Trung Quốc: Chứng khoán suy giảm, ông lớn công nghệ bơm tiền cứu giá cổ phiếu
Các "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc đang mua lại cổ phiếu với tốc độ kỷ lục, khi họ cố gắng nâng cao giá trị thị trường của mình trong bối cảnh thị trường chứng khoán sụt giảm lịch sử ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tập đoàn Alibaba ngày 2/4 thông báo rằng họ đã mua lại 12,5 tỷ USD cổ phiếu từ thị trường Mỹ và Hồng Kông (chiếm 5,1% số cổ phiếu đang lưu hành của tập đoàn) trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3. Đây là thương vụ mua lại cổ phần lớn nhất của một công ty công nghệ Trung Quốc trong năm qua.
Chỉ trong quý đầu tiên, Alibaba đã chi 4,8 tỷ USD để mua lại cổ phiếu, ghi nhận đợt mua lại hàng quý lớn thứ hai trong lịch sử.
Cổ phiếu của Alibaba đã mất hơn 1/4 giá trị trong năm qua. Theo thông lệ, việc mua lại cổ phiếu thường gây ra sự tăng giá vì sẽ có ít cổ phiếu hơn trên thị trường.
Động thái của Alibaba diễn ra vào thời điểm các cơ quan quản lý Trung Quốc đang yêu cầu các công ty niêm yết mua lại cổ phiếu để ổn định niềm tin thị trường.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang trải qua sự sụt giảm kéo dài kể từ mức đỉnh vào năm 2021, với hơn 4,5 nghìn tỷ USD giá trị thị trường đã bị xóa sổ khỏi các sàn giao dịch Thượng Hải, Thâm Quyến và Hồng Kông.
Ông Stephen Innes, đối tác quản lý của SPI Asset Management, cho biết: “Quyết định của Alibaba báo hiệu sự tin tưởng vào triển vọng tương lai của công ty và thể hiện niềm tin của ban lãnh đạo vào giá trị cơ bản của cổ phiếu Alibaba”.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng liệu động thái này có giúp tăng giá cổ phiếu trong dài hạn hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm điều kiện thị trường chung, tâm lý nhà đầu tư đối với chứng khoán Trung Quốc và khả năng thực hiện chiến lược tăng trưởng của Alibaba một cách hiệu quả.
Công ty có trụ sở tại Hàng Châu này đã phát đi tín hiệu sẽ mua thêm. Vào tháng 2, Alibaba đã nâng kế hoạch mua lại cổ phần của mình thêm 25 tỷ USD cho đến tháng 3/2027.
Làn sóng mua lại cổ phiếu
Không chỉ Alibana, hàng loạt công ty công nghệ lớn khác của Trung Quốc cũng tăng cường mua lại cổ phần trong năm qua.
Theo hồ sơ công khai của công ty, Tencent đã chi kỷ lục 49 tỷ đô la Hồng Kông (6,3 tỷ USD) để mua lại cổ phiếu vào năm 2023, nhiều hơn tổng số tiền họ đã chi trong thập kỷ qua.
Tháng trước, gã khổng lồ trò chơi và truyền thông xã hội đã cam kết “ít nhất sẽ tăng gấp đôi” quy mô mua lại cổ phần của mình lên hơn 100 tỷ đô la Hồng Kông (12,8 tỷ USD) vào năm 2024.
Ngoài ra, các công ty tên tuổi khác như Meituan, Kuaishou và Xiaomi cũng đã tăng cường mua lại cổ phần của chính mình trong năm qua.
Nhìn chung, các công ty niêm yết ở Hồng Kông đã chi 126 tỷ đô la Hồng Kông (16,1 tỷ USD) để mua lại cổ phiếu vào năm 2023, mức cao kỷ lục, theo nhà cung cấp dữ liệu tài chính Trung Quốc Choice. Chỉ riêng Tencent đã chiếm khoảng 40% tổng số cổ phần được mua lại tại thị trường Hồng Kông.
Còn theo thống kê của chính phủ Trung Quốc, các công ty niêm yết ở Trung Quốc đại lục đã mua lại số cổ phiếu trị giá 120 tỷ nhân dân tệ (16,6 tỷ USD) vào năm 2023, tăng hơn gấp đôi số tiền chi ra vào năm 2022.
Nỗ lực vực dậy thị trường
Những nỗ lực này là một phần trong chiến dịch rộng lớn hơn của Bắc Kinh nhằm chặn đà sụt giảm của thị trường chứng khoán.
Vào tháng 2, chính phủ Trung Quốc đã bơm tiền mua các cổ phiếu thông qua quỹ đầu tư quốc gia và thay thế người đứng đầu cơ quan quản lý chứng khoán trong một nỗ lực rõ ràng nhằm xoa dịu sự tức giận của công chúng.
Những nỗ lực này dường như đã mang lại kết quả tích cực khi thị trường Thượng Hải và Hồng Kông đã phục hồi hơn 10% so với mức thấp gần đây vào đầu tháng 2. Nhưng chúng không giải quyết được những thách thức cơ bản mà nền kinh tế phải đối mặt.
Theo ông Innes, các nhà đầu tư lo lắng về tình trạng suy thoái kinh tế của Trung Quốc, "đặc biệt trong bối cảnh có những thách thức như mức nợ, rủi ro thị trường bất động sản và sự thay đổi về nhân khẩu học”.
Ngoài ra, việc bán tài sản Trung Quốc trên toàn cầu, do căng thẳng địa chính trị hoặc lo ngại về sự không chắc chắn về quy định, đã gây thêm áp lực lên giá cổ phiếu Trung Quốc.
Ông Innes cho biết thêm mặc dù việc mua lại cổ phiếu có thể thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư bằng cách báo hiệu niềm tin của ban lãnh đạo vào triển vọng tương lai của công ty và cam kết của công ty, nhưng tác động của chúng trong việc vực dậy niềm tin của nhà đầu tư toàn cầu đối với chứng khoán Trung Quốc có thể “bị hạn chế nếu xét riêng lẻ”.
Xem thêm >> WB: Tăng trưởng GDP Trung Quốc dự kiến giảm xuống 4,5%