở các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM).
Trong danh mục đầu tư, ORS đang rót hơn 547 tỷ đồng vào các cổ phiếu niêm yết, bao gồm HPG (119 tỷ đồng), VHC (105 tỷ đồng), BCG (93 tỷ đồng), NLG (79 tỷ đồng), PNJ (52 tỷ đồng),…
Đáng chú ý, ORS cho biết tính đến ngày lập báo cáo (04/04/2025) đã bán toàn bộ cổ phiếu của BCG, thu về 20 tỷ đồng và cổ phiếu TCD thu về 2 tỷ đồng, lần lượt ghi nhận mức lỗ 32% và 30% so với đầu năm; tổng cộng thu về 22 tỷ đồng với mức lỗ gần 32%. Riêng đối với trái phiếu, hiện chưa thể ước tính được mức độ ảnh hưởng do các lô này đang bị tạm ngừng giao dịch và không có giá tham chiếu.
Trong một diễn biến mới đây, ORS đã lùi lịch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, từ ngày 9/4 rời sang ngày 27/6, tương đương thời gian tạm hoãn là 2 tháng. Địa điểm tổ chức sẽ được thông báo cụ thể sau, dự kiến cũng được tổ chức tại trụ sở chính của Công ty tại Tầng 7, tòa nhà Doji, số 81-83-85 Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP. HCM.
Kể từ khi có những tin tức về việc ngưng giao dịch với một số lô cổ phiếu do công ty chứng khoán này làm đơn vị tư vấn, đại lý phát hành, đại lý đăng ký lưu ký,… cổ phiếu ORS đã liên tục lao dốc với nhiều phiên giảm sàn. Tính riêng trong 1 tháng, ORS đã bị thổi bay 49% giá trị, thị giá gần như chia đôi từ vùng 14.000 đồng/cổ phiếu còn 7.240 đồng/cổ phiếu.
Cuối tháng 3/2025, ông Đỗ Anh Tú đã có đơn từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT ORS, đồng thời từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).