Tranh cãi xung quanh 'diện mạo' mới của Chùa Cầu - Hội An

Hình ảnh Chùa Cầu - Hội An sau trùng tu đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh diện mạo mới của di tích này.

Trong những ngày gần đây, đơn vị thi công dự án tu bổ di tích Chùa Cầu đang tích cực hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị khánh thành dự kiến vào ngày 2/8 tới, nhân sự kiện "Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản" lần thứ 20.

Hiện di tích Chùa Cầu hiện đã hoàn thành toàn bộ hạng mục trùng tu gồm hệ nền, móng, mố, trụ cầu; hệ sàn, khung gỗ, mái; hệ thống điện, chống mối công trình...

Hình ảnh Chùa Cầu - Hội An sau trùng tu. (Ảnh: CTV)  
Hình ảnh Chùa Cầu - Hội An sau trùng tu. (Ảnh: CTV)  

Dự án tu bổ Chùa Cầu có tổng kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, thời gian thi công 360 ngày. Dự án khởi công từ ngày 28/12/2022, đến nay đã hoàn thành quét 3D toàn bộ di tích, hạ giải hệ mái ngói âm dương, hạ giải hệ khung gỗ. Đồng thời, gia cố hệ móng, mố, trụ, tu bổ hệ đà sàn, khung và mái; gia cố hệ móng, mố, trụ (phần còn lại); các hạng mục phụ trợ, tôn tạo cảnh quan...

Nhiều ý kiến trái chiều

Ngay sau khi hình ảnh mới của Chùa Cầu sau khi trùng tu xuất hiện, dư luận xuất hiện nhiều tranh cãi về diện mạo mới của di tích này. Có ý kiến cho rằng việc trùng tu đã làm mất đi hình ảnh cổ kính, rêu phong và đẹp của Chùa Cầu.

Theo du khách P.M.T, việc trùng tu cần phải giữ được hết nét cổ kính mới gọi là xuất sắc. Nhìn công trình sau khi trung tu kiểu "nửa nạc, nửa mỡ" khiến cho du khách không hình du hết được giá trị xưa cũ của Chùa Cầu.

Tương tự, một du khách khác đến từ Nghệ An cho rằng các chi tiết được thay thế mới sau quá trình trùng tu tạo cảm giác không ăn khớp; màu vôi, ngói, tường lẫn cấu kiện được làm mới quá dày khiến di tích mất ít nhiều sự hoài cổ.

Du khách N.T.Q thì đánh giá hình ảnh Chùa Cầu mới như không liên quan đến công trình hiện tại vậy. Theo ông Q, việc trùng tu công trình không những phải tôn trọng thiết kế, không làm đẹp hơn được thì đừng làm cho nó xấu hơn, phải xét tới trầm tích thời gian khoác lên nó và phù hợp với cảnh quan xung quanh.

Còn du khách L.Q.V cho biết: "Quan điểm của mình là cứ bình tĩnh, qua mùa mưa sắp tới, công trình sẽ lại mang hình ảnh 'rêu phong' ngay thôi. TP. Hội An hiểu rõ giá trị và đã rất cẩn trọng trong suốt quá trình trùng tu".

Lãnh đạo TP. Hội An nói gì?

Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết chính quyền thành phố đã bàn bạc với các đơn vị liên quan, thống nhất việc sẽ lấy thêm ý kiến của các nhà chuyên môn, các chuyên gia tư vấn để sơn vôi lại công trình Chùa Cầu sau trùng tu.

Toàn cảnh Chùa Cầu. (Ảnh: CTV)  
Toàn cảnh Chùa Cầu. (Ảnh: CTV)  

"Dù quá trình trùng tu đã rất trung thành với nguyên bản, song màu mới của sơn vôi đúng là hơi sáng chói, lệch khá xa với màu cũ của công trình. Với chất liệu vôi, chỉ sau vài mùa mưa thì màu rêu cũ sẽ trả lại nguyên trạng. Tuy nhiên, ngay lúc này, màu sáng mới của vôi hơi đậm, gây phản cảm với hình ảnh rêu phong, cũ kỹ màu thời gian của phố cổ. Đây là ý kiến đóng góp chính đáng. Chúng tôi sẽ cho sơn lại màu công trình phù hợp hơn, sát với màu cũ của công trình", ông Sơn nói.

Trong thông cáo báo chí phát đi vào chiều nay (28/7), UBND TP. Hội An nhấn mạnh việc tu bổ Chùa Cầu được thực hiện trên tinh thần như một cuộc "giải phẫu - chữa bệnh" nên mọi hoạt động đều cẩn trọng, tỉ mỉ, bài bản, khoa học từ khâu chuẩn bị dự án đến các giải pháp tổ chức và kỹ thuật thi công tu bổ di tích.

Theo UBND TP. Hội An, màu sắc hoàn thiện sau tu bổ của Chùa Cầu được quyết định giữ nguyên màu hiện trạng của tất cả cấu kiện gỗ, bao gồm cả những chi tiết chạm khắc trang trí, hoành phi, liễn đối, không sơn vẽ gì thêm; cấu kiện thay mới hoặc thành phần gia cố chỉ quét phủ chất bảo quản không màu. Tương tự phần thân mố, trụ cầu cũng hoàn toàn giữ nguyên không can thiệp về màu sắc.

Riêng đối với phần tường và chi tiết trang trí trên mái cần phải được phục hồi, bởi hiện trạng gần như đã phai màu hoàn toàn, trong khi cấu trúc vật liệu của chúng đều được làm từ gạch ngói, vữa vôi phần lớn đã bị mục mủn, mất liên kết nên phải được thay thế hoặc gia cố chắp vá để tận dụng.

Trong thông báo, TP. Hội An cho biết cũng có ý kiến cho rằng nên chọn tông màu, sắc thái sao cho gần nhất với hình ảnh trước khi tu bổ, hoặc làm cho Chùa Cầu bớt "mới" đi. Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp với quan điểm, nguyên tắc "không làm giả" mà dự án đã đề ra, đặc biệt dẫn đến lo ngại sẽ làm sai lệch yếu tố gốc, gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến kết quả của việc nghiên cứu về sau.

Chính quyền TP. Hội An cho biết thực tế màu sắc của hệ trang trí mái Chùa Cầu được tu bổ, phục hồi dựa theo một số vị trí hiện tồn màu sắc nguyên trạng, kết hợp với kết quả nghiên cứu, khảo sát các công trình tín ngưỡng truyền thống tương tự ở Hội An như đề xuất của các chuyên gia qua các lần tham vấn, tọa đàm.

"Việc phục hồi màu sắc, dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích có phần mới ra, nhưng điều quan trọng hơn là đã giữ gìn được tính nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ di tích phù hợp với bản chất vốn có của di tích. Để rồi theo thời gian, Chùa Cầu lại trở về với nét cổ kính, trầm mặc như đã từng trải qua trong lịch sử sau những lần trùng tu, hay trong mỗi dịp cúng tế, lễ hội, tết đến xuân về hằng năm", UBND TP. Hội An nhấn mạnh.

Tuệ Lâm

Theo VietnamFinance