TS Nguyễn Trí Hiếu: ‘Bong bóng bất động sản có thể vỡ vào đầu năm 2019’
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định hiện tượng bong bóng bất động sản tại một số địa điểm đang hình thành và chỉ chực chờ các hiện tượng khác của nền kinh tế là vỡ ra. “Bong bóng có thể vỡ ra vào đầu năm 2019 hoặc trong năm 2019”, ông nói.
Theo TS Hiếu, thị trường bất động sản hiện nay đang rất nóng. Dù phân khúc đất nền đã giảm nhiệt sau khi Luật đặc khu được hoãn thông qua hồi tháng 5/2018 nhưng sức nóng vẫn còn tồn tại ở nhiều địa điểm và nhất là giá bất động sản vẫn đang trên đà tăng.
“Tại nhiều địa điểm, giá bất động sản đã tăng 100%. Đây là hiện tượng rất đáng lo. Tại Việt Nam, giá tăng từ 5 – 10% là thường, tăng từ 10 – 30% là cao, tăng từ 30 - 50% là rất cao, tăng từ 50 -100% là quá cao và tăng từ 100% là có hiện tượng bong bóng. Bong bóng có thể vỡ ra bất cứ lúc nào”, ông nói.
TS Hiếu cho rằng thị trường bất động sản cũng tương tự như thị trường chứng khoán, không thể lên mãi được.
“Thị trường như cái máy bay, có lên, có xuống. Chúng ta phải cẩn thận vì bong bóng có thể vỡ ra vào đầu năm 2019 hoặc trong năm 2019. Tôi nghĩ hiện tượng bong bóng tại một số địa điểm đã hình thành và chỉ chờ chực các hiện tượng khác của nền kinh tế để vỡ ra”, ông Hiếu cảnh báo.
Đáng chú ý, ông Hiếu cho rằng tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản không phải chỉ chiếm 7,5% tổng dư nợ mà chiếm tới… 20%.
“Nhiều khoản tín dụng cho bất động sản nhưng lại được ngân hàng phân loại vào tín dụng tiêu dùng. Sở dĩ làm được điều này vì Ngân hàng Nhà nước định nghĩa tín dụng kinh doanh bất động sản là tín dụng để mua bất động sản với mục đích sinh lời và các ngân hàng đã dùng chính định nghĩa này để ‘lách’ khi phân loại tín dụng”, ông Hiếu cho hay.
“Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tín dụng bất động sản đang “ẩn” nấp trong tín dụng tiêu dùng. Cụ thể, tính đến cuối năm 2017, tín dụng rót vào bất động sản chỉ chiếm 5,9% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, giảm mạnh so với mức hơn 8% năm 2016, nhưng tín dụng tiêu dùng lại tăng rất mạnh, cao gấp 3 - 4 lần mức tăng trưởng tín dụng bình quân cả nước.
Đặc biệt, tín dụng dành cho mua, sửa chữa nhà ở tăng tới 76,5% và chiếm gần 53% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng. Điều này gây không ít lo ngại, bất chấp tiêu dùng đang là lĩnh vực có sức hút rất lớn trên thị trường. Theo Ngân hàng Nhà nước, nếu không kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiêu dùng thì nguy cơ “bong bóng" tín dụng bất động sản lặp lại là khó tránh khỏi”.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn
Theo Vĩnh Chi / Vietnamfinance