Trong khi đối thủ báo lãi tăng bằng lần, Bảo hiểm Quân đội (MIG) lại thất thu từ kinh doanh chứng khoán
Thời gian qua, doanh nghiệp bảo hiểm bù lỗ nhờ đầu tư chứng khoán. Thế nhưng, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân Đội (MIG) lại đi ngược thị trường.
Lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm thông thường đến từ hai nguồn chính gồm: Hoạt động thu phí bảo hiểm, bao gồm thu hoa hồng tái bảo hiểm; và đầu tư tài chính chủ yếu vào tiền gửi và trái phiếu chính phủ, đầu tư trái phiếu, cổ phiếu niêm yết hoặc chưa niêm yết trên sàn chứng khoán để phát triển quỹ tài chính.
Nửa đầu năm nay, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi và lợi tức trái phiếu Chính phủ thấp, thị trường chứng khoán sôi động đã trở thành 'phao cứu trợ' giúp hoạt động đầu tư tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng tốt.
Do đó, 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động kinh doanh chứng khoán của doanh nghiệp bảo hiểm đều tăng trưởng tích cực trong khi cùng kỳ 2020 lỗ nặng. Phần lớn doanh nghiệp báo lãi tăng bằng lần như Tổng CTCP Bảo Minh (BMI) lãi gấp 5,3 lần cùng kỳ; Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (AIC) lãi gấp 28,6 lần cùng kỳ; Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) lãi gấp 36,4 lần cùng kỳ;…
Ở chiều ngược lại, vẫn có doanh nghiệp bảo hiểm ‘ngậm ngùi’ báo lãi giảm. Điển hình tại Tổng CTCP Bảo hiểm Quân Đội (MIG), hoạt động kinh doanh chứng khoán giảm mạnh 80% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 1,7 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, giá trị đầu tư kinh doanh chứng khoán tại MIG giảm 90% so với đầu năm, xuống còn hơn 8 tỷ đồng, trong đó trích lập dự phòng giảm hơn 6,4 tỷ đồng.
Cụ thể, MIG sở hữu danh mục đầu tư cổ phiếu khá cô đặc khi nắm 320.000 cổ phiếu HAG tại thời điểm 30/06/2021, với giá trị gốc hơn 8 tỷ đồng, nhưng đang trích lập dự phòng cho khoản lỗ đầu tư này hơn 6,4 tỷ đồng. Trong khi đó, MIG đã bán 1,9 triệu cổ phiếu VPI của CTCP Đầu tư Văn Phú với giá trị gốc hơn 84 tỷ đồng và trích lập dự phòng hơn 6,4 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2020 đã soát xét, nợ phải trả tại MIG chiếm 72% tổng tài sản và gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu, ghi nhận gần 4.291 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở dự phòng nghiệp vụ hơn 2.641 tỷ đồng và dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm hơn 1.810 tỷ đồng.
Với việc nợ phải trả chiếm trên 50% tổng tài sản cho thấy MIG đang phải dựa vào nguồn vốn vay để duy trì hoạt động. Hơn nữa, nợ phải trả cao gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu có nghĩa là tài sản của MIG được tài trợ chủ yếu bởi nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ càng cao.
Ngoài MIG, giá trị đầu tư kinh doanh chứng khoán tại Tập đoàn Bảo Việt (BVH) cũng giảm 18% so với đầu năm, còn gần 1.905 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 30/06/2021, BVH đang sở hữu danh mục chứng khoán hơn 1.396 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết và gần 93 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết, giảm 11% so với đầu năm. Trong đó POW, VNR và MBB là những mã chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của BVH.
Dựa vào báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2021, Tập đoàn Bảo Việt phải trích lập dự phòng gần 10 tỷ đồng khi đầu tư vào cổ phiếu POW, hơn 5 tỷ đồng cho cổ phiếu CNG và hơn 8 tỷ đồng cho cổ phiếu LAS.
Thực tế, hoạt động đầu tư có ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường.
Theo thống kê từ FiinPro, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, 12 công ty bảo hiểm niêm yết lỗ 2.233 tỷ đồng từ hoạt động bảo hiểm, giảm 11% lỗ so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận hoạt động tài chính giảm mạnh so với cùng kỳ do lãi suất tiền gửi và lợi tức trái phiếu chính phủ ở mức thấp.
Trong quý 2/2021, doanh thu tài chính của 12 công ty bảo hiểm niêm yết tăng 2,6% so với quý trước và giảm 12,9% so với cùng kỳ.
Đồng thời, ghi nhận lãi 2.647 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, tăng 2,5% so với quý trước, giảm 22,2% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng 2021, các công ty bảo hiểm niêm yết lãi 5.226 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, tăng 6,3% so với cùng kỳ.