TS Nguyễn Quốc Việt: 'Quá trình phục hồi kinh tế đang bộc lộ nhiều khó khăn'
Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), khẳng định quá trình phục hồi của nền kinh tế của doanh nghiệp sau đại dịch đang gặp nhiều khó khăn.
Cả doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp FDI đều khó khăn
- Bức tranh kinh tế Việt Nam đang ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Việt: Ngoài bức tranh chung mà Tổng cục Thống kê vừa công bố liên quan các chỉ số vĩ mô, tôi muốn nhấn mạnh vào một số yếu tố cụ thể cho thấy quá trình phục hồi kinh tế có nhiều khó khăn.
Đầu tiên, chỉ số phát triển doanh nghiệp rất kém, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường càng ngày càng tăng, trong khi số doanh nghiệp quay lại thị trường càng giảm, mỗi ngày trung bình hơn 200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, mức độ vốn đầu tư đăng ký của các doanh nghiệp cũng giảm rất mạnh. Đây là vấn đề đáng báo động.
Cùng với đó, chỉ số công nghiệp (IIP) hụt hơi thấy rõ ở hầu hết các ngành/lĩnh vực từ công nghiệp chế biến, chế tạo đến các ngành thực phẩm, dệt da giày.
Ngoài ra, một dấu hiệu khác cũng cho thấy bức tranh khó khăn của nền kinh tế là từ giữa năm 2022, giá trị nhập khẩu nguyên phụ liệu của 1 số ngành công nghiệp trọng điểm cũng giảm mạnh.
Cùng với đó, bức tranh kinh tế của các doanh nghiệp FDI cũng không khá hơn, sự sụt giảm nghiêm trọng vốn đăng ký cũng như chất lượng dòng vốn FDI trong 2 tháng đầu năm. Tình hình dòng vốn FDI như vậy cũng khá tương đồng, phản ánh khó khăn chung của nền kinh tế ảnh hưởng đến dự định đầu tư hoặc mở rộng sản xuất, nhất là khả năng tiếp cận vốn FDI thông qua hoạt động mua bán sáp nhập thấp.
- Theo Tổng cục Thống kê, chỉ trong 2 tháng đầu năm, đã có gần 52 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động. Ông nghĩ sao về điều này?
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 2 tháng đầu năm đang cao gấp đôi thời đỉnh dịch 2021-2022. So sánh giữa số doanh nghiệp rút lui và số doanh nghiệp quay lại sẽ thấy số lượng quay lại hoạt động chưa bằng 1/2 số rút lui, có tháng số lượng rút lui gấp 3 lần số quay lại. Số vốn đăng kí mới lại liên tục đi xuống và giảm kỷ lục vào cuối năm 2022 đầu năm 2023.
Nhìn vào những con số trên, có thể thấy doanh nghiệp đang cực kỳ khó khăn, biên lợi nhuận bị bào mòn do chi phí đầu vào tăng cao, nhất là chi phí vốn, dẫn đến phải tạm dừng và giải thể hàng loạt.
Cùng với đó, điều này cũng thể hiện triển vọng thị trường kém, cầu cả trong và ngoài đều suy giảm khiến động lực đầu tư, niềm tin thị trường không cao.
Ngoài ra, bối cảnh lãi suất neo cao như hiện tại sẽ khiến thị trường trường vốn méo mó, cá nhân/doanh nghiệp sẽ chỉ phòng thủ vào các tài sản đầu cơ hoặc gửi ngân hàng thay vì dồn lực vào sản xuất/kinh doanh vốn đang chịu nhiều rủi ro hơn.
Nếu sức khỏe doanh nghiệp không ổn định, thậm chí suy giảm như các biểu hiện về số lượng doanh nghiệp giảm (rút lui nhiều hơn so với quay lại), số vốn đăng kí giảm sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi tăng trưởng và tăng năng suất lao động và các các mục tiêu phát triển bền vững khác của Việt Nam. Điều này cũng sẽ dẫn đến tình trạng người lao động mất việc làm nghiêm trọng và số lượng bổ sung lao động mới hàng năm (khoảng nửa triệu người) sẽ khó khăn tiếp cận việc làm hơn, việc sụt giảm tăng trưởng, mất việc làm kéo dài dẫn đến bất ổn vĩ mô khác, thậm chí gây mất ổn định xã hội.
- Khi nhận định về nền kinh tế sau đại dịch, ông từng bình luận rằng nội tại nền kinh tế của Việt Nam đang tồn tại nhiều mâu thuẫn. Nhìn lại nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, theo quan sát của ông, nền kinh tế còn những mâu thuẫn nào, thưa ông?
Vẫn còn những mâu thuẫn khó lý giải trong nội tại nền kinh tế. Trong đó, mâu thuẫn lớn nhất trong nền kinh tế sau đại dịch là khả năng Việt Nam có thể duy trì được lạm phát trong chỉ tiêu, nhưng lãi suất huy động và từ đó cho vay doanh nghiệp lại quá cao (lạm phát Việt Nam năm 2022 được kiểm soát ở mức 3,15%, định hướng năm 2023 dưới 4,5%).
Từ giữa tháng 10/2022 đến nay, mặt bằng lãi suất huy động tiết kiệm của các ngân hàng từ 9,5 - 13%/năm. Như vậy, lãi suất huy động vốn của các ngân hàng cao gấp đôi, gấp ba so với lạm phát. Điều này cũng đồng nghĩa lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp cũng rất cao, trên 10%, sẽ quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Tiếp đó là các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của Việt Nam cuối năm 2022 được công bố khả quan, nhưng hoạt động kinh doanh và đầu tư lại khó khăn, co hẹp và thua lỗ ở nhiều ngành/lĩnh vực/thành phần kinh tế.
Tiếp đó, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng thị trường tài chính lại có những chao đảo và đứt gãy, tín dụng khô cạn, nhà đầu tư rời bỏ thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu gần như đóng băng, từ đó khả năng tiếp cận và chi phí vốn của doanh nghiệp cực kỳ khó khăn. Thực tế cho thấy doanh nghiệp thiếu việc làm, công nhân mất việc hoặc giảm việc làm, giảm thu nhập. Năm 2022, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến cho doanh nghiệp bị mất đơn hàng, sụt giảm đơn hàng khiến hàng trăm nghìn lao động trong cả nước phải ngừng việc tạm thời, thậm chí mất việc làm.
- Nhiều ý kiến cho rằng đầu tư công đang được xem là “cửa sáng” có thể vực dậy nền kinh tế ở thời điểm này, ông có nghĩ vậy?
Tôi không nghĩ như vậy. Với câu chuyện đầu tư công, giải ngân hơn 700 nghìn tỷ trong năm 2023 là điều không dễ dàng do vướng quy định về định giá, đầu tư, PPP... Nhiều cơ quan chức năng, doanh nghiệp e ngại, “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”.
Vì vậy, tôi không kỳ vọng quá nhiều về việc đầu tư công có thể tạo cú hích tăng trưởng hay lan toả sang các lĩnh vực khác, mặc dù Chính phủ rất quyết tâm.
- Vậy nếu không thể trông chờ được vào đầu tư công, thì chúng ta sẽ trông vào đâu, thưa ông?
Tôi kỳ vọng Chính phủ dồn lực thực hiện tốt gói hỗ trợ 350.000 tỷ bằng cách rà soát những vấn đề không khả thi, xem xét hỗ trợ điều chỉnh lại. Đây mới được xem là nguồn lực hiệu quả, mấu chốt để hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục.
Nói riêng về gói hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, đến nay chậm triển khai không phải do lo ngại cung tiền ảnh hưởng đến lạm phát, vướng mắc ở đây là thủ tục pháp lý để doanh nghiệp tiếp cận gói vay.
Không nên vì ngân sách mà tăng thuế
- Đứng trước những thách thức ông vừa nêu, Nhà nước nên làm gì để có thể thúc đẩy kinh tế phục hồi mạnh mẽ, thưa ông?
Để hỗ trợ doanh nghiệp, với mỗi đối tượng, ngành hàng cần có giải pháp đặc thù khác nhau. Tuy nhiên, tựu trung, giải pháp đều xung quanh 3 công cụ hỗ trợ gồm tiền tệ, tài khoá và thể chế chính sách.
Với chính sách tiền tệ, dư địa của Việt Nam tương đối hạn hẹp, ràng buộc nhiều yếu tố. Như Nghị quyết 01 đã nêu, mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Khi nguy cơ lạm phát vẫn còn hiện hữu, việc thực hiện cùng lúc hai mục tiêu vừa “cứu” doanh nghiệp vừa ổn định kinh tế vĩ mô đặt nhiều sức nặng lên vai Ngân hàng Nhà nước.
Dẫu vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn có sự ổn định tương đối về chính sách tiền tệ trong thời gian vừa qua, đặc biệt là những tháng cuối năm 2022. Cụ thể, duy trì mức lãi suất hợp lý, đồng thời can thiệp vào thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
Tuy nhiên, tôi đánh giá, cơ quan điều hành không dễ giảm lãi suất, bởi những động thái gần đây của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy những tín hiệu về việc tăng lãi suất điều hành của cơ quan này có thể tiếp tục diễn ra.
Với chính sách tài khóa, có thể kỳ vọng gói hỗ trợ giãn hoãn thuế vẫn bao gồm gói 2% VAT bởi Việt Nam có 13 triệu lao động chính thức, dù thu nhập đã nhích lên nhưng vẫn thấp so với mức tăng chi tiêu. Trong khi đó, sức ép tiêu dùng, chi tiêu của người lao động là rất lớn, theo đó, việc giảm 2% VAT vẫn cần kéo dài, hoặc ít nhất 6-9 tháng mới đủ tác động tới doanh nghiệp.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp Việt đều đang gặp khó khăn. Chúng ta nên triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% đến các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, một mặt, đương nhiên phần nào khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, mặt khác, hỗ trợ bình ổn giá cả ổn định kinh tế vĩ mô.
Doanh nghiệp ngành dệt may là một điển hình. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này gặp khó khăn do ảnh hưởng lãi suất tăng cao và tỷ giá USD đang biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu để gia công xuất khẩu, dẫn đến sức ép giảm lợi nhuận đầu năm.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn sẽ giúp các doanh nghiệp này phục hồi và mở rộng hoạt động sản xuất, vừa tăng cường xuất khẩu, vừa hỗ trợ thị trường tiêu dùng trong nước.
- Về lâu dài, làm thế nào để nền kinh tế phục hồi nhanh chóng và đi đúng quỹ đạo, thưa ông?
Về lâu dài, cải cách quyết liệt môi trường kinh doanh là giải pháp quan trọng.
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.
Những nỗ lực về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững, là trợ lực hữu hiệu cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
- Còn đối với doanh nghiệp, ông có những khuyến nghị như thế nào để doanh nghiệp có thể thích nghi và kinh doanh trong thời điểm hiện tại?
Theo kinh nghiệm những năm khủng hoảng tài chính Châu Á (1997-1998), các vấn đề doanh nghiệp cần xem xét lại ở thời điểm hiện tại là cải tổ mô hình quản trị doanh nghiệp theo hướng minh bạch, liêm chính, kiên quyết loại bỏ mô hình kinh doanh nặng tính gia đình trị (phải áp dụng các chuẩn mực và mô hình quản lý hiện đại).
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần đổi mới công nghệ và nắm bắt xu hướng mô hình kinh doanh trong ngành/lĩnh vực của mình để có từng bước tham gia tốt hơn chuỗi sản xuất-kinh doanh của thế giới. Tùy bối cảnh và nguồn lực hiện tại mà cần có cách tư vấn xây dựng chiến lược/lộ trình phù hợp, không có sự giống nhau của mọi doanh nghiệp hay ngành hàng, ví dụ như chuyển đổi số bây giờ là mốt, nhưng cứ hô hào và áp dụng chung mô hình thì cũng không hẳn là đúng; doanh nghiệp cần thực sự xác định được tự chủ kinh doanh.
Kinh doanh có đạo đức là nền tảng của mọi loại hình doanh nghiệp; các chiến lược kinh doanh dựa dẫm vào các hỗ trợ/đặc quyền hoặc thông qua thủ đoạn, đi đêm, lợi ích nhóm với nhà nước rồi cũng sẽ gặp các rủi ro khác nhau, hoặc các nguồn lực bị méo mó, chiến lược kinh doanh cũng bị biến dạng, từ đó hiệu quả đầu tư cũng không đạt được như kỳ vọng.