Trong tương lai, ‘đầu tàu kinh tế’ cả nước sẽ có thêm 5 thành phố mới
Theo quy hoạch, trong giai đoạn 2030-2040, địa phương này sẽ hình thành năm thành phố, triển khai đồng bộ theo mô hình đô thị đa trung tâm.
Tại hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 mới được tổ chức, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đã thông tin về quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo ông Mãi, về mặt đơn vị hành chính, phát triển đô thị thì từ đây đến năm 2030, TP. HCM vẫn giữ 16 quận, năm huyện và TP. Thủ Đức, đồng thời củng cố lại cơ sở hạ tầng kỹ thuật để liên kết đô thị.
Trong sắp xếp năm huyện, TP. HCM sẽ xây dựng hạ tầng hướng đến chỉ tiêu đô thị lên thành phố thuộc cấp tỉnh chứ chưa phải như TP. Thủ Đức thuộc TP. HCM.
Ông Mãi cho biết trong giai đoạn 2030-2040, TP. HCM sẽ tổ chức các khu đô thị theo như đồ án quy hoạch chung, bao gồm đô thị trung tâm, TP. Thủ Đức, TP. khu Nam (gồm quận 7, huyện Nhà Bè…), TP. Tây Bắc (huyện Củ Chi, một phần huyện Hóc Môn…), TP. Tây Nam (huyện Bình Chánh, một phần quận 12, Bình Tân…). Riêng huyện Cần Giờ sẽ được xem xét thuộc TP. khu Nam hay như một thành phố đặc biệt.
Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, như vậy giai đoạn 2030-2040, TP. HCM sẽ hình thành năm thành phố, triển khai đồng bộ theo mô hình đô thị đa trung tâm trong đó, đường sắt đô thị là một trong những phương thức kết nối các đô thị này.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết thành phố đã xây dựng ba kịch bản tăng trưởng kinh tế trong quy hoạch TP. HCM.
Theo đó, TP. HCM chọn kịch bản thứ hai và chuyên gia ý kiến chỉ thực hiện kịch bản này từ nay đến năm 2030.
Chủ tịch UBND cho biết thêm, sau năm 2030, thành phố phải tăng trưởng hai con số, phải trở lại vị trí đầu tàu, là cái nôi của năng động, sáng tạo, tiên phong làm cái mới.
Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận chuyên gia đặt vấn đề 10 năm trở lại đây, TP . HCM đang giảm dần việc đóng góp vào kết quả chung, vai trò đầu tàu cũng giảm dần.
Ông cho rằng có một phần phát triển, lớn mạnh từ các địa phương khác nhưng trong nội tại, các động lực phát triển của TP. HCM đang bị bào mòn, các điểm nghẽn không được giải quyết.
TP. HCM là một trung tâm kinh tế lớn và với vai trò là "đầu tàu" kinh tế, đóng góp tỷ trọng cao trong GDP chung của cả nước.
GRDP quý I/2024 của TP. HCM ước tăng 6,54%, đạt mục tiêu đề ra cũng là tốc độ cao tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2020. Đây là cơ sở để TP. HCM đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5-8% cho cả năm 2024.