Trương Mỹ Lan nói lời sau cùng: Xin áp dụng cơ chế đặc biệt để khắc phục hậu quả
Ngày 26/11, phiên tòa xét xử phúc thẩm đại án Vạn Thịnh Phát, bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 47 đồng phạm cho các bị cáo nói lời sau cùng.
Xin áp dụng cơ chế đặc biệt để khắc phục hậu quả
Theo bị cáo Trương Mỹ Lan, bà tiếc nuối vì vụ án đã tước đi bao nhiêu ước mơ và hy vọng không chỉ của bản thân bà mà còn của các đồng phạm.
Bà Lan bày tỏ nỗi đau về những thiệt hại to lớn, đặc biệt khi chứng kiến các dự án quan trọng như dự án Mũi Đèn Đỏ bị đình trệ và tài nguyên quốc gia bị lãng phí.
Bị cáo Lan mong muốn Hội đồng Xét xử áp dụng một 'cơ chế đặc biệt' để khắc phục hậu quả, trả lại nợ cho Nhà nước và người dân. Bị cáo cam kết rằng phần tài sản còn lại sẽ được dùng để hoàn thành những dự án thiện nguyện như xây dựng bệnh viện quốc tế, trường học, nhà ở xã hội và đầu tư vào hạ tầng nhằm đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Cuối cùng, bị cáo xin Hội đồng Xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và tội danh đối với bản thân và các bị cáo khác.
Cụ thể bị cáo Trương Mỹ Lan cũng xin tòa xem xét giảm án cho chồng là bị cáo Chu Lập Cơ (69 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square) và cháu ruột Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Đồng thời xin tòa xem xét giảm án cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) về án tù chung thân do đã nhận hối lộ tới 5,2 triệu USD vì đã bao che sai phạm tại SCB.
Cũng theo bị cáo Trương Mỹ Lan, mấu chốt vụ án là đảo nợ, vì từ đây bị biến thành chiếm đoạt tài sản. Đề nghị tòa xem xét lại tội tham ô tài sản, xem xét lại những tài sản là 87.000 tỷ đồng bị cáo cho SCB mượn để tái cơ cấu.
Xin phép tòa cho luật sư vào làm việc với bị cáo trong trại giam để bị cáo cung cấp thêm hồ sơ. Bị cáo đứng tại tòa với tư cách vừa là bị hại, vừa là bị cáo nhưng không oán trách ai, chỉ mong trả được nợ cho nhà nước.
Trước đó, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại TP. HCM giữ nguyên quan điểm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, bao gồm 16-18 năm tù về tội 'vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng'; 20 năm tù về tội 'đưa hối lộ' và tử hình về tội 'tham ô tài sản'. Tổng hợp hình phạt bị đề nghị là tử hình.
Tiền không ra khỏi ngân hàng nhưng sử dụng mục đích cá nhân
Theo Viện Kiểm sát, bị cáo Lan, với vai trò cổ đông lớn chiếm 91,5% cổ phần và quyền hạn cao nhất tại Ngân hàng SCB, đã chỉ đạo đồng phạm lập khống hồ sơ vay vốn, rút tiền SCB để phục vụ mục đích cá nhân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng. Trong 1.284 khoản vay, nhóm của bị cáo chiếm 93% tổng nợ gốc, thuộc nợ nhóm 5 (không có khả năng thu hồi).
Dù luật sư cho rằng hành vi của bị cáo chỉ là 'đảo nợ', tiền không ra khỏi ngân hàng nhưng Viện Kiểm sát khẳng định số tiền vay đã được sử dụng cho nhiều mục đích cá nhân như mua dự án, chi tiêu cá nhân và đã rời khỏi sự kiểm soát của ngân hàng. Quá trình điều tra cũng xác định 84% trong 1.169 tài sản bị kê biên được mua sau năm 2012, trùng thời điểm bị cáo phạm tội.
Viện Kiểm sát kết luận hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan xuyên suốt, gây thiệt hại lớn cho SCB và hệ thống tài chính, do đó mức án tử hình là phù hợp với tính chất và mức độ nghiêm trọng của vụ án.
Trước đó, theo Viện kiểm sát, đối với hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan mà đã nộp được 3/4 tài sản, tức nộp 280.000 tỷ đồng, thì mới có cơ sở xem xét giảm nhẹ hình phạt tử hình trong giai đoạn thi hành án.