Trung Quốc nợ lớn đến mức nào?
Khối lượng nợ của Trung Quốc tương đương 45,8% GDP của nước này nhưng được cho là chưa phản ánh đầy đủ tổng nợ của chính phủ.
Thống kê của South China Morning Post (SCMP) cho thấy, tính đến cuối năm 2020, tổng nợ của Chính phủ Trung Quốc là 46.550 tỷ NDT (7.200 tỷ USD), bao gồm 20.890 tỷ NDT do chính quyền trung ương nợ và 25.660 tỷ NDT nợ của các chính quyền địa phương.
Khối lượng nợ tương đương 45,8% GDP năm ngoái - dưới mức 60% GDP được các tổ chức quốc tế coi là ngưỡng cảnh báo về sự nguy hiểm - nhưng số liệu nợ chính thức này không phản ánh đầy đủ tổng nợ của chính phủ, vì nó không bao gồm các khoản nợ tiềm ẩn và nợ tiềm tàng bên trong các doanh nghiệp nhà nước hoặc các dự án công tư hợp doanh.
Đáng lưu ý, Bắc Kinh đã triển khai gói cứu trợ kinh tế gồm đợt phát hành hiếm hoi trái phiếu kho bạc đặc biệt với tổng giá trị 1.000 tỷ NDT (tương đương 154,6 tỷ USD) và 3.750 tỷ NDT trái phiếu đặc biệt trong nước để giúp hạn chế tác động của đại dịch COVID-19 và giải cứu các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.
Tính đến cuối năm 2020, Trung Quốc đã nợ đến 7.200 tỷ USD. Ảnh: SCMP |
Ông Ôn Lai Thành, giáo sư ngành khoa học tài chính tại Đại học Tài chính và kinh tế trung ương ở Bắc Kinh, cho biết: "Các biện pháp khẩn cấp được áp dụng vào năm 2020 đã làm tăng đáng kể rủi ro nợ của Trung Quốc. Đặc biệt, tỷ lệ nợ của chính quyền địa phương đã tăng vọt lên mức trung bình 90% GDP địa phương, gần với giới hạn đỏ".
Giáo sư Ôn Lai Thành cho rằng việc giảm tỷ lệ thâm hụt tài khóa từ 3,6% GDP của năm 2020 xuống 3% và giảm quy mô trái phiếu chuyên dùng trong nước sẽ gửi đi tín hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang quay trở lại chính sách tài khóa bình thường hơn. Ông nói thêm: "Dựa trên các thông tư của chính phủ, có thể thấy các khoản nợ tiềm ẩn vẫn là mối quan ngại lớn".
Trong khi đó, ông Mã Tuấn, một thành viên Ủy ban Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - gần đây đã lập luận trong một diễn đàn công khai rằng Trung Quốc nên dừng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hằng năm trong một thời gian dài, vì mức độ vay tổng thể và nợ đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2009.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn gần đây cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc phải tiếp tục chính sách thắt lưng buộc bụng và duy trì đủ không gian hành động để giải quyết các nguy cơ trong tương lai.
Tân Hoa xã dẫn lời Lưu Côn: "Chúng ta phải tiến hành những dàn xếp hợp lý đối với các chính sách về thâm hụt tài chính, nợ và chi tiêu, và phải có những hành động đáng kể nhằm giải quyết rủi ro tiềm ẩn về nợ của địa phương".
Bộ Tài chính Trung Quốc mới đây đã khai trương một nền tảng trực tuyến tiếp nhận nhiều loại thông tin nợ địa phương, bao gồm quy mô dư nợ, các chỉ số kinh tế và năng lực tài khóa. Bộ này cũng ra lệnh cho các quan chức xem xét cách thức chi tiêu tiền thu từ trái phiếu cho mục đích đặc biệt ở cấp địa phương.
Thẩm Khương Quang, Trưởng cố vấn kinh tế thuộc JD Technology, cho biết điều kiện tài chính yếu kém của chính quyền địa phương là mối quan tâm lớn nhất đối với các nhà hoạch định chính sách, do mức nợ cao cũng như thuế và doanh thu từ bán đất giảm sút.
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng chính quyền trung ương có khả năng sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính trực tiếp cho chính quyền các địa phương, với tổng trị giá hơn 1.500 tỷ NDT vào năm 2020, và thu ngân sách có thể phục hồi khi nền kinh tế quốc gia dự kiến tăng trưởng khoảng 8% trong năm 2021.
Nợ lớn, Trung Quốc cũng đồng thời là chủ nợ của nhiều quốc gia trên thế giới. Báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IFF) công bố vào tháng 5/2020 cho thấy, các khoản nợ tồn đọng mà Trung Quốc cho phần còn lại của thế giới vay đã cán mốc 5.500 tỷ USD, tức tăng hơn 875 tỷ USD trong giai đoạn 2004-2019. Con số này xấp xỉ 6% GDP toàn cầu.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã tích cực cho các nền kinh tế mới nổi như châu Phi vay nợ. Hầu như toàn bộ các khoản cho vay này đều đến từ chính phủ Trung Quốc hoặc các công ty do nhà nước kiểm soát.
Thường Trung Quốc không tiết lộ chi tiết các điều khoản của những khoản vay với chính phủ các nền kinh tế mới nổi này. Trung Quốc cũng là một chủ nợ lớn của chính phủ Mỹ. Tính đến hết tháng 3/2020, Trung Quốc nắm giữ khoảng 1.100 tỷ USD nợ công của chính phủ Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc đang mở rộng các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài bằng các khoản vay do nhà nước hậu thuẫn theo sáng kiến Vành đai và Con đường, một kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng đầy tham vọng để kết nối các tuyến đường từ Trung Quốc đến châu Á, châu Phi và châu Âu.