Trái phiếu có vấn đề nằm ở việc kiểm soát lỏng lẻo nhà phát hành

"Tất cả trái phiếu đang có vấn đề đều xuất phát từ việc chúng ta không kiểm soát tốt việc phát hành", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định và cho hay việc chấn chỉnh thị trường có thể tác động tới tâm lý nhưng "không thể không làm".

Trái phiếu có vấn đề nằm ở việc kiểm soát lỏng lẻo nhà phát hành - Ảnh 1

Chấn chỉnh quyết liệt những lỗ hổng trong phát hành trái phiếu

Mới đây, sau sự việc nhiều người đồng loạt cầu cứu Ban lãnh đạo thành phố liên quan đến mua bán trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh kiểm tra việc phát hành trái phiếu, không để ngân hàng tự do cùng các nhà đầu tư, các trái chủ phát hành một cách không kiểm soát.

“Phải thanh tra kiểm tra phát hiện vấn đề, khi có vấn đề không bình thường là phải can thiệp bằng công cụ nhà nước. Tất cả trái phiếu đang có vấn đề đều xuất phát từ việc chúng ta không kiểm soát tốt việc phát hành”, Thủ tướng nhận định và xác định 2 cơ quan chịu trách nhiệm chính là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu đề cao nhiệm vụ quản lý nhà nước, các cơ quan ban ngành phải ra sức kiểm tra hoạt động ngân hàng, kiểm soát dòng tiền có đang đi theo hướng lành mạnh hay không. Luôn quyết liệt sử dụng các công cụ thanh tra thường xuyên và đề xuất thiết kế các công cụ bổ sung nhằm diệt tận gốc “mối mọt” tiềm ẩn bấy lâu trong thị trường tài chính.

Cùng với chủ trương đó, Chính phủ đã lập 3 tổ công tác để xử lý những vấn đề nội tại của tiền tệ, vốn, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Các tổ công tác này do Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc làm tổ trưởng.

Loạt sai phạm của các doanh nghiệp liên quan đến phát hành trái phiếu đã và đang bị xử lý, dẫn đến tâm lý lo lắng và đua nhau rút tiền của các nhà đầu tư, khiến doanh nghiệp đi vay gặp khó khăn.

Hoạt động phát hành trái phiếu sau quý III giảm cả số đợt phát hành lẫn quy mô. Tháng 10 hoàn toàn vắng bóng 2 nhóm phát hành chủ lực là bất động sản và tổ chức tín dụng và chỉ ghi nhận một đợt phát hành riêng lẻ nội địa.

Tại cuộc họp với 39 công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành trái phiếu ngày 23/11, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói doanh nghiệp khó thanh khoản phải bán tài sản để trả nợ trái phiếu chứ không để nhà đầu tư mất niềm tin

Về lĩnh vực ngân hàng, TP.HCM kiến nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt ổn định tình hình sau vụ việc của Ngân hàng SCB, nhất là hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần thông tin đầy đủ để người mua trái phiếu an tâm hơn.

Gọi đúng tên trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 2020 – 2022

Người mua trái phiếu đồng loạt cầu cứu
Người mua trái phiếu đồng loạt cầu cứu

Trước đây, các doanh nghiệp bất động sản chủ yếu sử dụng nguồn vốn từ việc vay ngân hàng để làm dự án và phục vụ cho các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, sau thời gian này, tín dụng cấp cho thị trường địa ốc dần bị kiểm soát chặt chẽ hơn nên trái phiếu doanh nghiệp chính là “cứu cánh” cho không ít doanh nghiệp để kêu gọi vốn.

Theo đánh giá của TS. Đinh Thế Hiển, quy mô và lãi suất TPDN Việt Nam giai đoạn 2019-2020 ở mức hợp lý. Trong đó, lãi suất vào khoảng 8,5%, vẫn đảm bảo nằm ở giữa ngưỡng lãi suất cho vay 9-10% và lãi suất huy động 6%. Giả sử lãi suất cho vay của ngân hàng là 10% thì lãi suất TPDN rủi ro có kiểm soát khoảng 14%. Trên mức lãi suất này là trái phiếu may rủi. Do vậy, trái phiếu an toàn tại Việt Nam nên có lãi suất tối đa 14%.

Đến giai đoạn 2020-2022, thị trường xuất hiện nhiều công ty phát hành TPDN có lãi suất cao, vượt qua lãi suất cho vay ngân hàng, bắt đầu đi vào khung trái phiếu có rủi ro và rủi ro cao. Đây cũng là giai đoạn nợ trên vốn của doanh nghiệp ở mức cao, ghi nhận con số 1,5. Tăng trưởng tín dụng tăng nhanh hơn GDP trong 5 năm gần đây

Theo các theo chuyên gia, các công ty bất động sản thâm dụng vốn rất lớn. 7 đồng vốn mới tạo ra được 1 đồng doanh thu. Lý do duy là doanh nghiệp bán không được hàng, dù thông tin trên thị trường đều phản ánh nhu cầu nhà ở rất lớn.

Trong khi đó, TPDN hiện nay tập trung ở định chế tài chính là ngân hàng và công ty bất động sản (bao gồm một số ít công ty xây dựng). Kể từ tháng 3-4, Bộ Tài chính liên tục đưa ra cảnh báo và lập lực dòng vốn từ TPDN vào bất động sản khó khăn hơn.

Doanh nghiệp bất động sản không phát hành được không phải vì Chính phủ không cho phép mà bắt đầu có sự giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động liên quan đến phát hành, bao gồm điều kiện phát hành, mục đích sử dụng vốn...

“Không nên gọi là trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn 2020-2022 mà gọi là trái phiếu công ty bất động sản. Bởi nếu gọi là trái phiếu doanh nghiệp thì chúng ta hình dung đến nền kinh tế, đến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh… và cố gắng để dòng vốn này chảy song song với vốn ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi đó, trái phiếu công ty bất động sản phải được xử lý bằng những giải pháp khác”. TS. Đinh Thế Hiển nhận định.

Theo Chất lượng và Cuộc sống