Hiện tượng lách luật mua bán trái phiếu doanh nghiệp vẫn diễn ra trên thị trường

Kể từ sau vụ 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị hủy do vi phạm quy định của UBCKNN, tình trạng lách luật bán chui TPDN vẫn diễn ra tràn lan trên thị trường, thông qua hình thức ủy thác đầu tư, góp vốn đầu tư… Bộ Tài chính đang tìm cách bịt lỗ hổng này.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, các tổ chức vẫn là đối tượng nắm giữ lớn nhất TPDN, song thực tế, cá nhân mới là đối tượng nắm giữ TPDN nhiều nhất trên thị trường, nếu tính cả các hợp đồng lách luật dạng góp vốn hay ủy thác đầu tư.

Cụ thể, dữ liệu của Bộ Tài chính cho hay, trong quý I/2022, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ mua 9,5% lượng TPDN phát hành, nhưng trên thị trường thứ cấp, tỷ lệ này cao gấp 3 lần, lượng TPDN riêng lẻ mà cá nhân nắm giữ lên tới 33,82% tổng giá trị TPDN đang lưu ký. Có thể hiểu theo cách khác là phần lớn TPDN riêng lẻ được các công ty chứng khoán mua trên sơ cấp và phân phối lại cho tổ chức tín dụng, nhà đầu tư cá nhân và các tổ chức khác.

Hiện tượng lách luật mua bán trái phiếu doanh nghiệp vẫn diễn ra trên thị trường
Hiện tượng lách luật mua bán trái phiếu doanh nghiệp vẫn diễn ra trên thị trường

Theo báo cáo của các tổ chức lưu ký, tổng số nhà đầu tư cá nhân nắm giữ TPDN riêng lẻ gần 289.000 người, thì đến quý I/2022, con số này chạm mức 340.300 người (chưa tính hợp đồng góp vốn đầu tư).

Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua đã xảy ra hiện tượng nhà đầu tư cá nhân cố tình vi phạm quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp nhằm đầu tư vào TPDN riêng lẻ. Việc này có sự tiếp tay của các tổ chức phân phối trái phiếu, tổ chức tư vấn là công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại thông qua 2 hình thức.

Một là, sử dụng giấy tờ giả mạo xác nhận nhà đầu tư, sử dụng các hợp đồng mua bán chứng khoản có kỳ hạn hoặc sử dụng tài khoản vay ký quỹ.

Hai là, sử dụng hình thức góp vốn thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư với các tổ chức hoặc cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo luật dân sự như trường hợp Tân Hoàng Minh.

Theo các luật sư, hình thức góp vốn đầu tư, ủy thác đầu tư mua TPDN không vi phạm pháp luật hiện hành, song tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Nếu doanh nghiệp phát hành không trả được nợ, nhà đầu tư sẽ không được bảo vệ quyền lợi theo pháp luật chứng khoán và Nghị định số 153, vì việc góp vốn, ủy thác đầu tư được điều chỉnh bởi hợp đồng dân sự.

Trước thực trạng này, các chuyên gia đề nghị, Bộ Tài chính cần có giải pháp cụ thể để phát triển các định chế tài chính trung gian (doanh nghiệp bảo hiểm, các loại hình quỹ đầu tư, hệ thống quỹ hưu trí) nhằm tăng sức cầu cho thị trường, cũng như tạo kênh đầu tư an toàn cho nhà đầu tư cá nhân.

Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang hoàn thiện để trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành TPDN riêng lẻ tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Trong đó, Nghị định sửa đổi cũng quy định rõ, nhà đầu tư không được phép bán lại trái phiếu đã mua cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dưới mọi hình thức, bao gồm cả hình thức góp vốn đầu tư để tránh trường hợp như Tân Hoàng Minh. Cùng với đó, hướng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp vào các sản phẩm trái phiếu có chất lượng cao hơn, nâng cao điều kiện đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ và bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm của các tổ chức có chức năng giám sát trên thị trường.

Đồng thời, nâng chuẩn quy định với nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp.Theo đó, cá nhân đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải có mệnh giá trái phiếu lên đến 1 tỷ đồng; giá trị đầu tư chứng khoán 2 tỷ đồng, khi xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải là tài sản của chính nhà đầu tư, được duy trì trong tối thiểu 6 tháng; nhà đầu tư có trách nhiệm ký cam kết hiểu rõ về các điều kiện, điều khoản, rủi ro của trái phiếu, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật trước khi mua TPDN riêng lẻ.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống