Trào lưu sân golf từ Bắc chí Nam: Hơn 100 sân chưa đủ, vẫn xin mở thêm

“Sức nóng” của dự án sân golf đang lan rộng từ Bắc chí Nam, từ Tây Nguyên cho đến Huế, Quảng Nam, Quảng Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Phú Thọ,... Điều này đòi hỏi trách nhiệm của cơ quan thẩm định, cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để các sân golf phải đảm bảo các tiêu chí đề ra, đặc biệt không xâm phạm đất rừng, đất trồng lúa.

Chủ tịch FLC tiết lộ tham vọng trở thành "trùm" sân Golf, sẽ sở hữu 100 sân Golf vào năm 2022

Dồn dập bổ sung sân golf vào quy hoạch

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cả nước có 116 sân golf được quy hoạch, trong đó có 42 sân đã đi vào hoạt động (chiếm tỷ lệ 36%).

Tháng 8/2018 tiếp tục là một tháng bận rộn với những người làm công tác thẩm định dự án golf ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bởi hàng loạt đề xuất bổ sung sân golf vào quy hoạch sân golf đến năm 2020 của các địa phương dồn dập gửi đến.

Trước thực tế ấy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải liên tục thành lập các đoàn công tác liên ngành để tiến hành thẩm tra.

Chẳng hạn, ngày 15/8, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã ký quyết định thành lập đoàn công tác liên ngành khảo sát thực địa dự án golf tại Lạc Thủy (Hòa Bình), golf bãi Soi (Hải Dương), golf Mường Thanh (Nghệ An)...

Cũng trong tháng này, nhiều dự án sân golf và sân golf “nâng cấp” cũng được Bộ KH-ĐT bổ sung vào quy hoạch. Đó là dự án sân golf quốc tế 36 hố tại Lương Sơn (Hòa Bình), dự án sân golf BRG Ruby Tree tại Hải Phòng cũng đã được đồng ý mở rộng từ 18 hố lên 36 hố.

Trước đó, vào đầu năm 2018, VietNamNet cũng đã đưa tin về việc hàng loạt dự án golf được bổ sung vào quy hoạch tại các địa phương.

Đó là sân golf Kênh Gà - Vân Trình tỉnh Ninh Bình, sân golf FLC Quảng Bình Golf Links, sân golf Bến En tại huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa; sân golf quốc tế, khu dịch vụ hỗ trợ, khu biệt thự nghỉ dưỡng (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế); sân golf Việt Yên tại xã Hương Mai và xã Trung Sơn, Việt Yên, Bắc Giang; sân golf Ecopark, sân golf KDL quốc tế Đồi Rồng (Hải Phòng), sân golf Vân Đồn Golf club (Quảng Ninh), sân golf Paradise (Hà Nam),...

Câu hỏi đặt ra: Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang làm có là “thừa” khi Luật Quy hoạch đã được thông qua vào cuối năm 2017, có nghĩa sân golf không cần phải theo quy hoạch.

Trả lời PV.VietNamNet, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: Luật Quy hoạch chưa đến thời hạn hiệu lực thi hành, nên việc rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch sân golf vẫn cần được thực hiện theo các quy định hiện hành, nhằm giải quyết hồ sơ tồn đọng của địa phương, không làm gián đoạn các hoạt động đầu tư, kinh doanh của các DN cũng như kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương trước khi Nghị định của Chính phủ về sân golf được ban hành.

Ngoài ra, kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch sân golf hiện hành sẽ được sử dụng làm dữ liệu đầu vào cho việc nghiên cứu, xây dựng quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2025 theo quy định của Luật Quy hoạch.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Phú Thọ... là các địa phương trọng điểm du lịch. Do vậy, việc bổ sung các sân golf tại các địa phương này sẽ giúp phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần tạo việc làm, tăng thu ngân sách và phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Trào lưu sân golf từ Bắc chí Nam: Hơn 100 sân chưa đủ, vẫn xin mở thêm - Ảnh 1
Dự án sân golf cần được cân nhắc kỹ lưỡng khi cấp phép

Phải tuân thủ nguyên tắc không phá rừng làm sân golf

Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, không ít lần bày tỏ quan điểm: Việc địa phương đề xuất bổ sung dự án vào quy hoạch sân golf là xuất phát từ nhu cầu thực tế, còn được bổ sung vào quy hoạch hay không do Thủ tướng quyết định trên cơ sở tham mưu, thẩm định dự án của các bộ, ngành. Chúng ta không nên chỉ thấy nhiều, thấy ít sân golf trong quy hoạch, nếu thị trường chấp nhận và địa điểm thích hợp thì nên bổ sung vào quy hoạch để nhà đầu tư phát triển các sân golf.

Theo chuyên gia này, quy hoạch sân golf năm 2009 chưa thực sự sát với nhu cầu của thị trường. Địa điểm nào đã quy hoạch phát triển sân golf nhưng thị trường không chấp nhận thời gian tới cũng phải loại bỏ ra khỏi quy hoạch.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Quy hoạch sân golf là động và mở, “có vào có ra”. Thực tế trong thời gian từ năm 2009 đến nay đã có 13 sân golf được đưa ra khỏi quy hoạch trên cơ sở kết quả rà soát của các cơ quan chức năng có liên quan. Qua đó, đã loại bỏ các sân golf không triển khai hoặc không mang lại hiệu quả.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, một trong các vấn đề quan trọng với điều chỉnh quy hoạch phát triển sân golf là phải triển khai trên những khu vực đất đai kém giá trị như sườn đồi núi, bãi cát ven biển, đất hoang hóa không trồng trọt được. Còn nếu xâm phạm vào đất nông nghiệp, phá rừng làm sân golf cương quyết không cho thực hiện. Việc bổ sung sân golf vào quy hoạch phải xét đến từng địa điểm xây dựng sân golf cụ thể, vì phát triển 1 sân golf chuẩn quốc tế mất cả trăm ha đất.

Đây cũng chính là những nội dung đã được cụ thể hóa trong Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cách đây hơn 6 năm, sau khi xảy ra tình trạng sân golf "trăm hoa đua nở".

“Ở Nhật Bản họ xây dựng rất nhiều sân golf nhưng đa phần trên diện tích đất tại các sườn đồi núi, không phải trên khu vực đất đai bằng phẳng về mặt bằng. Như vậy rất hợp lý bởi đất đai sườn núi không có nhiều giá trị”, ông Phạm Sỹ Liêm dẫn chứng.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng” vào tháng 10/2017, Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Chúng ta cần thiết phát triển du lịch nhưng việc chuyển mục đích phải được xem xét rất kỹ, được duyệt hết sức chặt chẽ, chứ không phải có dự án du lịch vào làm sân golf, chúng ta phá hết rừng trồng bao đời nay”, Thủ tướng nói.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự án sân golf đi vào hoạt động đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, đầu tư nước ngoài trên địa bàn, tạo sức lan tỏa trong phát triển đối với các địa phương. Nhiều sân golf đã tận dụng và phát huy giá trị các diện tích đất không có khả năng canh tác nông nghiệp hoặc canh tác năng suất thấp...

Tuy nhiên, Bộ này thừa nhận có một số dự án sân golf triển khai chậm, do quy mô và diện tích sử dụng đất lớn, thủ tục triển khai công tác giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương và kế hoạch kinh doanh của nhà đầu tư.

Theo Lương Bằng/VietNamNet

Tin liên quan