TS Vũ Đình Ánh: ‘Không tài sản đảm bảo là đặc điểm quan trọng của trái phiếu doanh nghiệp’

Bình luận về thị trường trái phiếu doanh nghiệp TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh điều quan trọng nhất của trái phiếu doanh nghiệp là xếp hạng tín nhiệm, kể cả doanh nghiệp thấp vẫn được phát hành.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh

Báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết trong tháng 8/2022, có 26 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó chủ yếu là trái phiếu của các ngân hàng thương mại; các lĩnh vực khác tiếp tục khá hạn chế, chỉ có 2 đợt phát hành từ Công ty cổ phần Fuji Nutri Food và Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền với tổng giá trị 1.800 tỷ đồng.

Theo VBMA, sự "èo uột" của thị trường bắt nguồn từ những rủi ro đầu tư và rủi ro pháp lý bộc lộ ở một số trường hợp sau giai đoạn phát triển nóng, cùng hướng siết chặt lại cơ chế pháp lý. Đặc biệt, việc sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp được cho là nguyên nhân chính.

Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư công không phát huy được vai trò và giá trị dẫn kết, nhu cầu vốn của cộng đồng doanh nghiệp tăng cao thì cầu nối thị trường trái phiếu doanh nghiệp lại phát sinh khoảng trống đột ngột kéo dài.

Trong khi đó, Chính phủ liên tiếp có các định hướng, đề án đặt mục tiêu phát triển mạnh thị trường vốn mà trọng tâm là thị trường trái phiếu với mục tiêu đạt 20% GDP đến năm 2025.

Bình luận về thị trường trái phiếu hiện tại, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho biết trong số 1,4 triệu tỷ đồng trái phiếu đã phát hành, có 80% là phát hành riêng lẻ và 20% còn lại phát hành ra công chúng. Nghị định 153 về phát hành trái phiếu tập trung vào trái phiếu phát hành riêng lẻ nhưng cho tới nay, chưa có cơ quan nào trả lời 20% trái phiếu phát hành ra công chúng đang có vấn đề gì hay không.

“Một điều chúng ta cần lưu ý, năm 2021 doanh nghiệp phát hành trái phiếu cực lớn, nhưng cũng cần phải nhấn mạnh đây là năm mà chúng ta chịu tác động cực mạnh của dịch bệnh. Do đó, chúng ta không thể bỏ qua câu chuyện tác động của dịch bệnh tới thị trường này”, ông Ánh nói.

Ngoài ra, ông Ánh cũng đề cập đến cơ quan chịu trách nhiệm về thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định 153 quy định rất rõ là Bộ Tài chính, tuy nhiên, chỉ Bộ Tài chính thì không thể giải quyết được các vấn đề của thị trường nếu không có sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước.

“Vừa qua, báo chí nói nhiều đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp 3 không: không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh phát hành. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý, cái không tài sản đảm bảo chính là một đặc điểm quan trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bởi nếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo thì họ đã đi vay ngân hàng.

"Quan trọng nhất của trái phiếu doanh nghiệp là phải dựa trên xếp hạng tín nhiệm, kể cả doanh nghiệp bị xếp hạng thấp thì họ vẫn được quyền phát hành. Vấn đề là nhà đầu tư có mua không và mua với lãi suất bao nhiêu, khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư là khác nhau”, ông Ánh nói và cho rằng, điều quan trọng là chúng ta cần phát triển hệ thống xếp hạng tín nhiệm một cách trung thực, khách quan.

Để thị trường vốn phát triển lành mạnh TS Trương Văn Phước – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng cần có một định chế độc lập, cần một cơ quan có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng.

“Cũng cần phải có các định chế xếp hạng sức khỏe của doanh nghiệp, nhà đầu tư từ đó quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình", ông Phước nêu quan điểm.

Kỳ Thư

Theo VietnamFinance